25/04/2011 - 08:38

Đồng bằng Sông Cửu Long

Sẵn sàng cho vụ lúa thu đông

Thống kê của ngành nông nghiệp, diện tích lúa vụ lúa thu đông 2011 các tỉnh phía Nam sẽ tăng thêm diện tích khoảng 100.000ha lên mức 600.000ha và chủ lực vẫn là ĐBSCL. Hiện ngành nông nghiệp các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã tích cực quy hoạch vùng mở rộng diện tích để tiến hành gia cố bờ bao, nạo vét kênh nội đồng phục vụ sản xuất vụ thu đông đảm bảo thắng lợi.

Các địa phương đã sẵn sàng

Nông dân An Giang thường trúng mùa vụ thu đông do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. 

Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc tăng thêm 100.000ha lúa thu đông, các địa phương đã khẩn trương triển khai đăng ký thực hiện. Các địa phương có hệ thống thủy lợi nội đồng khép kín, hoàn chỉnh đều đăng ký mở rộng diện tích, người dân cũng nhiệt tình hưởng ứng chủ trương. Theo thống kê, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 500.000ha đất trồng lúa có thể sản xuất vụ thu đông. Năm 2011, qua rà soát và mở rộng, diện tích vụ này có thể đạt đến 600.000ha.

Hiện nay, các địa phương vùng ĐBSCL đang khẩn trương rà soát lại các vùng đăng ký tăng diện tích vụ thu đông để đảm bảo vụ mùa sản xuất đạt thắng lợi. Tỉnh Kiên Giang, do nhiều địa phương trong tỉnh chịu ảnh hưởng lũ và phèn mặn, nên ngành nông nghiệp tỉnh chỉ quy hoạch sản xuất lúa thu đông ở 3 huyện vùng Tây Sông Hậu có nước ngọt quanh năm, gồm: Giồng Riềng, Châu Thành và Gò Quao với diện tích 37.500ha. Trong đó, Giồng Riềng là huyện có diện tích quy hoạch sản xuất lúa thu đông lớn nhất với 30.000ha. Khả năng đến năm 2015, Kiên Giang sẽ ổn định vùng lúa thu đông với diện tích 50.000ha. TP Cần Thơ trong thời gian gần đây giảm mạnh diện tích lúa thu đông từ 50.200ha xuống còn khoảng 36.000ha. Nhưng ngay sau khi có chủ trương tăng diện tích sản xuất lúa thu đông, các địa phương đã rà soát và đăng ký tăng gần 17.000ha so với năm 2010 lên mức 50.000ha trong vụ thu đông năm 2011. Trong đó, huyện Vĩnh Thạnh tăng nhiều nhất, từ 395ha lên 10.500ha.

Còn tỉnh Đồng Tháp dự kiến sẽ tăng thêm gần 39.000ha lúa thu đông năm 2011, nâng diện tích vụ lên khoảng 99.000ha. Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh còn khuyến cáo nông dân hạn chế thấp nhất gieo trồng giống lúa IR-50404, phấn đấu sản xuất lúa chất lượng cao khoảng 60-70% diện tích, lúa thơm chiếm khoảng 15-20%. Riêng tỉnh đầu nguồn An Giang có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa thu đông. Cách đây khoảng 20 năm, vùng đất cù lao Chợ Mới đã xây dựng được hệ thống đê bao khép kín gieo trồng khoảng 1.000ha lúa thu đông. Đến nay, hệ thống đê bao khép kín đã được triển khai ở nhiều địa phương trong tỉnh, đảm bảo sản xuất an toàn cho khoảng 100.000ha lúa thu đông. Trong đó, các huyện Thoại Sơn, Phú Tân, Chợ Mới có thể sản xuất lúa 3 vụ trên 100% diện tích trồng lúa ở địa phương.

Đảm bảo vụ mùa thắng lợi

Vụ lúa thu đông năng suất cao hơn vụ hè thu và cung ứng giống cho vụ đông xuân; cho các hợp đồng xuất khẩu đầu năm sau, nên nông dân không lo đầu ra. Riêng tỉnh An Giang, năng suất vụ này có thể đạt 6 - 6,5 tấn/ha.

Ông Nguyễn Thế Truyền, Kỹ thuật viên nông nghiệp xã An Nông (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), cho biết: “Khu vực bờ đông kinh Vĩnh Tế đã được xây dựng đê bao khép kín, kiểm soát được lũ phục vụ sản xuất lúa thu đông, chiếm khoảng 1/2 diện tích đất trồng lúa của xã, tương đương trên 1.000ha. Nông dân địa phương có nhiều kinh nghiệm sản xuất lúa vụ này cùng với điều kiện thổ nhưỡng tốt nên năng suất thường đạt khoảng 6,5 tấn/ha, tương đương năng suất vụ đông xuân, cao hơn năng suất vụ hè thu, đầu ra cũng tốt nên nông dân không sợ lúa tồn đọng”. Theo nhận định của nhiều nông dân, thời điểm thu hoạch lúa thu đông là lúc vừa kết thúc mùa mưa, thời tiết nắng tốt rất thuận lợi cho khâu sau thu hoạch. Nhờ đó, tỷ lệ hao hụt giảm, năng suất cao, dễ tiêu thụ, nên nông dân an tâm được vụ mùa bội thu.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, các địa phương triển khai rà soát và có kế hoạch cụ thể, tránh rủi ro. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Để tăng diện tích sản xuất lúa thu đông trong năm 2011, ngành nông nghiệp thành phố đã kiểm tra kỹ lưỡng trước khi quy hoạch vùng sản xuất. Đồng thời, có kế hoạch sản xuất vụ hè thu sớm hơn 1 tháng tại các vùng sản xuất lúa thu đông để có thời gian cho đất nghỉ ngơi, tránh rủi ro do mưa lũ cho vụ thu đông”. Theo ông Quỳnh, thành phố hiện có 365 cơ sở xay xát và kinh doanh lúa gạo. Trong đó có 20% là các công ty lớn. Vì vậy, nếu phát triển vụ thu đông với các giống lúa chất lượng cao thì việc tiêu thụ không phải lo lắng...

Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Sản xuất lúa thu đông, đất lúa liên tục bị ngập nước, không được cày, phơi ải làm cho hàm lượng dinh dưỡng trong đất bị suy kiệt nếu sản xuất liên tục. Dịch bệnh sẽ có điều kiện phát triển và lưu dẫn trong đất, truyền sang vụ sau. Vì vậy, cần quản lý chặt chẽ về thời vụ. Thời gian cách ly hai vụ lúa phải trên 3 tuần lễ thì mới cắt được mầm bệnh vụ sau. Đồng thời, cần gia cố bờ bao để chủ động tiêu thoát nước khi xảy ra mưa nhiều, lúa bị ngập úng”. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ đề xuất kinh phí khoảng 200 tỉ đồng để hỗ trợ ĐBSCL gia cố bờ bao, bơm tưới và tiêu thoát nước tại các vùng quy hoạch sản xuất lúa thu đông.

MINH HUYỀN - THỤY DU

Chia sẻ bài viết