09/11/2008 - 07:29

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII:

Quốc hội thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2009

* Dự thảo Luật bồi thường Nhà nước: Công chức làm sai phải chịu trách nhiệm

Chiều 8-11, với tuyệt đại đa số đại biểu tán thành (88,44%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; đồng thời thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật quy hoạch đô thị.

Theo đó, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2009 sẽ là 389.900 tỉ đồng, (chiếm 21,5% GDP), giảm 28.100 tỉ đồng so với tờ trình của Chính phủ. Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2009 được xác định là 491.300 tỉ đồng. Như vậy, bội chi được Quốc hội cho phép là 87.300 tỉ đồng, bằng 4,82% GDP. Giảm chi ngân sách Trung ương, cụ thể là giảm chi cho đầu tư từ 118.880 tỉ xuống còn 112.800 tỉ đồng, giảm chi thường xuyên còn 269.300 tỉ đồng, giảm chi tiền lương từ 43.600 tỉ đồng xuống còn 36.600 tỉ đồng, vẫn điều chỉnh lương tối thiểu nhưng giãn tiến thời điểm thực hiện đến khoảng tháng 5 năm 2009.

Quốc hội cũng tán thành các giải pháp được Chính phủ và các Ủy ban của Quốc hội đề xuất về việc thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2009. Trong đó, có các giải pháp tiếp tục thực hiện chính sách tài chính thắt chặt, tiết kiệm chi, giảm bội chi trong năm 2009. Quốc hội yêu cầu Chính phủ có giải pháp chủ động ngăn ngừa khả năng suy giảm kinh tế xảy ra, tháo gỡ khó khăn để đạt chỉ tiêu thu, chi ngân sách. Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chủ động nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật thuế hiện hành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, đồng thời nghiên cứu các chính sách thuế khác khả thi và linh hoạt phù hợp với tình hình nền kinh tế hiện nay. Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ và các cơ quan chức năng có giải pháp giảm tối đa thuế nợ đọng, chống thất thu thuế và hạn chế tiêu cực có thể xảy ra trong lĩnh vực này. Đồng thời, nghiên cứu loại bỏ những khoản phí, lệ phí không còn phù hợp tránh đặt ra những khoản thu không phù hợp, trái pháp luật.

Trong nhiệm vụ chi, Quốc hội xác định ưu tiên chi cho lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt đầu tư cho 61 huyện nghèo nhất nước; đồng thời kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công. Quốc hội cũng đồng ý năm 2009 sẽ phát hành 36.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ và số vốn thu từ nguồn này sẽ dành phục vụ cho các công trình, dự án về giáo dục, y tế, giao thông, thủy lợi ở các vùng khó khăn. Riêng đối với các dự án, công trình kéo dài, không hiệu quả phải được loại bỏ để ưu tiên cho các dự án trọng điểm khác.

Thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị, nhiều đại biểu cho rằng những quy định về quy hoạch đô thị phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, có tính dự báo và định hướng phát triển đô thị bền vững; bảo đảm yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả và hạn chế sử dụng đất nông nghiệp. Trong việc lập quy hoạch đô thị, một số ý kiến lưu ý dự án luật cần quy định theo hướng hài hòa giữa mục tiêu chỉnh trang, phát triển đô thị với việc giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân. Hiện nay, việc quản lý kiến trúc đô thị ở nhiều nơi còn lúng túng làm cho diện mạo đô thị không có định hướng, chắp vá, lộn xộn và thiếu bản sắc. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ đô thị thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng đòi hỏi thực tế ở các đô thị. Do đó, dự thảo luật cần quy định cụ thể về nội dung và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, có sự phân công, phân cấp quản lý rõ ràng về quy hoạch đô thị.

Ngoài ra, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về thời hạn của quy hoạch đô thị. Một số ý kiến tán thành với thời hạn quy hoạch chung đô thị là từ 20 đến 25 năm như thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) và nhiều đại biểu lại cho rằng, các đô thị ở nước ta hiện đang có tốc độ phát triển rất nhanh nên cần xem xét các loại thời hạn quy hoạch nhằm bảo đảm thuận tiện và tính khả thi cho công tác quản lý. Quy hoạch đô thị phải bảo đảm tính ổn định lâu dài, vì thế nên có thời gian dài từ 40-50 năm. Đồng thời, để tránh tình trạng quy hoạch “treo” như hiện nay, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cũng phải có thời hạn nhất định phù hợp với trình độ quản lý và phát triển đô thị.

* Kết thúc phiên thảo luận sáng 8-11, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, chủ trì phiên họp, kết luận: Có 26 đại biểu đã phát biểu tại Hội trường và các ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ rất phong phú, phân tích lập luận sâu sắc, đề xuất nhiều kiến nghị cụ thể vào các điều của nội dung dự án Luật bồi thường Nhà nước. Chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng một chế độ dân chủ công bằng thì việc xác định trách nhiệm của Nhà nước phải bồi thường thiệt hại cho người dân, cơ quan tổ chức do lỗi của mình gây ra là một việc làm cần thiết. Cho nên, việc ban hành luật này được nhiều đại biểu Quốc hội tán thành và đồng ý. Các đại biểu đều chung một nhận định: Người bị oan, bị sai đã phải đau khổ, đừng để họ phải khổ sở thêm khi yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của họ do nhà nước gây ra nhưng lại không thỏa đáng. Việc quy định bồi thường phải rất rõ ràng, cụ thể, thủ tục đơn giản, dễ áp dụng, thuận lợi cho cả cơ quan Nhà nước và cho cả người dân. Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường Nhà nước, ý kiến chung và lập luận của nhiều đại biểu cho rằng đây là trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, cho nên cũng phải căn cứ vào những nguyên tắc đã được xác định trong Bộ luật dân sự, cho nên việc đưa ra 4 căn cứ trong dự thảo luật là hợp lý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đây là những căn cứ để xác định trách nhiệm của Nhà nước, cho nên chỉ cần có 2 căn cứ, như có hành vi trái pháp luật và có thiệt hại thực tế đã xảy ra là đủ để làm cơ sở bồi thường thiệt hại. Nhiều đại biểu kiến nghị phải phân tích rõ lỗi của nhà nước hay lỗi của cá nhân cán bộ, công chức. Trong trường hợp có nhiều cơ quan, nhiều người liên đới gây ra thiệt hại thì xác định trách nhiệm như thế nào ? Đây là những vấn đề rất cụ thể mà Ban soạn thảo Luật xin tiếp thu để chỉnh lý...

Theo Tờ trình của Chính phủ dự thảo luật chưa nên quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với thiệt hại do người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ công vụ theo quy định của pháp luật với lý do hiện nay trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đa số cán bộ, công chức nhất là ở cấp huyện và cấp xã còn hạn chế, điều kiện để thực thi công vụ còn nhiều bất cập, ý thức trách nhiệm kỷ luật công vụ còn thấp nên trên thực tế việc chậm trễ quan liêu, thờ ơ trong các hoạt động công vụ là khá phổ biến. Vì vậy, phải quy định rõ, cụ thể về trách nhiệm của công chức, của tổ chức, cơ quan gây ra sai phạm, làm thiệt hại cho tổ chức, cá nhân... Như vậy mới không dung túng mãi bộ máy kém cỏi gây thiệt hại làm giảm lòng tin của nhân dân đối với nhà nước mà không hề chịu trách nhiệm, không hề bị xử lý.

Cần xác định rõ cơ quan có trách nhiệm bồi thường - Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng: Đây là vấn đề rất quan trọng nếu không xác định rõ thì sẽ bế tắc khi thi hành luật, mặc dù Nghị quyết 388 đã xác định rất cụ thể trường hợp nào thuộc trách nhiệm bồi thường của cơ quan điều tra, trường hợp nào của Viện kiểm sát, của tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm, tòa cấp tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao .v.v... và quy định rất cụ thể, nhưng dự thảo luật đã không luật hóa được những nội dung này dẫn đến rất khó cho công dân, khi yêu cầu bồi thường và chúng tôi nhận định đây là một bước thụt lùi của dự thảo với Nghị quyết 388. Mặc dù Điều 50 có quy định trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong việc tranh chấp về thẩm quyền và nguyên tắc xử lý, nhưng nếu luật không đưa ra quy định cụ thể về trách nhiệm của từng cơ quan Viện Kiểm sát căn cứ vào đâu để phân định. Mặt khác, việc đưa ra nguyên tắc là cơ quan làm oan sau cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho toàn bộ hoạt động tố tụng có vi phạm của giai đoạn trước đó theo chúng tôi là không hợp lý, mà phải quy định theo hướng cộng đồng trách nhiệm giữa cơ quan điều tra là cơ quan ra quyết định tố tụng và Viện Kiểm sát là cơ quan phê chuẩn quyết định đó thì mới phù hợp. Về trình tự thủ tục giải quyết bồi thường của Nhà nước, nhiều đại biểu cho rằng trong dự thảo còn tản mạn ở rất nhiều điều khác nhau và ở những chỗ khác nhau, cần phải chỉnh sửa để thuận tiện nhất trong việc viện dẫn để xử lý. Nên thiết kế một chương riêng để quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường và cơ quan giải quyết việc bồi thường và quy định cụ thể về các giấy tờ, các hồ sơ cần phải có, thời hạn xem xét giải quyết và thủ tục xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong từng lĩnh vực, kể cả hành chính, thi hành án và tố tụng...

Một số đại biểu cũng phân tích về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có trường hợp bồi hoàn một phần, nhưng cũng có trường hợp phải bồi thường toàn bộ, nhưng phải cân nhắc trong những trường hợp bồi thường toàn bộ với quy mô, phạm vi, số lượng bồi thường rất lớn sẽ không khả thi, không phù hợp tình hình hiện nay. Cách tính bồi thường như thế nào đối với thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần, khôi phục danh dự, uy tín,... vấn đề này cũng phải bổ sung một cách đầy đủ hoàn thiện hơn vào trong dự án Luật.

LƯU THỊ THOAN - HỒNG QUÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết