12/07/2010 - 21:19

ĐÀO TẠO TỪ XA

Quản lý tốt để đảm bảo chất lượng

Với những ưu điểm như phù hợp với mọi đối tượng, học mọi lúc, mọi nơi, giảm áp lực về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy…, hình thức đào tạo từ xa (ĐTTX) đang ngày càng thu hút học viên, cũng như sự vào cuộc của các cơ sở đào tạo. Tại ĐBSCL, có ít nhất 4 trường, trung tâm đại học (ĐH) đã và đang thực hiện loại hình đào tạo này, nhưng bước đầu triển khai vẫn còn dè dặt, thận trọng…

Một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng ĐTTX là cần chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, tài liệu, giáo trình,... Trong ảnh: Phòng học trực tuyến của Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ luôn phục vụ cho học viên các lớp ĐTTX.

Học mọi lúc, mọi nơi

Anh Trần Ái Châu, chuyên viên Nông trường Cờ Đỏ, tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin (CNTT), khóa học 2004-2008, hệ ĐTTX, do Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ liên kết với Trường ĐH CNTT- ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh đào tạo. Anh Châu cho biết: “Loại hình đào tạo này thuận lợi và phù hợp với mọi đối tượng, nhất là những người đang đi làm như tôi. Người học không nhất thiết phải thường xuyên lên lớp mà vẫn có thể tiếp thu lượng kiến thức đầy đủ thông qua giáo trình, học cụ và có thể rút ngắn thời gian học, tùy theo năng lực của mình. Quan trọng là kiến thức học đã bổ sung nhiều vào thực tiễn, giúp tôi nâng cao hiệu quả công việc”. Sau khi tốt nghiệp ngành CNTT, anh Châu đã thi đậu cao học ngành Hệ thống thông tin của Trường ĐH Cần Thơ.

ĐTTX là một quá trình giáo dục, có sự gián cách giữa người dạy và người học về mặt không gian và thời gian. ĐTTX có 2 dạng: truyền thống và hiện đại. Nếu theo cách học truyền thống, học viên học qua giáo trình, tự học hay nghe băng, nghe đài, đĩa CD-ROM. Còn ở dạng học từ xa hiện đại, học viên học qua mạng internet (bài giảng, học liệu và thông tin được cung cấp trên trang web), lớp học trực tuyến... Nhờ cách học linh hoạt này, học viên không nhất thiết đến lớp mà vẫn có thể tiếp thu bài học và học mọi lúc, mọi nơi. Ông Nguyễn Quốc Trung, Trưởng phòng Đào tạo, Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, cho biết: “Nhu cầu học tập theo hình thức ĐTTX ngày càng tăng. Đây là mô hình nhiều trường ĐH đang mở rộng, phát triển để đáp ứng nhu cầu học tập cho mọi đối tượng”. Từ năm 1993, Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ đã liên kết với Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh mở các lớp ĐTTX. Sau đó, liên kết với các trường: ĐH Huế, ĐH CNTT- ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, ĐH Cần Thơ (liên kết năm 2010). 17 năm qua, Trung tâm đã và đang đào tạo hơn 2.000 học viên ở khối ngành kinh tế, xã hội nhân văn và CNTT.

Với những tiện ích của loại hình đào tạo này, cũng như nhu cầu học tập của người dân ngày càng cao, nhiều trường ĐH, cao đẳng (CĐ) đã tự hoặc liên kết đào tạo, như: Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, ĐH Cần Thơ... Năm 2010, Trường ĐH Cần Thơ dự kiến tuyển sinh 4 ngành: Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Cử nhân Luật, Cử nhân Du lịch mở đào tạo tại 8 đơn vị ở ĐBSCL. Theo ông Phan Huy Củng, Giám đốc Trung tâm ĐTTX Trường ĐH Cần Thơ, trường tuyển được 700 sinh viên, trong đó 300 sinh viên ở TP Cần Thơ. Như vậy, nhu cầu học tập của người dân Cần Thơ khá cao. Mặt khác, trường đã trang bị khá đầy đủ nguồn lực về cơ sở vật chất, con người nên đủ khả năng mở lớp đào tạo. Ông Củng cho biết: “Một khóa học 4 năm có 120 tín chỉ, nhưng sinh viên có thể học rút ngắn thời gian tùy vào năng lực của mình. Qui trình tổ chức của trường khá chặt. Sinh viên có 3 đợt lên lớp, đợt 1 sẽ được giảng viên hướng dẫn cách học, đợt 2 ôn tập và giải đáp thắc mắc và đợt 3 sẽ thi lấy bằng. Việc thi cử sẽ được siết chặt như học chính qui”.

Trên thực tế, người dân ĐBSCL có nhu cầu học theo hình thức ĐTTX. Nhưng việc triển khai hình thức ĐTTX của các cơ sở đào tạo chủ yếu là liên kết hoặc chuẩn bị một thời gian khá dài mới triển khai- xem ra mức độ thực hiện vẫn còn dè dặt,...

Còn những rào cản

Ông Nguyễn Quốc Trung, Trưởng phòng Đào tạo Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, cho biết: “Hình thức ĐTTX đòi hỏi người học có tinh thần tự học cao mới có thể đạt kết quả tốt. Bởi thời gian lên lớp chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại chủ yếu là tự học qua giáo trình, đĩa CD... Tuy nhiên, không phải học viên nào cũng có đức tính tự học. Đây là điều khiến tôi lo lắng. Thực tế, một số ngành học, thời gian đầu khóa có khá đông học viên, nhưng sau 1 thời gian học thì “rơi rụng” dần...”. Theo thống kê của Phòng Đào tạo, Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, hơn 10 năm qua, trong số hơn 2.000 học viên thì chỉ có 30% tốt nghiệp ra trường, số còn lại phải học lại hoặc bỏ học. Điển hình như lớp CNTT khóa 2004-2008, do Trung tâm liên kết với ĐH CNTT- ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Trong số 22 sinh viên theo học thì chỉ có 12 người học, thi lấy bằng tốt nghiệp. Ông Trung nói: “Qui định của loại hình này, học viên có thể học thời gian ngắn hơn hoặc dài hơn. Nếu do điều kiện khách quan, học viên có thể duy trì việc học từ 9-12 năm để lấy bằng tốt nghiệp, thay vì 4-5 năm”.

Một khía cạnh khác là vấn đề tài chính, cơ sở vật chất, tài liệu, giáo trình. Từ năm 2000, Trường ĐH Cần Thơ đã được một tổ chức của Bỉ tài trợ để xây dựng chương trình ĐTTX. Thế nhưng, đến nay trường mới chính thức hoạt động, bởi phải chuẩn bị thật kỹ về tài liệu, giáo trình... nhằm đảm bảo chất lượng. Theo ông Phan Huy Củng, trường chỉ thực hiện ĐTTX đối với nhóm ngành kinh tế, khoa học xã hội, chứ chưa thực hiện được nhóm ngành nông-lâm-ngư, kỹ thuật công nghệ. Bởi vì, ngành nông-lâm-ngư, kỹ thuật công nghệ đòi hỏi người học phải thực hành, thực tập nhưng không phải đơn vị liên kết nào cũng đủ điều kiện. Trường tuyệt đối không chấp nhận việc dạy “chay”. Ông Phan Huy Củng cho biết thêm: “Để nâng cao chất lượng ĐTTX, người học không chỉ học theo cách truyền thống mà phải học theo cách hiện đại. Nghĩa là phải học qua mạng internet, học trực tuyến, băng đĩa thu hình, thu tiếng giảng viên... Nhưng hiện nay, trường còn gặp khó về kinh phí nên chỉ dừng lại ở cách truyền thống. Về lâu dài, trường sẽ có sự thay đổi, vả lại trường đang đào tạo theo học chế tín chỉ nên ĐTTX sẽ rất thuận lợi”.

Công bằng mà nói, để ĐTTX thực sự tạo lòng tin về mặt chất lượng, đòi hỏi mỗi đơn vị phải có sự chuẩn bị chu đáo về giáo trình, bài giảng, đội ngũ giảng viên. Quan trọng là tạo ý thức tự học của học viên. Theo ông Phan Huy Củng, đội ngũ giảng viên của Trường ĐH Cần Thơ hiện nay đảm bảo đủ yêu cầu về số lượng và chất lượng cho ĐTTX. Trường đã đưa lên mạng internet khá đầy đủ giáo trình, bài giảng điện tử và đã có 120 giáo trình, tài liệu cho ĐTTX để hỗ trợ học viên. Quan trọng là khâu tổ chức lớp học, thi cử phải thực sự chặt chẽ, nghiêm túc, có như thế mới đảm bảo chất lượng đào tạo. Ông Nguyễn Quốc Trung, Trưởng Phòng Đào tạo, Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ cũng thừa nhận điều này. Ông Trung nói: “Ở các nước phương Tây, đầu vào mở rộng nhưng lại hẹp đầu ra. Tôi nghĩ, hình thức ĐTTX cũng vậy, đòi hỏi học viên tự học nhưng khâu tổ chức, quản lý của cơ sở đào tạo phải được siết chặt để đảm bảo chất lượng”.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có trên 10 trường ĐH, Viện ĐH đã tổ chức ĐTTX, trong đó, ĐBSCL có ít nhất 4 trường ĐH đào tạo, liên kết ĐTTX. Sắp tới, Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ sẽ liên kết ĐTTX với ĐH Huế mở thêm ngành cử nhân Giáo dục mầm non. Năm 2011, ĐH Cần Thơ sẽ mở thêm ngành Kinh tế Ngoại thương, Kinh tế Kế toán, Ngữ văn... Đồng thời sẽ quan hệ với phía Hà Lan để được tài trợ 500.000 USD đầu tư chương trình ĐTTX cho 4 đơn vị: Trung tâm ĐTTX, CNTT, Trung tâm học liệu, Khoa Công nghệ để phát triển loại hình đào tạo này.

***

Phát triển loại hình ĐTTX là hướng đi đúng giúp người dân ở TP Cần Thơ, ĐBSCL có điều kiện học tập và học tập suốt đời. Đồng thời đẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao mặt bằng dân trí, với chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Nhưng, để đạt được mục tiêu này, cần tháo gỡ những rào cản đang vướng mắc.

Bài, ảnh: BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết