26/03/2021 - 08:25

Quản lý hiệu quả nguồn nước ngầm, giảm thiểu sụt lún đất 

TP Cần Thơ nói riêng và ÐBSCL nói chung đã và đang phải đối diện với nhiều thách thức bởi khu vực này rất mẫn cảm với những thay đổi của tự nhiên, trong đó có vấn đề sụt lún đất. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt lún đất là việc khai thác nước ngầm quá mức. TP Cần Thơ triển khai các giải pháp quản lý nước ngầm hiệu quả nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực này.

Theo các chuyên gia khuyến cáo, nếu không giảm khai thác nước ngầm, tình trạng sụt lún đất ở TP Cần Thơ ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng ngập nghẹt thêm nghiêm trọng.

Theo đo lường của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tốc độ sụt lún của TP Cần Thơ tăng lên 4,37cm/năm giai đoạn 2005-2017. Khảo sát của InSAR từ năm 2015-2019 cho thấy TP Cần Thơ là điểm nóng về sụt lún với tốc độ vượt quá 5 cm/năm ở hầu hết các khu vực. Sụt lún đất đang xảy ra tại TP Cần Thơ thể hiện qua các tác động đến cơ sở hạ tầng của thành phố ở mức độ mà người dân có thể nhận thấy những thay đổi.

Tiến sĩ Hà Quang Khải, Trường Ðại học Bách khoa - Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho biết: Với những số liệu trên, TP Cần Thơ đang dẫn đầu miền Tây về tình trạng sụt lún. Bởi các địa phương khác trong vùng có tốc độ sụt lún trung bình 1,1-3cm/năm. Mực nước ngầm trong các tầng chứa nước ở Cần Thơ đã xuống mức thấp nhất vào năm 2020 kể từ khi bắt đầu quan trắc năm 1991. Việc mất độ cao này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt khi triều cường, vốn đã gây xáo trộn cho cuộc sống người dân đô thị.

Một trong những nguyên nhân gây ra sụt lún là do khai thác nước ngầm quá mức. Cần Thơ có dân số tăng nhanh và sự phát triển khu công nghiệp dẫn đến nhu cầu nước (ngầm) cao. Mặc dù lượng nước mặt có sẵn khá lớn, nhưng chất lượng nước mặt đang suy giảm do ô nhiễm gây ra bởi thâm canh nông nghiệp. Kết quả là chi phí xử lý nước mặt phải tăng lên đáng kể kéo theo việc sử dụng nước ngầm cũng tăng lên.

Ðể quản lý tốt hơn tình trạng khai thác nước ngầm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2018-NÐ-CP của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất (Nghị định 167). Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chia sẻ: TP Cần Thơ ý thức rất rõ tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc Nghị định 167. Thành phố đang triển khai thực hiện khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, triển khai các biện pháp kiểm soát việc khai thác nước ngầm trên địa bàn nhằm giảm thiểu tối đa sụt lún đất.

Triển khai Nghị định 167, Sở TN&MT TP Cần Thơ đã xây dựng đề cương tăng cường vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định và hiện nay đang trong giai đoạn hoàn thiện đề cương trình UBND thành phố phê duyệt. Bên cạnh đó, Sở TN&MT thực hiện các bước công việc: điều tra, thống kê, khảo sát để thu thập số liệu cùng đơn vị tư vấn tiến hành lập danh mục khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất. Bên cạnh đó, tiến hành lập bản đồ những vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định. Ngoài ra, thành phố đã có chính sách quy định các giếng nước ngầm khai thác nước ngầm từ 10m3-3.000m3/ngày phải được UBND thành phố cấp phép. Khai thác trên 3.000m3/ngày cần được Bộ TN&MT cấp phép, chủ yếu nằm rải rác ở Khu Công nghiệp Trà Nóc, Khu Công nghiệp Thốt Nốt. Ðồng thời, Sở TN&MT tham mưu UBND thành phố thu tiền cấp phép khai thác tài nguyên nước (trong đó có nước ngầm) theo quy định.

Thành phố tăng cường hợp tác quốc tế quản lý hiệu quả nguồn nước ngầm. Gần đây nhất tham gia dự án “Quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực ÐBSCL” do nhóm nghiên cứu Ðại sứ quán Hà Lan tài trợ thực hiện. Dự án bắt đầu từ tháng 1-2020, thực hiện 15 tháng nhằm hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách tìm ra các chiến lược phù hợp để giảm thiểu các thách thức trong quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm.

Trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 167, vấn đề khai thác nước dưới đất được UBND thành phố quan tâm. Ông Phạm Anh Huân, Trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước, Sở TN&MT TP Cần Thơ, cho biết: Từ 2008 đến nay, thành phố có chủ trương: Những nơi nào có nguồn nước cấp đạt chất lượng và số lượng, không cấp phép khai thác nước ngầm. Hiện nay, đối với khu vực nông thôn, huyện Cờ Ðỏ là địa phương có lưu lượng khai thác nước ngầm cao nhất, phục vụ cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn. Thực hiện các quy định, chủ trương giảm khai thác nước ngầm, thời gian qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn TP Cần Thơ thí điểm 4 nơi chuyển đổi từ khai thác nước ngầm sang nước mặt. Ngoài ra, thành phố bố trí 16 trạm quan trắc động thái nước dưới đất trải đều 9 quận, huyện, thực hiện quan trắc định kỳ và có báo cáo hằng năm nhằm theo dõi diễn biến nguồn nước này...

“Tuy nhiên, công tác quản lý nước ngầm trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập, vướng mắc, do áp lực gia tăng dân số nhu cầu sử dụng nước ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn gây áp lực trong khai thác nguồn nước mặt, nước ngầm phục vụ sản xuất và sinh hoạt”, ông Phạm Anh Huân cho biết thêm.

Theo Ths. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái, địa phương cần nghiêm túc triển khai xây dựng phương án khoanh định vùng hạn chế khai thác nước ngầm theo Nghị định 167. Song song đó, triển khai các giải pháp hạn chế khai thác nước ngầm, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng các nguồn nước thay thế như: sử dụng nguồn nước mặt, nước mưa… Cùng với đó, chuyển đổi nền nông nghiệp sang sản xuất sạch hơn, giảm ô nhiễm cho nguồn nước mặt, tăng khả năng tự phục hồi của sông, rạch để người dân có thể sử dụng nước mặt thay cho nước ngầm…

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết