29/09/2020 - 07:22

Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Sáng 28-9, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã dự Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 28-30/9), tại Phiên họp này, Ủy ban sẽ thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Ủy ban sẽ cho ý kiến về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; dự kiến đề xuất các kế hoạch, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2021, giai đoạn 2021-2025 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Ủy ban cũng cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011-2020; Báo cáo của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2019.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: Các lĩnh vực lớn thuộc 2 Bộ (Y tế và Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện đã có các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị của Ban Bí thư như vấn đề tiền lương và bảo hiểm xã hội, y tế, dân số, người có công, phòng chống ma túy… Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban tập trung thảo luận để có quan điểm rõ ràng trong việc thực hiện nội dung này, không chỉ đánh giá chung chung mà còn phải định hướng, tham mưu, tổ chức thực thi.

Trong phiên làm việc sáng 28-9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Dự thảo Luật gồm 3 Điều; sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật Phòng, chống HIV/AIDS dựa trên hai chính sách: Tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và Bảo đảm quyền được tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng.

Cũng trong phiên họp sáng 28-9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Phan Phương (TTXVN)

Chia sẻ bài viết