01/12/2010 - 08:22

Phối hợp đồng bộ để bình ổn thị trường hàng hóa

* Hàng nhập khẩu gửi qua chuyển phát nhanh dưới 1 triệu đồng được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng

(TTXVN)- Giá cả tăng không phải do mất cân đối cung cầu hàng hóa. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa được đầy đủ vào những tháng cuối năm, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành địa phương cân đối cung cầu và đã có sự chuẩn bị chủ động cho việc bình ổn thị trường - đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa trong buổi họp báo tại Hà Nội, vào chiều 30-11 về việc triển khai Chỉ thị số 1875/CT-TTg ngày 11-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn thị trường hàng hóa.

Theo ước tính của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 11 tháng qua đạt 1.425.170 tỉ đồng, sản xuất công nghiệp ước đạt 717 nghìn tỉ đồng, xuất khẩu ước đạt 64,28 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 74,97 tỉ USD và tỷ lệ nhập siêu ở mức 16,85%. Đáng chú ý, trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 1,86% lên tới 9,58%. Những biến động trên thị trường không phải do mất cân đối cung cầu hàng hóa bởi những mặt hàng thiết yếu đều được đảm bảo đủ, nhưng do giá cả thế giới tăng trong khi chúng ta vẫn phải nhập khẩu một phần lớn nguyên vật liệu cho sản xuất đã dẫn dến tăng giá. Ngoài ra, dịch bệnh trong chăn nuôi và thiên tai lũ lụt, cũng như những diễn biến bất thường về thị trường vàng và ngoại tệ đã ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số giá.

Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa được đầy đủ vào những tháng cuối năm, Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương cân đối cung cầu và đã có sự chuẩn bị chủ động cho việc bình ổn thị trường, nguồn cung hàng hóa chắc chắn được bảo đảm đầy đủ. Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, các doanh nghiệp phân phối đã có sự chuẩn bị dự trữ hàng hóa cho đợt cao điểm mua sắm cuối năm ngay từ tháng 10. Bên cạnh đó Bộ cũng yêu cầu các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng công ty rà soát lại cân đối cung cầu những hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm, xăng dầu, phân bón, thép xây dựng và các hàng hóa phục vụ tết. Chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường sản xuất và cung ứng đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá từ nay đến hết năm 2010 và quý 1 năm 2011, đặc biệt chú trọng dịp Tết Nguyên đán Tân Mão.

Tuy nhiên, đại diện của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhấn mạnh, việc bình ổn giá trong giai đoạn này không có nghĩa là không cho giá tăng. Nhiều mặt hàng trong nước như phân bón, đường, thực phẩm... vẫn đang thấp hơn giá thế giới nên vẫn có thể tăng cho phù hợp với diễn biến của thị trường, tuy nhiên, mức tăng giá sẽ không quá lớn khi nguồn cung được đảm bảo. Với các mặt hàng nông nghiệp, bà Trần Thị Miêng cho rằng, “Giá lúa gạo không chỉ phụ thuộc cân đối cung cầu mà còn bị ảnh hưởng bởi giá thế giới. Tháng 8, giá gạo xuất khẩu là 420 USD/tấn nhưng bây giờ có những hợp đồng đã ký được với giá 495- 500 USD/tấn nên không thể kìm nén giá trong nước như thời điểm giá xuất khẩu chỉ có 420 USD/tấn. Kiềm chế giá gạo trong bối cảnh giá vật tư như phân bón tăng sẽ làm cho nông dân thua thiệt”.

* Ngày 30-11, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg, quy định mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2011.

Quyết định nêu rõ, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị trên 1 triệu đồng phải nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ Tài chính căn cứ tình hình thực tế trong từng thời kỳ quyết định điều chỉnh trong phạm vi 20% mức giá trị hàng hóa quy định trên nhằm thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính và phù hợp với thông lệ quốc tế. Trường hợp điều chỉnh trên 20%, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Chia sẻ bài viết