13/11/2014 - 08:51

KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Quốc hội thảo luận 3 dự thảo, dự án Luật

(TTXVN)- Sáng 12-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật an toàn vệ sinh lao động và thảo luận về dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).

Dự án Luật an toàn vệ sinh lao động có 7 chương, với 94 điều quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.

Theo Tờ trình, dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) vẫn giữ đoạn Mở đầu của Luật hiện hành nhưng có sửa đổi, bổ sung thêm nhằm khẳng định truyền thống của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và thể hiện rõ vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam là tổ chức kết nối giữa Nhân dân với Đảng, với Nhà nước.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm tới hai nội dung về hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam (Chương V) và hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (Chương VI). Đối với hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam, so với Luật hiện hành, Chương V của dự thảo Luật quy định về hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đã mở rộng hơn phạm vi giám sát, đối tượng giám sát nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp.

Một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần phân định rõ giám sát của MTTQ Việt Nam với giám sát của cơ quan dân cử mang tính quyền lực nhà nước để từ đó xác định đúng tính chất, quy mô giám sát, giá trị pháp lý của kết luận giám sát do MTTQ Việt Nam thực hiện; mối quan hệ giữa giám sát của Mặt trận với các hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử. Nghiên cứu các hình thức giám sát cho phù hợp, đa dạng, phong phú hơn nhằm bảo đảm việc giám sát mang lại hiệu quả thiết thực, tránh tạo nên sự nặng nề, trùng lắp tầng nấc giám sát.

Về hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (Chương VI), các ý kiến cho rằng, việc thể chế hóa chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật là cần thiết. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Hiến pháp đều ghi nhận nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Chiều cùng ngày, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại tổ về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và dự án Luật An toàn vệ sinh lao động.

Thảo luận về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành với các quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật và nhấn mạnh dự án Luật cần thể hiện rõ hơn theo tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013, để phù hợp với yêu cầu kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chính sách nghĩa vụ quân sự phải bảo đảm thực hiện phương châm vừa xây dựng lực lượng thường trực chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, vừa xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu; đổi mới chế độ chính sách đối với người thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, động viên thanh niên hăng hái phục vụ trong quân đội và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân để bảo đảm công bằng xã hội. Bảo đảm sự công bằng xã hội trong thực hiện nghĩa vụ quân sự là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.

Nhất trí về sự cần thiết và quan điểm của Chính phủ về việc xây dựng dự án Luật An toàn vệ sinh lao động, các đại biểu Quốc hội nêu rõ: Vấn đề an toàn và sức khỏe người lao động là một trong những yếu tố quan trọng đối với mục tiêu việc làm bền vững, đồng thời, thực hiện yêu cầu đổi mới về công tác an toàn vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền được làm việc trong môi trường an toàn của công dân tại Điều 35 và Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động tại Điều 57 của Hiến pháp năm 2013, cũng như thực hiện các công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên. Đa số các đại biểu đồng tình với việc mở rộng đối tượng áp dụng cho tất cả người lao động: trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động.

Trong phiên họp buổi chiều, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các nội dung về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Về quy định quản lý đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và hoạt động kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động...

Chia sẻ bài viết