19/06/2019 - 15:26

Sẵn sàng tương trợ 

Ông Trần Văn Tờ, Chi hội phó Hội Nông dân ấp Trường Phú 2, xã Trường Long, huyện Phong Điền là người tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Ông đã thành công trong việc chuyển đổi đất ruộng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng Ri6, có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Tháng 5-2019, ông Tờ được UBND huyện Phong Điền tặng Giấy khen đạt thành tích trong 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT-TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn sầu riêng ông Tờ đã 14 năm tuổi nhưng cây luôn phát triển xanh tốt và cho năng suất cao.

Năm 2005, ông Tờ chuyển 7,5 công đất ruộng lên vườn trồng sầu riêng với mong muốn cải thiện hiệu quả kinh tế. Được giới thiệu giống sầu riêng Ri6 có ưu điểm cơm vàng, hạt lép, phẩm chất ngon hơn các giống sầu riêng thông thường, ông quyết định mua 80 gốc về trồng thử. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên cây kém phát triển. Đến khi cây có trái bị sượng, thương lái không thu mua hoặc bán giá rẻ. Sau khi  được tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng, ông Tờ ứng dụng thành công vào sản xuất, sầu riêng cho năng suất cao. Hiện nay, vườn sầu riêng của ông Tờ được 14 năm tuổi, cho trái ổn định gần 10 năm qua. Ông Tờ phấn khởi nói: "Năm 2019, gia đình tôi thu hoạch được trên 14 tấn trái sầu riêng, bán với giá 43.500 đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình còn lời trên 400 triệu đồng. Do giống sầu riêng Ri6 có năng suất  cao và phẩm chất ngon, được thị trường ưu chuộng nên không phải lo đầu ra cho sản phẩm".

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Tờ còn giúp đỡ nhiều hội viên nông dân trong phát triển mô hình trồng sầu riêng. Ông Hồ Văn Hạnh, ấp Trường Phú 2, cho biết: "Thấy mô hình của anh Tờ làm ăn hiệu quả, tôi chuyển đổi 10 công đất ruộng lên vườn để trồng sầu riêng. Đến nay, 4 công đã cho thu nhập, phần còn lại cây được 2 năm tuổi và phát triển xanh tốt. Anh Tờ tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc sầu riêng cho bà con ở ấp. Mỗi khi cây sầu riêng bị sâu bệnh tấn công, anh Tờ hướng dẫn mua phân thuốc tưới là hết ngay nên vườn sầu riêng của tôi lúc nào cũng xanh tốt".

Trong cuộc sống, ông Tờ còn là tấm gương về sự cần cù lao động, ham học hỏi, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông thường xuyên đi tham quan các mô hình làm ăn đạt hiệu quả để rút kinh nghiệm, giúp bà con ứng dụng trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Ông Tờ tâm sự: "Muốn vận động bà con thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, bản thân mình phải làm gương và làm đạt kết quả tốt. Từ đó, mình mới hướng dẫn, thuyết phục bà con làm theo được…". Với sự nhiệt tình, giúp đỡ hội viên vươn lên phát triển kinh tế, năm 2019, ông Tờ được người dân tín nhiệm bầu làm Phó Trưởng ấp Trường Phú 2, kiêm Chi hội Phó Hội Nông dân ấp. Ông Tờ bộc bạch: "Là cán bộ cơ sở, tôi luôn tâm đắc và cố gắng học tập tấm gương đạo đức của Bác là nói đi đôi với làm. Học Bác, tôi luôn gần dân, tận tụy trong công việc, gắn nhiệm vụ của mình với những việc làm thiết thực vì lợi ích của dân".

Ông Phạm Văn Tư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Long, cho biết: "Mô hình trồng sầu riêng của ông Tờ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở Phong Điển, sầu riêng được xem là loại cây trồng chủ lực, có thể giúp đời sống nông dân ổn định, vươn lên khá giàu. Ở tuổi 69 nhưng ông Tờ luôn tận tụy, tích cực góp công sức cho các phong trào ở địa phương, nổi bật là vận động nhân dân, mạnh thường quân đóng góp làm đường, xây cầu, giúp đỡ nhiều hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Ông Tờ được nhiều bà con quý trọng, tin tưởng, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong việc học tập và làm theo Bác".

Bài, ảnh: Thanh Thư

Chia sẻ bài viết