04/06/2024 - 13:39

Phát triển phương pháp xét nghiệm nước bọt chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt 

Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Ung thư ở Luân Đôn và Quỹ tín thác Royal Marsden thuộc Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh vừa phát triển thành công phương pháp xét nghiệm nước bọt mới giúp nhận diện đúng đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tiền liệt và hạn chế tình trạng dương tính giả.

Ung thư tuyến tiền liệt hiện là dạng ung thư phổ biến nhất ở nam giới tại hơn 100 quốc gia. Việc chẩn đoán sớm là rất quan trọng trong điều trị bệnh, nhưng các chuyên gia cho biết phương pháp xét nghiệm nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) trong máu có thể bỏ sót những người mắc bệnh ung thư, đôi khi khiến những người không có bệnh phải điều trị hoặc làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu không cần thiết.

Trong khi đó, kiểu xét nghiệm mới hoạt động bằng cách tìm kiếm các chỉ dấu sinh học di truyền trong nước bọt có liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt. Trong thử nghiệm Barcode 1, nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu nước bọt của hơn 6.000 nam giới châu Âu từ 55-69 tuổi (độ tuổi có nguy cơ cao khởi phát ung thư tuyến tiền liệt) để thử xét nghiệm mới. Qua đó, họ tính toán điểm nguy cơ đa di truyền (PRS) - bài kiểm tra giúp phát hiện nguy cơ mắc bệnh do di truyền - của từng người, dựa trên 130 biến thể gien trong ADN có liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy ở nhóm có nguy cơ mắc bệnh do di truyền cao nhất, xét nghiệm nước bọt cho kết quả dương tính giả ít hơn so với xét nghiệm PSA và giúp tìm ra những người mắc ung thư tuyến tiền liệt mà xét nghiệm PSA đã bỏ sót. Xét nghiệm nước bọt cũng phát hiện tỷ lệ ung thư ác tính cao hơn so với xét nghiệm PSA. Ngoài ra, phương pháp mới này còn giúp xác định chính xác những bệnh nhân đã bị bỏ sót khi chẩn đoán bằng chụp ảnh cộng hưởng từ (MRI).

HƯƠNG THẢO (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết