29/10/2018 - 21:28

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Quốc hội thảo luận về phân bổ ngân sách, đầu tư công 

Tại phiên họp sáng 29-10, cho ý kiến về Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân thu ngân sách từ thuế, phí giảm đồng thời kiến nghị các bộ, ngành thực hiện nghiêm kỷ luật về ngân sách, tăng chi cho lĩnh vực y tế...

Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Nguyễn Tuấn Anh phát biểu. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Làm rõ nguyên nhân thu ngân sách từ thuế, phí giảm

Đánh giá về việc thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia 3 năm 2016 - 2018, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, qua 3 năm thực hiện, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.750 nghìn tỉ đồng, bằng 54, 68% kế hoạch. Số thu năm sau cao hơn năm trước và vượt dự toán. Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch tài chính quốc gia trong 2 năm tới, tổng thu ngân sách nhà nước phải đạt khoảng 3.110 nghìn tỉ đồng, trong đó dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2019 là 1.411 nghìn tỉ đồng, số thu còn lại cho năm 2020 phải thực hiện khoảng 1.699 nghìn tỉ đồng (tăng khoảng 20,4% so với năm 2019), rất khó để hoàn thành kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm. Đại biểu đề nghị, ngay từ đầu năm 2019, các cấp, các ngành và các địa phương phải có giải pháp để số thu năm 2019 vượt dự toán thì năm 2020 mới có thể hoàn thành số thu còn lại.

Ngoài ra, theo đại biểu, tỷ lệ thu từ thuế, phí trên GDP đang giảm dần. Cụ thể, năm 2016 đạt 20,4%; năm 2017 đạt 20,2%; năm 2018 đạt 20,7% và dự kiến năm 2019 đạt 20%. Như vậy, mục tiêu tỷ lệ thu từ thuế, phí giảm dần và khó đạt được mục tiêu của 5 năm 2016-2020. Đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân việc không đạt chỉ tiêu đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu và nợ thuế.

Về tỷ trọng thu nội địa trên tổng thu ngân sách nhà nước, theo kế hoạch bình quân đạt khoảng 84 - 85%. Tuy nhiên, số liệu cụ thể cho thấy rất khó hoàn thành chỉ tiêu này (Năm 2016 đạt 80,1%, năm 2018 đạt gần 82% và dự kiến năm 2019 đạt 83,2%). Đại biểu yêu cầu Chính phủ tìm ra nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục.

Tăng chi ngân sách cho y tế

Đề cập về quản lý chi thường xuyên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) khẳng định, trong 3 năm qua, việc chi thường xuyên đã giảm từ gần 70% xuống còn 63%. Phần lớn việc chi thường xuyên là trả tiền lương và cho con người. Tuy nhiên, mức lương chi trả cho cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước hiện nay còn rất thấp (bình quân khoảng từ 5 - 7 triệu đồng/tháng). Mức lương như vậy dẫn đến tình trạng tham nhũng vặt tràn lan. Đây có thể gọi là sự tha hóa trong bộ phận cán bộ, công chức do chế độ tiền lương thấp.

Trước những bất cập trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất, cần có sự thay đổi việc trả lương theo thang bảng lương như hiện nay sang trả lương theo vị trí việc làm có đánh giá về hiệu suất công việc bằng các chỉ số. Mỗi cán bộ, công chức phải được xác định rõ vị trí, chức trách, nhiệm vụ phải hoàn thành. Đồng thời với việc thay đổi chi trả lương, cần có thước đo đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

Quan tâm đến lĩnh vực y tế, đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng) cho rằng, tỷ lệ ngân sách nhà nước cho toàn ngành có xu hướng giảm, trong đó năm 2016 là 97.600 tỉ đồng, chiếm 7,67% so với tổng chi ngân sách nhà nước; ước thực hiện năm 2018 là 92.715 tỉ đồng, chiếm 5,85% tổng chi ngân sách nhà nước. Tỷ lệ chi như vậy chưa đảm bảo theo tinh thần Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới, trong đó ưu tiên bố trí ngân sách, đảm bảo tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước, tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần và dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tăng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này.

Tăng cường kỷ luật ngân sách

Nhất trí với các kiến nghị của Chính phủ về ngân sách nhà nước năm 2019, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) cho rằng, cần kiên quyết thu hồi khoản kinh phí sai mục đích, sai đối tượng, không giải ngân được, những khoản chi bị thanh tra kiểm toán nhà nước yêu cầu thu hồi hoặc xử lý giảm chi. Ngoài ra, Chính phủ có biện pháp, phương thức kiểm kê phân loại, quản lý tập trung, khai thác đưa vào sử dụng các tài sản công, các công trình đầu tư từ vốn nhà nước, trước hết là hạ tầng cơ sở, các công trình công cộng, phúc lợi, văn hóa, thể thao tạo nguồn thu cho nhà nước, hoặc ít ra cũng có nguồn thu để bảo trì, duy tu, nâng cấp công trình khỏi tốn kém, lãng phí ngân sách nhà nước.

Đặc biệt là phải tăng cường kỷ luật ngân sách. “Mọi điều chỉnh dù nhỏ cũng phải trình Quốc hội, mọi vi phạm dù nhỏ, không có giải trình thỏa đáng đều không được Quốc hội phê chuẩn. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật thu chi, chỉ rõ sai phạm trong thực hiện và quản lý ngân sách”, đại biểu nhấn mạnh.

Nhấn mạnh việc sử dụng ngân sách lãng phí khiến cử tri rất bức xúc, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng nguyên nhân lãng phí do tư duy, coi ngân sách là tiền chùa; do chi sai mục đích, chi phục vụ bệnh thành tích như tổ chức nhiều sự kiện, lễ kỷ niệm, lễ đón nhận danh hiệu một cách hoành tráng, rầm rộ, các hoạt động thăm hỏi rình rang, xây dựng các trụ sở quan tâm nhiều hơn là thực hiện các chính sách dân sinh...

Từ thực tiễn này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết chống lãng phí, xác định rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong quản lý ngân sách. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giao tự chủ, gắn trách nhiệm giải trình khoán chi, tạo cơ chế giám sát chặt chẽ.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 29-10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Hoàn thiện chính sách về đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong đầu tư công thời gian qua, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thu Trang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, sự chủ động, tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội đã tạo bước đột phá, đổi mới căn bản phương thức quản lý, cân đối phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia… Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Thu Trang nhấn mạnh, hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc cần giải quyết. Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, đại biểu Phạm Thị Thu Trang cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo hướng phù hợp với đặc điểm, điều kiện phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Chung quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ có biện pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc, thực hiện huy động nguồn lực đầu tư phát triển. Đại biểu đặt vấn đề: Hiện nay nhu cầu đầu tư phát triển ở các địa phương, các dự án quốc gia cần nguồn vốn rất lớn, ngân sách nhà nước hạn hẹp, nếu không có biện pháp huy động nguồn lực ngoài ngân sách sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nguồn vay nước ngoài cho đầu tư.

Phân bổ ngân sách theo thứ tự ưu tiên hợp lý

Vấn đề phân bổ ngân sách cho các lĩnh vực như y học dự phòng, bảo vệ môi trường… được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận. Cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách, song đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) cho rằng, Chính phủ cần quan tâm tới thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn ngân sách đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện nghiêm túc điều 5 Nghị quyết 26/2016/QH14 của Quốc hội, ưu tiên trước hết cho việc bố trí đủ vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và nhất là đối với các công trình đã hoàn thành để đưa vào sử dụng.

Về việc phân bổ ngân sách cho y học dự phòng, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) nêu quan điểm khẳng định “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bởi thông thường đầu tư cho dự phòng hiệu quả gấp 2 lần đầu tư cho chữa bệnh. Nhưng thực tế ở Việt Nam, y tế dự phòng quan tâm đến các bệnh dịch mà chưa quan tâm đến các nhóm bệnh lý khác. Hoạt động phòng bệnh chưa được quan tâm đúng mức và toàn diện. Quy định các địa phương phải đảm bảo 30% kinh phí cho y tế dự phòng chưa được thực hiện nghiêm túc. Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Bộ Y tế cần sử dụng ngân sách nhà nước do Quốc hội phê chuẩn hàng năm để cấp về cho các tỉnh đủ đảm bảo cho các hoạt động của y học dự phòng để có kinh phí thống nhất, kịp thời triển khai các hoạt động dự phòng. Đồng thời, đại biểu đề xuất cần sớm xây dựng Luật Phòng bệnh trong đó mở rộng hoạt động dự phòng bệnh tật lên các nhóm bệnh lý khác, bệnh không lây nhiễm, bệnh bẩm sinh di truyền, bệnh lý học đường… 

TTXVN

Chia sẻ bài viết