22/05/2020 - 05:37

Phát triển mảng xanh, bảo vệ môi trường 

Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống của con người. Để đảm bảo cân bằng sinh thái, duy trì sự phát triển bền vững, bảo vệ chất lượng cuộc sống, TP Cần Thơ xác định trồng cây xanh là việc làm quan trọng, cần thiết và cấp bách, gắn liền với quá trình phát triển đô thị không chỉ cho hôm nay mà cho các thế hệ mai sau.

Lan tỏa phong trào trồng cây

Đi đôi với việc trồng cây, các địa phương quan tâm phân công trách nhiệm chăm sóc để cây trồng phát triển tốt.

Như hoạt động thường niên, ngày 19-5 hằng năm, TP Cần Thơ tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Đây không những là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực nhân kỷ niệm ngày sinh của Bác, còn góp phần tăng độ che phủ, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu. Riêng năm 2020, thành phố phát động trồng cây tại tất cả các quận, huyện với mục tiêu trồng 800.000 cây xanh trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên phát triển các loại cây bản địa, cây đặc thù, phát triển nhanh, các loại cây có hiệu quả kinh tế: sao, dầu, xà cừ, hoàng hậu, tre, trúc, bạch đàn, keo lai… Đây là những loài cây bản địa có sức sống, sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Địa điểm trồng cây là đất tại công sở, trường học, nhà văn hóa, chùa, các trục đường mới mở, đất công đã quy hoạch, trang trại, vườn của hộ gia đình...

Ông Nguyễn Văn Thắng, Quyền Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Xác định mục tiêu thành huyện du lịch sinh thái và đô thị sinh thái trong tương lai và trở thành vành đai xanh của TP Cần Thơ, huyện quan tâm phát triển mảng xanh trên địa bàn. Sau gần 16 năm thành lập, Phong Điền đã trồng được khoảng 1,7 triệu cây xanh các loại. Diện tích cây xanh trên địa bàn không ngừng được mở rộng, góp phần tăng vẻ mỹ quan tại các khu di tích lịch sử, công sở, trường học…, cải thiện môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Thông qua hoạt động trồng cây nâng cao nhận thức về việc bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường cho người dân địa phương. “Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, thời tiết thất thường, trồng cây chính là cách tự nhiên, đơn giản, rẻ tiền nhất để ứng phó và ai cũng có thể làm được! Đây là hoạt động rất thiết thực để hưởng ứng hành động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” - ông Trịnh Thanh Long ở phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, chia sẻ.

Hằng năm, hàng trăm nghìn cây xanh được trồng mới, tạo thành những “lá phổi sống” thanh lọc và cải thiện môi trường, đồng thời tạo cảnh quan cho bộ mặt đô thị, nông thôn trên địa bàn thành phố. Nhiều phong trào hay về bảo vệ môi trường, chăm sóc và quản lý cây xanh: Ngày Chủ nhật xanh, Tuyến đường tự quản… xuất hiện ở nhiều địa phương. Nhất là việc xã hội hóa trồng cây xanh trên các tuyến đường, tại các trung tâm quận, huyện, xã, thị trấn ngày càng lan tỏa, tạo thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả. Ông Trần Long Hồ, Bí thư Đảng ủy xã Trường Thành, huyện Thới Lai, cho biết: Tiến tới mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao, bên cạnh nâng chất các tiêu chí, xã tập trung xây dựng cảnh quan môi trường thông thoáng, sạch đẹp. Theo đó, các hội, đoàn thể xã tuyên truyền vận động và phối hợp cùng người dân tham gia trồng và chăm sóc hoa, cây xanh dọc các tuyến đường, góp phần thay đổi diện mạo xã nông thôn mới.

“Trồng cây nào chắc cây đó”

Với phương châm trồng cây nào thì sống cây đó, sau khi phát động trồng cây, các địa phương quan tâm làm tốt công tác quán triệt, hướng dẫn các kỹ thuật, phương pháp trồng, đồng thời, phân công cụ thể việc bảo vệ và chăm sóc cây xanh từng khu vực để cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Quyền Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Để nhanh chóng thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng huyện Phong Điền thành đô thị sinh thái, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phong Điền nhiệt liệt hưởng ứng cuộc vận động trồng cây, xây dựng huyện ngày càng xanh, sạch, đẹp với phương châm “Mỗi người trồng một cây xanh”. Huyện tiếp tục triển khai cơ chế chăm sóc, quản lý hiệu quả đối với cây xanh được trồng. Cụ thể, tại các công sở, trường học đề nghị thủ trưởng đơn vị giao trách nhiệm cụ thể cho từng đoàn thể, hội viên chăm sóc, bảo vệ cây trồng trong khuôn viên đơn vị. Tại các địa phương, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện các biện pháp quy định cụ thể việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng cho từng hộ dân trên phần đất mỗi hộ quản lý. Các đoàn thể chịu trách nhiệm triển khai trồng, chăm sóc, quản lý từng khu vực cây xanh.

Thực tế thời gian qua, trồng cây xanh trên địa bàn thành phố đã mang lại hiệu quả thiết thực, tăng độ phủ mảng xanh và nâng cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng cảnh quan đơn vị, góp phần cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai và phòng chống biến đổi khí hậu. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng, cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, nên việc trồng cây có ý nghĩa to lớn. Để phát triển hệ thống cây xanh hiệu quả, bền vững và phát huy giá trị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND quận, huyện cần phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, cơ quan có liên quan triển khai kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn. Đồng thời kết hợp vận động người dân tham gia quản lý, chăm sóc, bảo vệ các cây đã trồng. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác trồng cây, lợi ích của việc bảo vệ cây trồng. Nêu gương những tập thể, cá nhận làm tốt để động viên mọi người tích cực tham gia…

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết