13/05/2008 - 09:42

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII:

Quy định chặt chẽ để sử dụng tài sản nhà nước hiệu quả

Sáng 12-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước và dự thảo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị quy định phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật theo hướng Luật này chỉ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và tài sản nhà nước được Nhà nước giao cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp quản lý, sử dụng. Đối với tài sản nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, vì lĩnh vực này có những đặc thù nên dự án Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc; trên cơ sở đó giao Chính phủ căn cứ vào Luật này quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng.

Đại biểu Hoàng Thị Hạnh (Hà Nội) cho rằng việc quy định quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong, luật là rất quan trọng để đảm bảo cho việc sử dụng tài sản nhà nước hợp lý, hiệu quả. Tuy nhiên, theo đại biểu cần bổ sung thêm quy định nếu người đứng đầu thuyên chuyển công việc hay chức vụ khác thì cần bàn giao lại đầy đủ cho người kế nhiệm. Đại biểu nhất trí với quy định tại Điều 13 về đầu tư xây dựng trụ sở làm việc với lý do về lâu dài cần giao cho một cơ quan (tổ chức) chuyên trách đầu tư xây dựng trụ sở làm việc để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc xây dựng trụ sở, tránh sự thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cần có lộ trình phù hợp. Trước mắt, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật (thực hiện theo hai phương thức: Giao cho tổ chức có chức năng thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở làm việc; Cấp kinh phí cho cơ quan trực tiếp sử dụng trụ sở làm việc thực hiện đầu tư xây dựng); đồng thời giao Chính phủ tổ chức nghiên cứu, tổng kết để có lộ trình tiến tới giao cho một cơ quan chuyên trách về vấn đề này.

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nhất trí với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước (Điều 16). Tài sản nhà nước được đầu tư, trang bị cho cơ quan nhà nước là để phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ. Trường hợp tài sản không được sử dụng hoặc sử dụng không hết thì phải được thu hồi, điều chuyển cho cơ quan khác để bảo đảm tài sản được sử dụng, phát huy tối đa công dụng của nó. Nếu cho cơ quan nhà nước cho thuê tài sản nhà nước sẽ đồng nghĩa với việc cho cơ quan nhà nước kinh doanh thì sẽ không đúng với chức năng của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật và cũng không đúng với mục đích của việc đầu tư, trang bị tài sản. Thực tế cho thấy đã có không ít trường hợp tổ chức, cá nhân lợi dụng việc cho thuê tài sản nhà nước tại các cơ quan nhà nước để tham ô, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước và sao nhãng việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Đại biểu nhất trí với đề nghị quy định vấn đề này theo hướng cơ quan nhà nước không được sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích cá nhân, cho thuê hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh khác. Đại biểu Tạ Ngọc Tấn (Thái Bình) lại cho rằng không nên ngăn cấm việc cho thuê tài sản. Theo đại biểu vẫn quy định cơ quan nhà nước được cho thuê tài sản nhưng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ để không bị lạm dụng.

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) nói về Điều 9: Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở trung ương quy định các bộ, cơ quan ngang bộ quyết định đầu tư mua sắm, định kỳ báo cáo Bộ Tài chính. Tuy nhiên đại biểu thấy rằng việc giao cho Bộ Tài chính như vậy quá nặng và thực tế nếu không cẩn thận thì với quy định này Bộ Tài chính sẽ “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Đại biểu cho rằng công việc này quá nặng nề có thể dẫn đến đầu tư tràn lan, quản lý không tập trung. Từ đó đại biểu đề xuất nên tách chức năng này của Bộ Tài chính giao cho Bộ Kế hoạch -Đầu tư để Bộ này thành lập Cục công sản quản lý về công sản, tổ chức hướng dẫn và thực hiện.

Thảo luận về dự thảo Luật trưng mua, trưng dụng tài sản nhà nước, đại biểu Trần Văn Tấn (Kiên Giang) nêu ý kiến về Điều 17 Giá trưng mua tài sản. Điều 17 quy định: Xác định giá trưng mua tài sản: Giá trưng mua tài sản được xác định căn cứ vào giá phổ biến trên thị trường địa phương của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và xuất xứ tại thời điểm quyết định trưng mua tài sản; Trường hợp tại thời điểm thanh toán tiền trưng mua tài sản, giá thị trường của tài sản trưng mua cao hơn so với giá thị trường tại thời điểm quyết định trưng mua thì giá trưng mua tài sản được tính theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán; đối với tài sản là bất động sản, phương tiện kỹ thuật hoặc những tài sản khác mà việc xác định chính xác giá khó có thể thực hiện ngay được tại thời điểm trưng mua tài sản thì người có thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản được thành lập hội đồng định giá để xác định giá trưng mua tài sản. Đại biểu cho rằng trong việc định giá tài sản là bất động sản, có thể có trường hợp người có thẩm quyền “thông đồng” cùng với hội đồng định giá để định giá tài sản thấp hơn thực tế. Từ phân tích này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung thêm quy định người bị trưng mua, trưng dụng tài sản trong trường hợp thấy bất hợp lý được quyền khiếu nại.

Về thẩm quyền quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản (Điều 13 và Điều 23), đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) tán thành với quan điểm không mở rộng thẩm quyền quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của những người có thẩm quyền này. Theo đó, chủ thể có thẩm quyền quyết định trưng mua, trưng dụng gồm Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng của Bộ có chức năng liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời, quy định rõ mỗi chủ thể có quyền quyết định trưng mua, trưng dụng đối với mỗi loại tài sản trong từng tình huống cụ thể. Đối với thẩm quyền quyết định trưng mua dự thảo Luật quy định không được ủy quyền hoặc phân cấp thẩm quyền cho người khác thực hiện thẩm quyền này. Đối với nhà, tài sản khác gắn liền với đất là những bất động sản thì chỉ có Thủ tướng Chính phủ mới có thẩm quyền trưng mua và trong trường hợp đất nước có chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Đối với thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản, dự thảo Luật quy định người có thẩm quyền quyết định trưng dụng được ủy quyền nhưng không được phân cấp thẩm quyền đó.

* Chiều 12-5, Quốc hội nghe Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ( sửa đổi) và thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật này.

Đánh giá chung của các đại biểu là Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp của các đại biểu kỳ trước, nâng cao cả chất lượng nội dung cũng như rút gọn được về hình thức. Tuy nhiên, một số đại biểu vẫn cho rằng cần phải thu gọn các loại văn bản quy phạm pháp luật, và tiến tới phải được rút gọn thêm nữa.

Các đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang), Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc), Vũ Hồng Anh (Hà Nội) cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quá nhiều loại văn bản (trên 20 loại văn bản), lại do nhiều chủ thể khác nhau ban hành, gây khó khăn cho công tác thi hành và áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng việc thu gọn đến đâu và loại văn bản nào cần được thu gọn cũng cần được cân nhắc kỹ và cần phải được thực hiện từng bước. Trước mắt, chỉ nên thu gọn các loại văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án Nhân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ban hành.

Nhiều đại biểu cho rằng, nên đưa Nghị quyết của Quốc hội là văn bản quy phạm pháp luật để có thời gian dài hơn. Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) băn khoăn, Nghị quyết của Quốc hội là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có những Nghị quyết thời hiệu quá ngắn như Nghị quyết về kinh tế xã hội năm 2008, Quốc hội thông qua và có hiệu lực mới được 5 tháng đã phải sửa.

Sáng 13-5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường thảo luận về dự thảo Luật hoạt động chữ thập đỏ và Luật năng lượng nguyên tử.

Chia sẻ bài viết