10/06/2017 - 17:17

Nhân Tuần lễ biển đảo Việt Nam:

Quản lý tổng hợp vùng bờ để khai thác hiệu quả tiềm năng biển

Việt Nam là quốc gia nằm ven Biển Đông có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế biển gấp khoảng 3 lần diện tích đất liền, với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ. Tài nguyên và lợi thế do biển Việt Nam mang lại hứa hẹn nhiều triển vọng to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, phát triển kinh tế biển là lựa chọn ưu tiên của Việt Nam hiện nay và trong tương lai.

 

 Người dân Hòn Nghệ, Kiên Giang nuôi cá lồng bè trên biển. Ảnh: LÊ SEN

Trong những năm qua, hoạt động kinh tế-xã hội tại các vùng ven biển Việt Nam diễn ra hết sức sôi động, đạt được thành quả đáng kể trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, thủy sản, vận tải thủy, công nghiệp chế biến và phát triển đô thị. Tuy vậy, cùng với những thành tựu phát triển này, nhiều vấn đề nghiêm trọng về môi trường, tài nguyên và các giá trị khác tại đây đã nảy sinh và gia tăng.

Thực tế cho thấy, một trong các nguyên nhân căn bản dẫn đến những vấn đề nêu trên là sự phân tán, chia cắt các thành phần, các khu vực vốn có quan hệ mật thiết với nhau của các hệ sinh thái biển, ven bờ và sự thiếu tôn trọng, mất cân bằng của việc khai thác các chức năng của chúng, do phương cách quản lý truyền thống theo ngành, theo lãnh thổ sinh ra. Do đó, để khai thác hiệu quả tiềm năng biển và ven biển, đồng thời bảo vệ và duy trì lâu dài các giá trị tại đây, cần khắc phục các điểm yếu của phương cách quản lý tài nguyên, môi trường hiện hành thông qua việc áp dụng giải pháp quản lý mang tính tổng hợp, hài hòa và tối ưu các mục tiêu sử dụng, đảm bảo tính vẹn toàn, khả năng cung cấp bền vững các sản phẩm, dịch vụ của các hệ thống biển và vùng bờ.

Cách tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ đã được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam áp dụng và đã thu được nhiều thành tựu. Đây là một công cụ giúp quản lý hiệu quả đối với tài nguyên và môi trường vùng bờ nhằm hướng tới phát triển bền vững. Trong thời gian qua, cách tiếp cận này đã được áp dụng thí điểm tại nhiều địa phương trong cả nước như Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Quảng Nam. Một số địa phương đã xây dựng được các chiến lược và kế hoạch hành động quản lý tổng hợp vùng bờ của địa phương mình và đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Dựa trên thành công và kinh nghiệm của những dự án thí điểm này, Chính phủ đã quyết định nhân rộng mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ trên phạm vi toàn quốc với Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg ngày 9/10/2007 về phê duyệt Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Chương trình được thực hiện cho 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.

Cùng với những nỗ lực từ bên trong, Việt Nam cũng may mắn nhận được sự hỗ trợ đắc lực về tài chính và kỹ thuật từ nhiều chính phủ và tổ chức nước ngoài trong triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ dưới dạng các dự án ở cả cấp Trung ương và địa phương như Chính phủ các nước Hà Lan, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Tổ chức đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA), Cơ quan môi trường biển Đông Á (COBSEA)...

Đặc biệt, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII vừa qua; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (tại Quyết định số 2295/QĐ-TTg ngày 17/12/2014), chính là các nỗ lực của Việt Nam trong việc thể chế hóa phương thức quản lý mới này. Tuy vậy, việc nhân rộng và vận hành một mô hình quản lý dù đã được chứng minh qua thực tiễn, mở ra cơ hội lớn cũng như thách thức không nhỏ trong giai đoạn hiện nay.

Để triển khai thành công quản lý tổng hợp vùng bờ ở Việt Nam trong thời gian tới, đã đến lúc cần có những công cụ để đánh giá việc thực hiện các nỗ lực quản lý tổng hợp vùng bờ nhằm nhìn nhận lại những thành công, thất bại hay những thuận lợi, khó khăn và rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình nhân rộng quản lý tổng hợp vùng bờ trên tất cả các địa phương có biển.

Trên thế giới, việc áp dụng các chỉ thị trong giám sát, đánh giá quản lý tổng hợp vùng bờ mới ở giai đoạn đầu và hiện đã có một vài hướng dẫn kỹ thuật của các tổ chức quốc tế về vấn đề này. Việc nghiên cứu, lựa chọn các chỉ thị để giám sát, đánh giá quản lý tổng hợp vùng bờ ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, dựa trên hướng dẫn của các tổ chức quốc tế và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có các điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội tương đồng với Việt Nam. Các chỉ thị sẽ cung cấp thông tin, số liệu - yếu tố đầu vào giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra được các quyết định hợp lý trong quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường biển và hải đảo.

Quản lý tổng hợp vùng bờ là một quá trình có thể đo lường, tuân theo một chu trình xây dựng chính sách điển hình, được chấp nhận rộng rãi hoặc một chu trình triển khai dự án. Việc sử dụng các chỉ thị để đánh giá quản lý tổng hợp vùng bờ được mở rộng cho tất cả các giai đoạn (các bước), để giám sát, đánh giá các kết quả đạt được ở các mức độ khác nhau. Quản lý tổng hợp vùng bờ là một quá trình "động", đa dạng, lặp đi lặp lại và có sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan và lồng ghép được toàn bộ các lĩnh vực chính sách, các ngành, các cấp độ quản lý có liên quan nên quản lý tổng hợp vùng bờ đòi hỏi các đánh giá mang tính hệ thống hơn. Nếu được thực hiện tốt, một kế hoạch giám sát và đánh giá bằng các chỉ thị sẽ có chức năng "sửa lỗi" trong chu trình để có thể đưa ra các điều chỉnh đúng lúc, đồng thời hướng tới việc thiết kế hiệu quả hơn các chương trình, kế hoạch, dự án quản lý tổng hợp vùng bờ trong tương lai.

Kết quả nghiên cứu của đề tài cấp cơ sở Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm đề xuất xây dựng bộ chỉ thị giám sát và đánh giá quản lý tổng hợp vùng bờ Việt Nam, do Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo thực hiện năm 2014 đã đưa ra được khung 12 chỉ thị "lõi" trong giám sát và đánh giá quản lý tổng hợp vùng bờ, 28 chỉ thị thứ cấp thể hiện được các yếu tố nội hàm của quản lý tổng hợp vùng bờ. Các chỉ thị được xây dựng dựa trên việc rà soát và đánh giá các chỉ thị, chỉ số, chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sẵn có trong các hệ thống quốc gia và ngành tài nguyên - môi trường, đồng thời tham khảo các chỉ thị đang được áp dụng tại các nước và hướng dẫn của các tổ chức quốc tế.

Tiêu chí để lựa chọn các chỉ thị gồm 3 tiêu chí chính. Đó là đảm bảo tính đại diện cho quản lý tổng hợp vùng bờ; sẵn có về số liệu, khả năng liên kết và lồng ghép với các chỉ thị quốc gia khác (để tổng hợp thành một chỉ số tổng hợp chung). Trong giai đoạn hiện nay, việc giám sát, đánh giá quản lý tổng hợp vùng bờ ở Việt Nam sẽ bao gồm theo dõi, giám sát quá trình thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ cấp tỉnh, trong đó tập trung vào việc đánh giá thể chế và cơ chế điều phối đa ngành cũng như quá trình lập kế hoạch có sự tham gia, đồng thời tính đến tính bền vững của chương trình và kế hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ. Danh sách chỉ thị này sẽ tiếp tục được cập nhật, bổ sung và áp dụng để đánh giá đầu ra và kết quả của quản lý tổng hợp vùng bờ, nhằm chứng minh hiệu quả của các hoạt động can thiệp quản lý tổng hợp vùng bờ đến vùng bờ trên cơ sở đánh giá mức độ thay đổi của môi trường, kinh tế - xã hội trước và sau khi thực hiện các hoạt động này. Do vậy trong thời gian tới, cần có các nghiên cứu cụ thể hơn về các chỉ thị để đánh giá các đầu ra và kết quả này, để đánh giá những đóng góp của quản lý tổng hợp vùng bờ cho sự phát triển bền vững ở vùng bờ về mặt môi trường, sinh thái và kinh tế, xã hội ở cấp quốc gia cũng như địa phương.

Ngọc Hoàn (TTXVN)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
tiềm năng biển