29/10/2019 - 12:17

“Góc giáo dục tích hợp”

Rèn luyện kỹ năng cho học sinh 

Giúp học sinh học tốt, rèn luyện kỹ năng sống thông qua “Góc giáo dục tích hợp” hay qua hoạt động trải nghiệm… Đây là phương pháp mà các trường tiểu học thành phố tiến hành để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh theo hướng Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Học sinh Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi tham gia hoạt động tại “Góc giáo dục tích hợp”.

Sau khi được học trên lớp môn Tự nhiên - xã hội bài “Một số động vật sống trên cạn”, đến buổi học thứ 2, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, quận Ninh Kiều được tham gia trải nghiệm tại “Góc giáo dục tích hợp”. Với chủ đề “Giáo dục bảo vệ động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng”, trong hơn 30 phút, các học sinh tham gia nhiều hoạt động, như: chơi trò chơi, thảo luận nhóm, xem clip liên quan đến động vật hoang dã quý hiếm... Em Nguyễn Lê Hồng Ngọc, học sinh lớp 3A, nói: “Chúng em được xem hình ảnh, chơi trò chơi, đố vui... và nhận thấy bảo vệ động vật hoang dã chính là bảo vệ môi trường sống”. Em Nguyễn Trần Gia Hân, học sinh lớp 3A, tiếp lời: “Em mong được tham gia nhiều hơn tiết học như thế này”.     

Theo cô Đinh Hồ Anh Thy, giáo viên lớp 3, Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, bên cạnh giờ lên lớp, giáo viên mong muốn có sân chơi giúp học sinh trải nghiệm thực tế. Từ tiết học chính khóa về động vật hoang dã, giáo viên mở rộng cho học sinh về trách nhiệm của con người trong bảo vệ thiên nhiên. Cuối tuần, học sinh có thể hát, vẽ, làm thiệp hay chơi cờ vua tại “Góc giáo dục tích hợp”. Cô Thy nói: “Góc giáo dục tích hợp giúp học sinh hứng thú, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục, rèn kỹ năng sống cho các em”.

Hiện Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi có 1.279 học sinh ở khối lớp 1 đến lớp 5; với 109 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó 55 giáo viên đều đạt chuẩn và 79% trên chuẩn. Cùng với cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ trang thiết bị là  điều kiện để trường triển khai thực hiện mô hình giáo dục mới. Để “Góc giáo dục tích hợp” hoạt động hiệu quả, toàn thể giáo viên chung tay thực hiện từ thiết kế góc phòng học, góc vui chơi, chuẩn bị đồ dùng dạy học, đồ chơi. Cô Nguyễn Thỵ Xuân Thảo, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ban đầu, góc này chỉ bồi dưỡng năng khiếu học sinh. Về sau giáo viên sử dụng dạy chính khóa. Tùy theo giáo viên đăng ký, trường xếp thời khóa biểu sao cho tránh trùng lắp, đảm bảo tất cả học sinh của trường đều được tham gia hoạt động”.

Theo quan điểm giáo dục hiện nay, việc truyền đạt kiến thức đến học sinh không còn trong khuôn khổ lớp học chính khóa, mà đã được các trường mở rộng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Với ý nghĩa này, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ninh Kiều chọn Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi thí điểm xây dựng “Góc Giáo dục tích hợp”. Bà Quách Thị Thu Hương, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều, cho biết: “Góc Giáo dục tích hợp hướng đến mục tiêu tạo cho thầy trò không gian dạy và học thoải mái, gắn môn học với thực tế để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục. Từ việc thí điểm tại Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, tới đây ngành sẽ nhân rộng sang 22 trường tiểu học còn lại”.

Song song với Ninh Kiều, một số quận huyện còn lại trên địa bàn thành phố, như: Bình Thủy, Ô Môn, Thới Lai, Thốt Nốt… đã và đang chỉ đạo các trường triển khai thực hiện Góc tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ để rèn luyện năng khiếu cho học sinh, Vườn rau sạch tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận Ô Môn), Trường Tiểu học Trường Xuân A (huyện Thới Lai), Trường Tiểu học Bình Thủy… Mỗi trường ở mỗi quận huyện có cách làm, tên gọi khác nhau nhưng đều hướng đến mục tiêu giáo dục, kỹ năng sống cho học sinh. Và “Góc giáo dục tích hợp” do ngành giáo dục quận Ninh Kiều thí điểm thực hiện năm học 2019-2020, tạo cho thầy và trò không gian không còn gò bó, căng thẳng như những tiết học trên lớp, nội dung giáo dục ở thí điểm thiết thực và gần gũi với cuộc sống, đáp ứng nhu cầu hoạt động, tìm hiểu của học sinh. Từ đó, giúp các em vận dụng những hiểu biết của mình vào trong thực tiễn cuộc sống; đây cũng là mô hình giáo dục tiệm cận với Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Bài, ảnh: Ng.Ngân

Chia sẻ bài viết