08/03/2020 - 06:49

Phụ nữ Việt Nam - Tầm nhìn mới, vị thế mới

Kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam cũng như những tinh hoa của thế giới về nữ quyền và bình đẳng giới, trong suốt 90 năm kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 75 năm kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công rất nhiều chủ trương, chính sách về tôn trọng nữ quyền, đề cao quyền bình đẳng của phụ nữ với nam giới, tôn vinh vai trò và phát huy vị thế của phụ nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng có thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, đặc biệt là từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đã chú trọng hoàn thiện các khung pháp lý, chính sách về bình đẳng giới, nhằm tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam thông qua việc ban hành Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020,... Với những nỗ lực đó, vai trò và vị thế của phụ nữ ở nước ta ngày càng được nâng cao.

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở nước ta hiện nay chiếm khoảng 27% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á) - đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội và 3 Ủy viên Bộ Chính trị là nữ; tỷ lệ phụ nữ tham gia HĐND các cấp trên 20%. Trong kinh doanh, hiện có trên 31% chủ doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh là nữ (cũng thuộc nhóm cao nhất khu vực Đông Nam Á); phụ nữ chiếm 50,2% dân số, 49% lực lượng lao động. Nhiều phụ nữ Việt Nam có tầm ảnh hưởng lớn và thành tích cao không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn vươn ra thế giới trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, đối ngoại, quốc phòng - an ninh, thể dục - thể thao,… Không chỉ kế thừa và phát huy tốt truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” phụ nữ Việt Nam trước đây, phụ nữ Việt Nam ngày nay đã thể hiện rõ nét những phẩm chất mới, nổi bật là: “Năng động, sáng tạo; tự tin, tự trọng; dám nghĩ, dám làm” từ việc nước đến việc nhà.

Vai trò, vị thế ngày càng được nâng cao, song từng lúc, từng nơi phụ nữ nước ta cũng đã và đang còn gánh chịu những thiệt thòi, hạn chế. Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ giới giữ vị trí lãnh đạo, quản lý tuy đã có cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với các vị trí lãnh đạo, quản lý cũng như so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ trong lực lượng lao động cả nước; do hạn chế về sức khỏe, thời gian nghỉ sinh và nuôi con nên nhiều phụ nữ khó nắm bắt cơ hội và điều kiện học tập để nâng cao trình độ, thăng tiến so với nam giới;… Trong lĩnh vực kinh tế, tình trạng chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ trong cùng một vị trí công việc vẫn đang tồn tại ở nhiều nơi; thu nhập bình quân của lao động nữ thường thấp hơn nam giới; lao động nữ chưa được đánh giá cao như lao động nam;… Trong gia đình, rất nhiều phụ nữ sau khi rời công việc cơ quan lại phải tiếp tục “đầu tắt mặt tối” với công việc bếp núc, con cái, không còn thời gian giải trí, sinh hoạt văn hóa, phục hồi sức lực để tái sản xuất sức lao động. Nhiều nơi vẫn đang tồn tại quan điểm cực đoan “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” khiến nhiều phụ nữ không dám mạnh dạn, tự tin vươn lên làm kinh tế, gánh vác công việc xã hội,...

Trong xu thế hội nhập quốc tế, nền kinh tế nước ta đang phát triển mạnh theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự phân công lao động cứng nhắc theo giới ngày càng bị phá vỡ, tạo nhiều điều kiện và cơ hội cho phụ nữ gia tăng nền tảng tri thức, độc lập hơn về kinh tế để có thể tham gia với nhiều vai trò và nhiều vị trí hơn trong nền kinh tế thị trường. Qua đó, giúp phụ nữ tăng cường trách nhiệm, quyền lợi và vị thế trong mối quan hệ với gia đình, xã hội, đất nước và thế giới. Vấn đề đặt ra là phải nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về nữ quyền, quyền bình đẳng giới - công bằng giới, thực thi đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục tôn vinh, phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay.

Trong đó, một số giải pháp cần được quan tâm là: Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới - công bằng giới; đẩy mạnh công tác truyền thông về bình đẳng giới (chỉ khi thay đổi được nhận thức, xóa bỏ định kiến về giới thì mới xóa bỏ được những phong tục, tập quán và cách hành xử lạc hậu, lỗi thời mang định kiến về giới); ban hành và thực hiện tốt cơ chế giám sát nhằm  đảm bảo phụ nữ và nam giới có điều kiện và cơ hội bình đẳng trong học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề; trong thực hiện chính sách lương, thi đua, khen thưởng; trong việc tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa,... Xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, phân biệt giới; những hành vi kỳ thị, coi thường, bạo hành, bạo lực với phụ nữ, thiếu tôn trọng phụ nữ. Song song đó, chú trọng nhân rộng những mô hình tốt thực hiện bình đẳng giới ở các địa phương, đơn vị; kịp thời tôn vinh, biểu dương những phụ nữ ưu tú trong phát triển kinh tế, thực hiện công tác xã hội;…

Đó cũng là những việc làm thiết thực để tôn vinh phụ nữ, tạo ra nhiều cơ hội để đảm bảo cho chị em phụ nữ có được sự cân bằng giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa vị trí và vai trò trong xã hội ngày nay.

NGUYỄN VŨ

Chia sẻ bài viết