14/03/2022 - 09:01

Quan tâm dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật 

HỒNG VÂN

Những năm qua, không chỉ là mái nhà chung ấm áp nghĩa tình, Hội Người khuyết tật (NKT) TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực tạo cơ hội việc làm cho NKT kiếm thêm thu nhập, vượt qua nghịch cảnh, hòa nhập với cộng đồng.

Anh Lê Hồng Phúc (ngụ tại  phường An Bình, quận Ninh Kiều) tìm được công việc ổn định sau khi hoàn thành lớp nghề thiết kế đồ họa. Ảnh: CTV

Khẳng định mình bằng ý chí

Anh Trần Thành Hiếu làm trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, nhận in ấn danh thiếp, tờ rơi, baner, poster,… Anh Hiếu kể: “Tôi bị bại liệt từ nhỏ, kiếm sống bằng nghề bán vé số. Dạo đó, thấy người ta thiết kế ảnh cưới tôi mê lắm! Vậy là ráng tích cóp tiền bán vé số để mua một cái máy tính để bàn. Ban đầu tôi chủ yếu học trên YouTube, trang hội nhóm,… Về sau được Hội NKT thành phố hỗ trợ cho tôi học lớp thiết kế đồ họa, từ đó, cuộc đời tôi như mở thêm trang mới”. Tuy thu nhập có lúc bấp bênh, khi thì chỉ kiếm vài trăm ngàn đồng, khi thì 2-3 triệu đồng/tháng, nhưng anh Hiếu vẫn rất vui khi làm được công việc mình yêu thích.

Anh Lê Hồng Phúc (ngụ tại  phường An Bình, quận Ninh Kiều) bị khuyết tật chân bẩm sinh, phải di chuyển bằng xe lăn. Vốn yêu thích máy tính từ nhỏ, nên khi được Hội NKT giới thiệu lớp nghề thiết kế đồ họa, anh Phúc liền đăng ký tham gia. Anh Phúc kể: Sau tốt nghiệp, tôi bắt đầu đi làm ở nhiều nơi và hiện đang công tác tại Công ty quảng cáo Thuận Phát với mức lương 8 triệu đồng/tháng”. May mắn của anh chính là nhận được sự quan tâm, động viên rất lớn từ đồng nghiệp khiến anh chưa bao giờ cảm thấy mặc cảm, tự ti và luôn có động lực phấn đấu. 

Cũng học nghề thiết kế đồ họa, chị Ôn Thị Hồng Nhan (quê ở quận Thốt Nốt), chia sẻ: “Lúc nhỏ, tôi chỉ mới học đến lớp 2 nên gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với công nghệ. Học nghề xong vẫn gặp trắc trở. Tôi mất một khoảng thời gian khá dài không tìm được việc làm”. Không nản lòng, chị Nhan tìm những công việc online, về sau đã phỏng vấn thành công tại Công ty TNHH Vật tư Quảng cáo In ấn Phát Thành với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

 Trao “cần câu” bền vững

Toàn TP Cần Thơ hiện có trên 19.220 NKT. Nhiều năm qua, Hội NKT thành phố cùng các sở ngành luôn quan tâm triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ NKT học nghề và làm nghề, nỗ lực xóa bỏ rào cản để NKT dễ dàng hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, nhìn chung, tỷ lệ người khuyết tật sau đào tạo nghề tìm việc làm còn thấp, do những rào cản xã hội, như thái độ của cộng đồng khi NKT tham gia vào thị trường lao động; NKT thường thiếu thông tin về việc làm; nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc nhận NKT vào làm việc…

Theo chị Huỳnh Ngọc Hồng Nhung, Chủ tịch Hội NKT TP Cần Thơ, niềm trăn trở lớn nhất của các cán bộ Hội là có thể giúp được nhiều NKT trên địa bàn có việc làm ổn định, tạo thêm thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình. Trong năm 2021, Hội NKT thành phố đã trao vốn cho 40 lượt hội viên với tổng số tiền là 412 triệu đồng, giúp hội viên kinh doanh và sản xuất nhỏ tại gia đình; giới thiệu việc làm cho 3 lượt hội viên. Bên cạnh đó, Hội NKT thành phố và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cùng Tổ chức Liên minh Na Uy tại Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận dự án dài hạn “Hòa nhập xã hội của NKT TP Cần Thơ từ năm 2021-2025” tại địa bàn quận Ninh Kiều, Bình Thủy và huyện Cờ Ðỏ; hướng tới mục đích “NKT hòa nhập vào xã hội và thực hiện đầy đủ quyền và nhu cầu”.

Chia sẻ thêm về vấn đề đào tạo nghề, chị Huỳnh Ngọc Hồng Nhung, cho biết: Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng nhân viên thiết kế đồ họa ở các công ty quảng cáo nói chung và các doanh nghiệp nói riêng là rất lớn. Nghề này khá phù hợp với NKT vì ít di chuyển; chỉ cần có năng khiếu, sáng tạo và cần cù, chịu khó. Riêng trong 2 năm 2016 và 2017, trên cơ sở tài trợ của Liên minh Na Uy, Hội NKT thành phố phối hợp tổ chức được 2 khóa đào tạo nghề thiết kế đồ họa dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp địa phương cho 13 hội viên, tất cả hội viên đều ứng dụng tay nghề, tìm được việc làm.

Hiện nay, Hội NKT thành phố đã và đang tiến hành rà soát, cập nhật số lượng NKT mức độ nhẹ và nặng tại quận Bình Thủy và huyện Cờ Ðỏ. Theo mức độ khuyết tật của mỗi người, Hội NKT thành phố sẽ tập trung hướng việc tư vấn nghề, giải quyết việc làm cho NKT phù hợp với khả năng gắn với nhu cầu doanh nghiệp. “Trách nhiệm của chúng tôi là cầu nối giữa người tuyển dụng  và NKT nhằm hỗ trợ tư vấn, khuyến khích, thúc đẩy và tạo điều kiện để NKT tham gia vào thị trường lao động. Và điều quan trọng nhất là thay đổi thái độ của cộng đồng khi nhìn NKT, không nhìn vào khiếm khuyết mà nhìn nhận khả năng của NKT; giúp NKT thay đổi tư duy, để các bạn tự tin tìm kiếm cơ hội việc làm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống” - chị Hồng Nhung, nhấn mạnh.

Chia sẻ bài viết