04/02/2010 - 08:41

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới cần có sự tham gia của người dân

* Triển khai đề án đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm

(TTXVN-CT)- Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 193/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới với mục tiêu đến năm 2011 cơ bản phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn trên địa bàn cả nước, làm cơ sở để đầu tư xây dựng nông thôn mới, thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

Chương trình nêu rõ, nhiệm vụ quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải gắn liền với định hướng phát triển hệ thống đô thị, các vùng kinh tế và phù hợp với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; phải xác định cụ thể định hướng phát triển và đặc trưng của từng khu vực nông thôn; giải quyết tốt quan hệ giữa xây dựng trước mắt với phát triển lâu dài, giữa cải tạo với xây dựng mới. Đồng thời, việc quy hoạch phải đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng. Đặc biệt, quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải có sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư, từ ý tưởng quy hoạch đến huy động nguồn vốn, tổ chức thực hiện và quản lý xây dựng.

Theo kế hoạch, ngay trong năm 2010 tiến hành rà soát các xã đã có đồ án quy hoạch xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu quy hoạch của các đồ án này đảm bảo phù hợp với các chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ban hành kèm theo Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, trong năm 2010 cũng triển khai lập quy hoạch xây dựng các xã chưa có quy hoạch xây dựng đối với các xã thuộc chương trình giảm nghèo bền vững đối với huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; các xã thuộc các Chương trình 134, 135; các xã trong cận đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn); các xã trong khu vực có động lực phát triển cao khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp tập trung (KCNTT), các xã có quốc lộ đi qua; các xã thuộc các khu vực hải đảo và dọc biên giới. Năm 2011 sẽ tiếp tục triển khai lập quy hoạch xây dựng các xã chưa có quy hoạch trong khu vực dự kiến hình thành các vùng động lực phát triển trong tương lai: KKT, KCNTT của tỉnh; các xã có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp: trung tâm chế biến nông sản; vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi đặc sản; các làng nghề truyền thống...; có tiềm năng khai thác du lịch. Khi lập quy hoạch xây dựng nông thôn cho các xã này cần ưu tiên các xã có kết cấu hạ tầng nông thôn lạc hậu nhằm mục tiêu ổn định dân cư, nâng cao đời sống. UBND các cấp là đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai lập quy hoạch xây dựng nông thôn trên phạm vi quản lý.

Quyết định nêu rõ, đối với khu dân cư nông thôn hiện hữu, căn cứ các tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tiến hành đánh giá thực trạng quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội... để xác định nội dung ổn định, phù hợp với quy hoạch được giữ lại, nội dung đã ổn định cần chỉnh trang, cải tạo và những nội dung phải chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc xây dựng mới. Đối với khu dân cư nông thôn mới (khu tái định cư, di dân, khu kinh tế mới... theo các dự án trọng điểm), nội dung quy hoạch phải nêu rõ các yêu cầu về lựa chọn khu đất và phân khu chức năng; quy hoạch khu ở và khu trung tâm xã; quy hoạch khu sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, KCN; quy hoạch cây xanh, mặt nước và hạ tầng kỹ thuật...

* Ngày 3-2-2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị trực tuyến giao ban toàn quốc triển khai Quyết định số 1956/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án 1956).

Đề án 1956 nhằm tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động nông thôn, tạo chuyển biến sâu sắc về chất lượng, hiệu quả ĐTN. Theo đó, mỗi năm ĐTN cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, mở rộng đến nhiều đối tượng, nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm sau ĐTN trong từng giai đoạn. Đề án quy định cụ thể các chính sách đối với người học nghề, giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở dạy nghề cùng các giải pháp: Nâng cao nhận thức về học nghề; phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, đội ngũ giáo viên, giảng viên, chương trình, giáo trình; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án 1956...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những góp ý trong triển khai thực hiện Đề án của đại biểu các tỉnh, thành, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác ĐTN, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực và nhu cầu xã hội. Phó Thủ tướng lưu ý, Đề án 1956 có quy mô lớn, lâu dài nhất từ trước đến nay, các cơ quan Trung ương có liên quan cần sớm hoàn thành và ban hành các văn bản hướng dẫn về phân bổ kinh phí, cơ chế tài chính, thành lập ban chỉ đạo Đề án cấp tỉnh, thành... để các địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện. Các ngành chức năng địa phương cần phối hợp để thống kê cung cầu lao động, tránh đào tạo trùng lắp; vận động các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí ĐTN, thu nhận lao động; đăng ký đơn vị triển khai thực hiện thí điểm Đề án... Năm 2010, Ban chỉ đạo quốc gia sẽ tổ chức các đợt sơ kết tiến độ triển khai cấp vùng để sau đó đưa vào thực hiện Đề án 1956.

ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết