04/03/2020 - 14:28

Phát triển và đào thải… 

Một nghiên cứu của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP Cần Thơ gần đây cho thấy, tốc độ phát triển của cộng đồng DN trên địa bàn TP Cần Thơ trong giai đoạn 2014-2019 tương đối cao, bình quân mỗi năm tăng 8,58%. Năm 2015, tốc độ tăng DN trên địa bàn lên đến 9,01%, năm 2016 tỉ lệ này là 6,59% và đến năm 2018 số lượng DN tăng với tỉ lệ đạt 4,95%. Trong năm 2019, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.500 DN các loại hình với tổng vốn đăng ký 12.000 tỉ đồng, tăng 7,37% về số DN và tăng 53,3% vốn đăng ký so với năm 2018. Kết quả này nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn thành phố khoảng 8.600 DN, vốn đăng ký kinh doanh đạt bình quân 11 tỉ đồng/DN. Các khu công nghiệp thu hút 9 dự án mới với tổng vốn đầu tư gần 35 triệu USD. Lũy kế đến nay có 246 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 1.750 triệu USD. Về thu hút đầu tư nước ngoài, ước đến cuối năm 2019, thành phố có 86 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 748,2 triệu USD, vốn thực hiện ước đạt 460 triệu USD, chiếm hơn 61,4% tổng vốn đăng ký.

Ứng dụng khoa học công nghệ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH MTV Cơ khí Sông Hậu.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho xu hướng số lượng DN tăng trong những năm vừa qua. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các giải pháp quyết liệt từ Chính phủ như: Nghị quyết 19/NQ-CP với mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh; Nghị định 107/2018/NĐ-CP về Đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cho thương nhân xuất khẩu gạo; Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo… Ngoài ra, Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới cũng tạo ra cơ hội cho DN trong nước hình thành và phát triển. Riêng tại TP Cần Thơ, chính quyền thành phố đề ra nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển DN, có thể kể đến: Kế hoạch số 41/KH-UBND về khởi sự DN trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020; Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các DN nhỏ và vừa TP Cần Thơ đến năm 2020”; Chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020”, Kế hoạch Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020…

Cùng với sự phát triển của DN thể hiện qua  tỷ lệ DN mới gia tăng, TP Cần Thơ cũng ghi nhận không ít DN thua lỗ. Trong tổng số hơn 8.350 DN đang hoạt động năm 2018 có 2.430 DN báo lỗ. Số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn 2014-2018, số DN thua lỗ trên địa bàn có xu hướng tăng, với tốc độ tăng bình quân là 12,8%/năm. Trong đó năm 2016, số lượng DN thua lỗ nhiều nhất, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2015.

Có thể thấy, trong vòng 5 năm qua, tốc độ phát triển của cộng đồng DN trên địa bàn TP Cần Thơ là khá tốt. Tuy nhiên, tốc độ tăng của nhóm DN thua lỗ, tạm ngưng hoạt động cũng khá cao. Tiến  sĩ Nguyễn Quốc Nghi, Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ, phân tích: Trong nền kinh tế thị trường luôn có một tỷ lệ DN thành lập mới và DN bị giải thể, phá sản; việc đào thải, thanh lọc là một quy luật khách quan của nền kinh tế. Những DN yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những DN mới với những ý tưởng kinh doanh mới và năng lực tổ chức, điều hành hoạt động kinh doanh có chất lượng hơn.

Thực tế đang đặt ra yêu cầu các nhà hoạch định chính sách phải nghiên cứu, đổi mới thể chế kinh tế để tạo ra hành lang pháp lý an toàn và môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Về phía các DN cần phát huy tốt nhất các nguồn lực, đặc biệt là vai trò của khoa học công nghệ, đẩy mạnh liên kết, hợp tác... để tận dụng tốt nhất các cơ hội và linh hoạt thích ứng trước các rủi ro.

Bài, ảnh: QUẾ LIM

Chia sẻ bài viết