19/03/2012 - 13:27

TUYỂN SINH 2012 TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG CƠ ĐIỆN VÀ NÔNG NGHIỆP NAM BỘ

"Rộng cửa" cho thí sinh

Nhiều học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh 2012 của Trường CĐ CĐ&NN Nam Bộ, tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh, được tổ chức tại TP Cần Thơ.

Theo kế hoạch, năm học 2012-2013, đi đôi với việc đầu tư nguồn lực và đổi mới phương pháp, chương trình đào tạo, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp (CĐ CĐ&NN) Nam Bộ còn đa dạng hóa ngành nghề đào tạo để thu hút thí sinh. Bên cạnh đó, trường còn mở rộng nhiều loại hình đào tạo như liên thông, vừa làm vừa học...

Trong kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH), CĐ năm 2012, Trường CĐ CĐ&NN Nam Bộ dự kiến tuyển 1.450 học sinh, sinh viên cho các ngành CĐ, trung cấp; trong đó, tuyển 700 sinh viên cho các ngành, nghề bậc CĐ. Bậc CĐ kỹ thuật, trường tuyển sinh các ngành, gồm: Công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, chăn nuôi (chăn nuôi và dịch vụ thú y), công nghệ chế biến thủy sản, kế toán (kế toán doanh nghiệp). Trường mở thêm 5 nghề mới bậc CĐ gồm: kế toán doanh nghiệp, quản trị mạng máy tính, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, kỹ thuật máy nông nghiệp. Bên cạnh đó, trường cũng đề ra chỉ tiêu tuyển 750 học sinh cho 8 ngành trung cấp chuyên nghiệp, gồm: Bảo trì và sửa chữa ô tô, điện công nghiệp - dân dụng, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi-thú y, chế biến và bảo quản thủy sản, kế toán doanh nghiệp, trồng trọt, tài chính-ngân hàng. Còn với bậc trung cấp nghề, trường đang đào tạo 15 nghề thuộc các lĩnh vực: cơ, điện, nông nghiệp, chế biến, kinh tế và tin học.

Theo lãnh đạo Trường CĐ CĐ&NN Nam Bộ, việc mở các ngành học mới của trường dựa trên nguồn lực hiện có và nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội địa phương, nhất là khu vực ĐBSCL. Vì thế, trước khi mở mới mã ngành, trường đã tổ chức các đợt khảo sát nhu cầu thực tế từ doanh nghiệp, cựu sinh viên, sinh viên... Hiện nay, TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung có khá nhiều các tổ chức tín dụng, đơn vị, doanh nghiệp... thành lập là cơ sở để trường mở ngành kế toán doanh nghiệp. Thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường CĐ CĐ&NN Nam Bộ, cho biết: “Để mở các ngành học mới, trường đã có sự chuẩn bị đầu tư nguồn lực phục vụ cho các ngành học này. Giáo trình, chương trình đào tạo các ngành được biên soạn sát với nhu cầu thực tế địa phương. Tùy theo ngành học, trường tăng cường trang bị kỹ năng thực hành để sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể ứng dụng tốt vào công việc”. Theo ông Dương, năm nay, từ nguồn vốn vay của ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á), trường đã đầu tư trên 3 tỉ đồng trang bị thêm thiết bị thực hành, thực tập, phục vụ cho các ngành nghề cơ khí, gia công cắt gọt kim loại...

Trường CĐ CĐ&NN Nam Bộ là trường công lập, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với 42 năm hình thành và phát triển. Trường có mức thu học phí phù hợp với học sinh, sinh viên ĐBSCL (từ 900.000 đồng- 1.250.000 đồng/học kỳ/học sinh, tùy theo từng ngành học). Cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giảng dạy đủ đáp ứng qui mô đào tạo của trường. Hằng năm, trường có trên 1.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường, với tỷ lệ có việc làm trên 80%.

Song song với việc thu hút thí sinh đến với trường nghề bằng những ngành học mới, Trường CĐ CĐ&NN Nam Bộ còn đẩy mạnh hoạt động tư vấn hướng nghiệp- tuyển sinh. Định kỳ tháng 3 hằng năm, trường thành lập đoàn cán bộ làm công tác tuyển sinh đến các trường THPT một số tỉnh, thành ĐBSCL để tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh. Riêng năm 2011, trường đã tổ chức tư vấn cho hàng ngàn học sinh tại 35 trường THPT khu vực ĐBSCL. Theo cô Phan Kim Thanh, cán bộ Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Trường CĐ CĐ&NN Nam Bộ, kế hoạch tổ chức tư vấn hướng nghiệp- tuyển sinh năm 2012, trường sẽ tổ chức tư vấn hướng nghiệp- tuyển sinh tại các trường THPT ở TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng... để giúp thí sinh định hướng chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế gia đình.

Trường CĐ CĐ&NN Nam Bộ còn mở rộng nhiều loại hình đào tạo, giúp thí sinh có nhiều cơ hội học tập. Các ngành, nghề trường tổ chức đào tạo, học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể học bậc học cao hơn. Hằng năm, trường đều dành chỉ tiêu cho hệ đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng; học sinh không vào loại hình đào tạo chính qui vẫn có thể theo học hệ vừa làm vừa học của trường. Theo Thạc sĩ Lê Thái Dương, các ngành đào tạo cao đẳng kỹ thuật xét tuyển dựa vào kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 của thí sinh dự thi các khối A, A1, B, D1; các ngành bậc CĐ nghề, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, trường xét tuyển dựa trên kết quả học tập THCS, THPT của thí sinh (riêng bậc cao đẳng nghề, trường còn tuyển sinh dựa trên kết quả điểm thi đại học, cao đẳng năm 2012). Ông Dương cho rằng, những thí sinh đăng ký nguyện vọng đầu tiên vào trường, cơ hội trúng tuyển sẽ rất cao; đồng thời thí sinh có nhiều cơ hội chọn lựa ngành nghề hơn (do trường bổ sung khối thi A1). Tuy nhiên, các thí sinh cũng cần cân nhắc, lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, điều kiện kinh tế gia đình.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết