21/05/2025 - 16:39

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ góp ý về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội 

(CTO) - Trong phiên họp buổi sáng 21-5, Quốc hội tiến hành các nội dung: nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ; thảo luận tại hội trường và biểu quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử ĐBQH khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026- 2031.

Sau đó, các ĐBQH thảo luận tại các Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng.

Thảo luận tại Tổ 8 gồm có Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng và thành phố Cần Thơ.

Phát biểu thảo luận tại Tổ, ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho rằng, việc xây dựng các chính sách, cơ chế đặc thù để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội là hết sức cần thiết.


ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ.

“Qua giám sát của Quốc hội cho thấy, quy trình, thủ tục ưu đãi cho nhà ở xã hội còn phức tạp hơn nhà ở thương mại, cần từ 3-5 năm mới hoàn thành nếu mọi việc suôn sẻ. Hay quy định dành 20% quỹ đất của dự án nhà ở thương mại cho nhà ở xã hội cũng rất bất cập, hầu như không thực hiện được, nhiều dự án để trống phần quỹ đất này. Do đó, Chính phủ đề xuất các chính sách tổng thể cho nhà ở xã hội, tôi rất nhất trí”, ông Hùng nêu rõ.

Một trong những đề xuất đáng chú ý tại dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội đó là thành lập Quỹ nhà ở quốc gia. Theo ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng, việc thành lập Quỹ là cần thiết nhưng hiện trong dự thảo Luật chưa nêu rõ cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý. Một số ý kiến đề xuất giao cho Mặt trận Tổ quốc hoặc Tổng Liên đoàn Lao động, tuy nhiên ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, phương án này "không ổn". Bởi lẽ, việc quản lý Quỹ này cần cả năng lực đầu tư xây dựng và tổ chức cho thuê, thuê mua nhà - vốn rất phức tạp. Bên cạnh đó, các quy định vận hành Quỹ vẫn chưa rõ ràng. “Chính phủ cần xác định rõ cơ quan quản lý và cơ chế vận hành Quỹ này”, ông Hùng đề nghị.

Liên quan tới nội dung Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư trong trường hợp đã có quyền sử dụng đất hoặc đạt được thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là vấn đề mới, phức tạp, liên quan đến quyền lợi, lợi ích và quá trình xác định giá, thời điểm hoàn trả… Do đó, cần hết sức thận trọng và xin ý kiến chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền.

Trong dự thảo Nghị quyết quy định việc thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy tại cơ quan chuyên môn về xây dựng được thực hiện lồng ghép trong thủ tục cấp giấy phép xây dựng.

Đánh giá cao quy định trên, song ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trong thực tế, khâu nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy thường mất nhiều thời gian hơn khâu thẩm định thiết kế. Vì vậy, cần có quy định riêng về nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy với dự án nhà ở xã hội để rút ngắn thời gian.

Đối với đề xuất cho phép chủ đầu tư tự xây dựng và thuê đơn vị tư vấn đủ điều kiện để thẩm tra, phê duyệt giá bán, giá thuê nhà ở xã hội, ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, đây là bước tiến lớn. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn với quy định sau khi hoàn thành dự án, chủ đầu tư phải kiểm toán, quyết toán chi phí và gửi cơ quan chuyên môn cấp tỉnh kiểm tra. Trường hợp chi phí kiểm toán cao hơn giá đã ký hợp đồng thì chủ đầu tư không được thu thêm từ người dân; nếu thấp hơn, chủ đầu tư phải hoàn trả phần chênh lệch. Quy định này có thể khiến nhà đầu tư có xu hướng đẩy giá khởi điểm cao hơn để tránh rủi ro sau này. Vì vậy, cần thiết kế quy định cân bằng quyền lợi giữa các bên.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết áp dụng cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng, sở hữu nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở cho lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, trong nội dung dự thảo còn thiếu nhất quán: chỗ ghi “nhà ở xã hội”, chỗ lại ghi thêm “nhà lưu trú”, “nhà ở cho lực lượng vũ trang”... Do đó, “cần rà soát lại để bảo đảm thống nhất trong toàn bộ Nghị quyết”, đại biểu đề nghị.

Tránh xung đột trong quy định về Quỹ nhà ở quốc gia

Cũng góp ý với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (TP Cần Thơ) nêu một số điểm cần được cơ quan soạn thảo xem xét, đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.


ĐBQH Đào Chí Nghĩa phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ.

Cụ thể, theo dự thảo Nghị quyết, Quỹ nhà ở quốc gia có thể hình thành từ nhiều nguồn, trong đó bao gồm "nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công". Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, khoản thu từ việc bán tài sản công là nguồn thu của ngân sách nhà nước. Việc đưa nguồn thu này vào quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có thể dẫn đến xung đột với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Luật Ngân sách nhà nước hiện hành quy định: ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trừ trường hợp hỗ trợ vốn điều lệ với một số điều kiện cụ thể. Trong đó, yêu cầu quan trọng là nguồn thu và nhiệm vụ chi của quỹ không được trùng với ngân sách nhà nước. Nội dung này vẫn được giữ nguyên trong dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này

Từ các phân tích trên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát lại nội dung quy định về Quỹ nhà ở quốc gia để tránh chồng chéo, xung đột pháp lý với Luật Ngân sách nhà nước và các quy định liên quan.

Đại biểu cũng chỉ ra sự thiếu thống nhất giữa khoản 2 Điều 4 và khoản 1 Điều 11 của dự thảo Nghị quyết. Cụ thể, khoản 2 Điều 4 nêu nguồn thu của Quỹ từ “việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội”. Trong khi đó, khoản 1 Điều 11 lại quy định ưu tiên sử dụng nguồn thu này cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Hai quy định này có nguy cơ mâu thuẫn về cơ chế quản lý và sử dụng nguồn thu, cần được chỉnh lý để bảo đảm sự nhất quán trong nội dung.

Một điểm quan trọng khác được ĐBQH nêu là việc dự thảo quy định Quỹ nhà ở quốc gia có chức năng “đầu tư xây dựng” nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê, thuê mua. Cách diễn đạt này dễ khiến hiểu rằng Quỹ sẽ trực tiếp làm chủ đầu tư các dự án.

ĐBQH Đào Chí Nghĩa đề nghị cần làm rõ: nếu Quỹ thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, thì liệu có đáp ứng đầy đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và các luật liên quan hay không?

Đồng thời, cần xác định rõ vị trí pháp lý, mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Quỹ nhà ở quốc gia để bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật Nhà ở 2023 và Luật Ngân sách nhà nước cũng như tránh hiểu sai về vai trò, chức năng đầu tư trực tiếp của Quỹ trong thực tiễn triển khai.

HÀ LAN - LÂM TÂN

Chia sẻ bài viết