Bài, ảnh: T. TRINH
Theo chuyên gia, khai thác cát quá mức sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng nguy cấp mà ÐBSCL đang đối mặt, đặc biệt là sạt lở bờ sông. Vì vậy, việc khai thác bền vững và tìm vật liệu thay thế cát tự nhiên trong xây dựng là giải pháp giúp ÐBSCL cân bằng giữa phát triển và quản lý khoáng sản lòng sông một cách hiệu quả…
Hệ lụy
Theo ông Lương Văn Hùng, Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, tổng hợp dữ liệu từ các địa phương cho biết tổng trữ lượng cát, sỏi đủ tiêu chuẩn làm cát xây dựng được các địa phương phê duyệt theo thẩm quyền khoảng 692 triệu m3; công suất cấp phép khai thác cát xây dựng là khoảng 62 triệu m3/năm nhưng nhu cầu sử dụng hằng năm của cả nước lên đến khoảng 130 triệu m3. Như vậy, nguồn cung cát xây dựng chỉ đáp ứng từ 40-50% nhu cầu. Từ đó, tình trạng thiếu cát xây dựng đã xảy ra, dẫn đến giá tăng cao nên thời gian qua, nhiều đối tượng tăng cường khai thác trái phép. Do nhu cầu cát, sỏi phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng của nước ta hiện nay rất lớn, đồng thời cát, sỏi là loại khoáng sản dễ khai thác và không cần đầu tư nhiều nên hoạt động khai thác trái phép trên sông diễn ra phức tạp và ngày càng tăng trên cả nước.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Qua một số nghiên cứu cho thấy khai thác cát, sỏi không bền vững là một trong những nguyên nhân chính gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển, khiến sụt lún ở ÐBSCL nhanh hơn. Tính từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã phải bố trí nguồn vốn riêng phòng, chống sạt lở cho các địa phương ÐBSCL trực tiếp quản lý lên tới trên 13.000 tỉ đồng.
Hoạt động khai thác cát trên sông Hậu.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), cho biết vùng ÐBSCL có khoảng 82 công ty được cấp phép khai thác 28 triệu tấn cát sông mỗi năm. Tuy nhiên, khối lượng cát được báo cáo và lượng cát khai thác thực tế rất khó để kiểm soát, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra thường xuyên. Ngân hàng cát (là khoảng chênh lệch giữa khối lượng cát sông được vận chuyển về từ thượng nguồn với lượng cát khai thác trên toàn đồng bằng, cũng như lượng cát đổ ra biển) của ÐBSCL đã cho thấy hằng năm lượng trầm tích bị thâm hụt khoảng 25 triệu tấn do khai thác cát và bị giữ lại do các nhà máy thủy điện được xây dựng. Con số này được dự đoán sẽ còn tăng trong các năm sắp tới. Cát được khai thác trong 20 năm qua với số lượng ngày càng tăng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng: xói mòn các nhánh sông, tiếp tục xói lở bờ gia tăng (khoảng 500 ha/năm) đã làm đồng bằng thay đổi hình dạng. Khai thác cát không bền vững cũng làm suy giảm sự đa dạng, phong phú của các loài cá và thay đổi thảm thực vật ven sông. Biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng hơn những ảnh hưởng của khai thác cát không bền vững làm gia tăng rủi ro xâm nhập mặn, triều cường, kéo theo mực nước biển dâng cao ở mức chưa từng có trước đây. Những áp lực môi trường này có thể phá hủy khả năng chống chịu, đe dọa nền nông nghiệp, kinh tế và đa dạng sinh học cho vùng đồng bằng. Nếu không có những hành động phối hợp hiệu quả, tình trạng sạt lở các bờ sông Cửu Long và vùng duyên hải sẽ ngày càng trầm trọng, khiến hơn hàng chục ngàn hộ gia đình sống ven sông Tiền và sông Hậu đứng trước nguy cơ mất nhà…
Quản lý hiệu quả tài nguyên cát
Nhằm đưa công tác quản lý khoáng sản - cát sông đi vào nền nếp, hiệu quả, các địa phương trong khu vực ÐBSCL đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung quản lý chặt việc cấp phép, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản - cát sông. Theo ông Ðỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, thời gian qua, TP Cần Thơ tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn theo đúng các quy định của pháp luật. Việc tiếp nhận, thẩm định và giải quyết hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản cát được thực hiện đúng trình tự, thủ tục. Sở đã tổ chức kiểm tra tọa độ vị trí khai thác cát, vị trí giới hạn cắm bảng hiệu, phạm vi diện tích khai thác theo giấy phép đã cấp cho các doanh nghiệp cũng như công suất, phương tiện khai thác đã đăng ký hoạt động. Cùng với đó, tăng cường thực hiện phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trên địa bàn thành phố.
Ðể khắc phục tình hình thiếu cát tự nhiên dùng cho xây dựng, hạn chế tình trạng khai thác cát sỏi lòng sông trái phép, tác động ảnh hưởng xấu tới môi trường, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 9-6-2017 khắc phục tình trạng khan hiếm cát xây dựng ở một số địa phương, giải pháp sản xuất nhân tạo, vật liệu thay thế cát tự nhiên.
Ông Lương Văn Hùng cho biết: Nước ta có nguồn tài nguyên đá xây dựng với trữ lượng lớn hàng vài chục tỉ m3, đồng thời với nguồn tài nguyên cát, sỏi sạn vùng biển Ðông hàng trăm tỉ m3 hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu thay thế nguồn cát sỏi lòng sông. Hiện nay nhiều doanh nghiệp tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước có nguồn đá tự nhiên đã đầu tư các dây chuyền sản xuất cát nghiền phục vụ cho nhu cầu địa phương và cung cấp cho các địa phương khác không có nguồn đá để sản xuất cát nghiền, đặc biệt là cung cấp cho hai thị trường tiêu thụ lớn là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng cát nghiền và có yêu cầu bắt buộc trong việc sử dụng vật liệu thay thế, hạn chế việc sử dụng cát tự nhiên trong xây dựng. Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế khuyến khích sản xuất và sử dụng cát nhân tạo, vật liệu thay thế. Cùng với đó, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức đối với cát nghiền, vật liệu thay thế cát tự nhiên; tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu ứng dụng rộng rãi công nghệ sản xuất cát nhân tạo, vật liệu thay thế để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản xuất để có điều kiện sử dụng rộng rãi trong thực tiễn.
Trong 5 năm (2019-2023), WWF Việt Nam đã và đang triển khai dự án "Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ở ÐBSCL". Dự án được tài trợ bởi Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) - BMU thông qua WWF Việt Nam. Theo ông Hà Huy Anh, Quản lý quốc gia Dự án, trong khuôn khổ dự án, 2 nghiên cứu quan trọng là xây dựng ngân hàng cát cho ÐBSCL và kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông khu vực ÐBSCL thực hiện tại 13 tỉnh, thành trong vùng. Trong đó có 1 tỉnh, thành sẽ được lựa chọn để thực hiện thí điểm lồng ghép kết quả của dự án vào kế hoạch quản lý khai thác cát sông của địa phương. Việc triển khai thực hiện Dự án thành công sẽ góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu rủi ro về kinh tế - xã hội do biến đổi khí hậu ở ÐBSCL...