27/07/2021 - 08:06

Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý 

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một nghề đặc thù, cung cấp dịch vụ pháp lý không thu tiền cho người nghèo, đối tượng chính sách thuộc diện người được TGPL. Người thực hiện TGPL có bổn phận bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, từ đó góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý, bình đẳng trước pháp luật. Ngoài việc tuân thủ pháp luật, người thực hiện TGPL còn phải tuân thủ nguyên tắc hoạt động TGPL. Báo Cần Thơ xin giới thiệu đến bạn đọc một số nội dung về quy tắc nghề nghiệp TGPL. 

Người thuộc đối tượng TGPL có thể liên hệ trực tiếp đến Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ khi có nhu cầu (địa chỉ: số 1A, đường Trần Khánh Dư, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ðiện thoại liên hệ: 02923.825.926 - 02923.810.328)

Để nâng cao trách nhiệm, đạo đức, uy tín nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp, gương mẫu của người thực hiện TGPL, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy tắc nghề nghiệp TGPL quy định các chuẩn mực về hành vi, ứng xử của người thực hiện TGPL. Theo đó, người thực hiện TGPL phải trung thực, liêm chính, tôn trọng sự thật khách quan, giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, không lợi dụng hoạt động TGPL để trục lợi cho mình hoặc cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác. Bên cạnh việc bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL thì người thực hiện TGPL phải giữ bí mật thông tin về người được TGPL; về người được TGPL mà mình biết được trong quá trình thực hiện TGPL và ngay cả khi vụ việc, việc TGPL đã kết thúc, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của người được TGPL hoặc luật có quy định khác; không sử dụng các thông tin có được trong quá trình thực hiện TGPL để gây bất lợi cho người được TGPL, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội.

Người thực hiện TGPL phải bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Thực hiện vụ việc, việc TGPL với sự tận tâm, trách nhiệm, kịp thời áp dụng các biện pháp, kỹ năng cần thiết phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Người thực hiện TGPL phải bảo đảm sự độc lập, không để lợi ích của mình, lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác ảnh hưởng đến việc thực hiện vụ việc, việc TGPL; giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp, không bị tác động bởi mối quan hệ hành chính nội bộ, không bị ảnh hưởng khi bị đe dọa, cản trở, sách nhiễu hoặc bị can thiệp trái pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trong quá trình thực hiện TGPL.

Bên cạnh đó, trong cách ứng xử với người được TGPL, người thực hiện TGPL không được có thái độ hách dịch, hành vi coi thường người được TGPL hoặc phân biệt đối xử với người được TGPL. Ðồng thời, người TGPL không được sách nhiễu, chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho người được TGPL; cũng như hứa hẹn trước về kết quả giải quyết vụ việc, việc TGPL; không được gợi ý, đòi hỏi, đặt điều kiện hoặc nhận bất kỳ lợi ích vật chất, lợi ích khác có liên quan đến vụ việc, việc TGPL từ người được TGPL hoặc người khác. Người TGPL cũng không được tự mình hoặc xúi giục người được TGPL cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ mà mình biết rõ là không đúng sự thật liên quan đến vụ việc, việc TGPL hoặc thực hiện các hành vi lừa dối, hành vi bất hợp pháp khác gây khó khăn, cản trở việc giải quyết vụ việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; không được xúi giục, kích động người được TGPL thực hiện những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Người thực hiện TGPL phải ứng xử đúng mực, phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tính hợp tác, lịch sự, tôn trọng đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người có thẩm quyền liên quan đến vụ việc, việc TGPL. Phối hợp kịp thời với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ việc, việc TGPL; không được móc nối, lôi kéo, xúi giục người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người ở các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vụ việc, việc TGPL làm trái quy định của pháp luật… 

HOÀNG YẾN (Tổng hợp)    

Chia sẻ bài viết