07/06/2017 - 15:48

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV:

Quốc hội nghe trình bày và thảo luận về 3 dự án luật

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 6- 6, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Dự án Luật gồm có 8 Chương, 100 Điều.

Thẩm tra dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật để phát triển ngành Thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, nguồn lợi thủy sản không phải là một nguồn tài nguyên vô tận, cần phải được bảo vệ và có chiến lược phát triển bền vững, nhất là trong tình hình hiện nay khi nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng suy giảm nghiêm trọng. Các ý kiến đánh giá, dự án Luật cơ bản đã bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành có liên quan, đã có nhiều cố gắng để xử lý những bất cập, chồng chéo liên quan trực tiếp đến nhiều đạo luật trong hệ thống pháp luật của nước ta, nhiều điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập.

Xung quanh dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), nhiếu ý kiến nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc đề ra chính sách phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh quốc phòng. Đồng thời, cần có các chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học- công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trong chuỗi các hoạt động thủy sản, phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, bền vững. Ngoài ra, còn có nhiều ý kiến khác nhau về lực lượng kiểm ngư.

Cũng trong buổi sáng, Quốc hội nghe Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào; Tờ trình về việc phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Quốc hội thảo luận tại hội trường về hai nội dung này.

Chiều cùng ngày, các đại biểu đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi); thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh vệ.

Dự kiến, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) có 12 chương, 97 điều, so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, bổ sung 4 chương mới: Chế biến, thương mại lâm sản; hợp tác quốc tế trong lâm nghiệp; giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Dự thảo Luật kế thừa 8 điều; sửa đổi 60 điều; bổ sung mới 29 điều; bỏ 19 điều.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) khẳng định việc sửa đổi Luật là rất cần thiết. Trong đó, đáng chú ý là sửa đổi những quy định về nghĩa vụ chung của chủ rừng về bảo tồn đa dạng sinh học rừng, động vật rừng, thực vật rừng; chấp hành sự quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền...

Cho ý kiến về dự án Luật Cảnh vệ, liên quan đến quy định về đối tượng cảnh vệ, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh vệ đề nghị giữ nguyên 18 chức danh được cảnh vệ như dự án Luật Chính phủ trình, bởi thực tế cho thấy các đối tượng cảnh vệ tại dự án Luật là kế thừa Pháp lệnh Cảnh vệ, đã thực hiện ổn định, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Góp ý về nội dung này, một số ý kiến đề nghị dự án Luật bổ sung chức danh Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là đối tượng được cảnh vệ.

Liên quan đến việc sử dụng vũ khí để thực hiện nhiệm vụ, các đại biểu cơ bản thống nhất với nguyên tắc nổ súng của cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ do dự án Luật đề ra. Tuy nhiên cần quy định cụ thể những trường hợp nổ súng của lực lượng cảnh vệ để chủ động trong các tình huống vì yêu cầu phải bảo vệ tuyệt đối an toàn đối tượng cảnh vệ, đồng thời tránh được việc lạm dụng sử dụng vũ khí.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh Quân đội, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ; về huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ...

(TTXVN)

Chia sẻ bài viết