24/06/2009 - 08:24

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo hội nghị trực tuyến ngành dược toàn quốc

Rà soát vấn đề chế tài xử lý các trường hợp vi phạm thông tin thuốc, quảng cáo sai sự thật

Ngày 23-6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến ngành dược toàn quốc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nêu rõ: Đến nay, thuốc sản xuất trong nước chiếm 50,2% giá trị, tăng 19,16% so với năm trước, tiền thuốc bình quân đầu người tăng lên 16,45 USD/năm. Thuốc sản xuất trong nước đang hướng tới những nhóm thuốc có tỷ lệ sử dụng cao, thuốc chuyên khoa (như thuốc tim mạch, tiểu đường, thần kinh, nội tiết...); đồng thời, các dạng bào chế cũng được phát triển hơn (như thuốc tác dụng có kiểm soát, thuốc tiêm đông khô, thuốc sủi bọt...). Đặc biệt, việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật và hành chính, tỷ lệ thuốc giả, thuốc không đạt chất lượng không ngừng giảm, chiếm một tỷ lệ thấp so với khu vực và thế giới. Vấn đề giá thuốc bước đầu đã được kiểm tra, kiểm soát tương đối ổn định, không có sự tăng giá thuốc đột biến, bất hợp lý; đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh.

Được biết, hiện nay trên cả nước có trên 300 đơn vị tham gia sản xuất thuốc. Tuy nhiên, ngành dược nước ta vẫn có sự chênh lệch đáng kể về mức đầu tư và mặt bằng về khoa học phát triển so với khu vực. Ngành dược Việt Nam vẫn chủ yếu sản xuất thuốc generic (thuốc gốc). Do vậy, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc mới vẫn phải nhập khẩu để phục vụ công tác điều trị tại các bệnh viện. Trong khi đó, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới khiến giá trị thuốc xuất khẩu cũng như đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đều giảm. Nguồn dược liệu sản xuất thuốc, trình độ tay nghề, phương tiện kỹ thuật còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với trách nhiệm được giao... cũng đang là thách thức lớn đối với ngành dược Việt Nam.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Cục quản lý Dược Việt Nam đã trả lời 46 câu hỏi của các Sở, ngành y tế về các lĩnh vực dược đang được quan tâm như: thông tin quảng cáo thuốc mỹ phẩm, quản lý chất lượng thuốc mỹ phẩm; quản lý kinh doanh dược; giá thuốc- đấu thầu thuốc,...

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Y tế tiếp tục triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ của Quyết định số 154/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Quản lý nhà nước về dược phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ phẩm giai đoạn 2006 - 2015“, đồng thời tiếp tục hoàn thiện Đề án “quy hoạch chi tiết phát triển công nghiệp dược Việt Nam giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn 2020”. Ngành cần chuẩn bị hội nghị về dự báo nhu cầu và đầu tư về dược phẩm nhằm cung cấp thông tin có đủ độ dài, chiều sâu để định hướng cho các doanh nghiệp; sắp xếp hệ thống cơ sở phân phối toàn quốc, trong thời gian ngắn phải đẩy mạnh tiến trình đạt chuẩn GPP của các nhà thuốc, đặc biệt là nhà thuốc trong bệnh viện với nhiều ưu đãi như về tài chính, nhân lực. Riêng Tổng công ty Dược Việt Nam cần sớm chấn chỉnh và hoàn thiện bộ máy tổ chức; củng cố hoàn thiện hệ thống đánh giá chất lượng sản phẩm; chú trọng việc qui hoạch và phát triển nguồn dược liệu trong nước; đẩy mạnh công tác đấu thầu, rà soát vấn đề chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm thông tin thuốc, quảng cáo sai sự thật về thuốc. Các địa phương phải chủ động dự báo nhân lực cho chính mình và đặt hàng với Bộ Y tế cũng như chính các cơ sở đào tạo.

Theo các đại biểu, ngành dược Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức và còn thiếu định hướng. Đến nay, 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu từ nước ngoài trong khi thuốc sản xuất trong nước chủ yếu là các thuốc điều trị thông thường, bào chế ở dạng đơn giản và hiệu quả kinh tế chưa cao. Mặc dù Việt Nam là một quốc gia có nguồn dược liệu đa dạng và phong phú cả về số lượng, chất lượng, chủng loại nhưng vẫn chưa được khai thác tốt để đáp ứng nhu cầu xã hội; mạng lưới cung ứng, phân phối dược vẫn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp và tiêu chuẩn hóa nên chưa đóng vai trò chủ đạo để bình ổn thị trường thuốc trong nước cả về nguồn cung cấp, cũng như giá cả...Hiện mới có 5% tổng số nhà thuốc trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn GPP, trong đó chỉ có hơn 1/3 số nhà thuốc trong bệnh viện đạt tiêu chuẩn GPP. Đa số các nhà thuốc còn thiếu dược sĩ, thầy thuốc kê đơn, quy chế kê đơn không được thực thi nghiêm; tình trạng lạm dụng thuốc và cho thuốc một cách tùy tiện của các bác sĩ kê đơn... khá phổ biến và đang trở thành thách thức đối với ngành dược Việt Nam hiện nay.

THÚY – PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết