14/01/2018 - 16:04

Phát triển kinh tế trên đất nhà 

Không cần tìm việc ở xa, một số đoàn viên thanh niên tận dụng lợi thế từ mảnh vườn, thửa ruộng gia đình phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đạt hiệu quả kinh tế. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác mở rộng mô hình, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định.

Anh Trung giới thiệu mô hình trồng mướp. Ảnh: MINH AN

Anh Trung giới thiệu mô hình trồng mướp. Ảnh: MINH AN

Chị Từ Như Ý, Phó Bí thư Xã đoàn Tân Thạnh, huyện Thới Lai, cùng chúng tôi ghé thăm ruộng mướp của đoàn viên Trần Trung. Ruộng mướp khoảng 3.000m2 đang thời kỳ cho trái rộ. Theo anh Trung, khoảng 2 năm trước, nông dân xã Tân Thạnh tập trung trồng mướp. Đây là loại rau màu phổ biến, dễ trồng và chăm sóc, ít sử dụng thuốc hóa học nên dễ tiêu thụ. Thấy đầu ra trái mướp ổn định, anh Trung manh nha ý tưởng thành lập tổ hợp tác trồng mướp, thu hút đoàn viên, thanh niên của xã tham gia. Năm 2016, anh bắt đầu hợp tác với 2 thanh niên khác chuyển 3 công đất lúa sang trồng mướp. Anh Trung cho biết: “Khi xuống giống, phải tốn chi phí thuê nhân công làm giàn. Sau đó, chỉ cần đặt giống, chăm sóc khoảng 45 ngày mướp đã cho thu hoạch. Khi mướp bắt đầu ra trái rộ, tôi thuê nhân công cắt với giá 20.000 đồng/giờ để kịp giao thương lái. Giá bán dao động thường xuyên theo thị trường nhưng không lo bị lỗ nhờ mướp cho năng suất khá, thu hoạch lâu dài. Nông dân có thể kiếm lợi nhuận bình quân 15 triệu đồng/vụ/công đất trồng mướp, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Với lợi nhuận này, các đoàn viên, thanh niên không có đất sản xuất vẫn có thể thuê đất, trồng mướp rồi dần dà tự tạo nguồn vốn cho riêng mình”. Anh Trung dự tính bàn với gia đình chuyển  5.000m2 đất ruộng còn lại sang trồng mướp và sẵn sàng hỗ trợ các đoàn viên, thanh niên khác về kỹ thuật, các khâu chăm sóc. Anh Trung mong muốn nhiều đoàn viên, thanh niên quan tâm ý tưởng, cùng nhân rộng diện tích trồng mướp. Khi đó, mướp liên tục thu hoạch, sản lượng ổn định, đầu ra càng thuận lợi, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động trong xã.

Không có đất ruộng nhiều, anh Trần Bảo Thái, ở ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh chọn phát triển mô hình chăn nuôi dê chuyên nghiệp với sự hỗ trợ kinh nghiệm từ cậu. Sau vài lần trục trặc do chăm sóc chưa đúng cách, anh Thái chủ động tham quan các trang trại nuôi dê lớn các tỉnh lân cận và học hỏi thêm từ mạng Internet để tích lũy nhiều kinh nghiệm. Hiện anh Thái nuôi trên 20 con dê các loại. Anh dành hẳn 2 công đất gia đình trồng cỏ, nhân giống cây chè khổng lồ, làm thức ăn cho dê. Điều đặc biệt, anh Thái áp dụng kỹ thuật nuôi hướng đến chăm sóc tinh thần đàn dê. Anh Thái xây chuồng cao ráo, bổ sung dinh dưỡng cho dê bằng chế phẩm sinh học, đá liếm; trang bị máy cắt cỏ, cho dê ăn đa dạng thực vật: chuối, cây bắp, lá gòn, rau muống…, uống nước xác đậu nành. Mỗi ngày, anh Thái mở nhạc để dê sinh sản... thư giãn. Theo anh Thái, cách làm này tuy tốn công nhưng chi phí nhẹ hơn so với nuôi heo, lợi nhuận cao gấp mấy lần so với làm lúa. Hiện nay, anh vừa nuôi dê sinh sản để tăng đàn, vừa bán dê giống, dê thịt và cả phân dê. Anh Thái chia sẻ: “Người nuôi cần nắm vững kỹ thuật để dê tăng trưởng tốt, đạt năng suất cao. Các hộ chăn nuôi thiếu kiên trì rất dễ chán nản, dẫn đến bỏ ngang. Vì thế, tôi mong muốn phát triển Tổ liên kết nuôi dê, tập hợp các nông hộ trong xã đang và định nuôi dê để cùng chia sẻ dê giống, kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi cũng như phối hợp tìm đầu ra, hạn chế tình trạng thương lái ép giá”. Với sự hỗ trợ của Xã đoàn Tân Thạnh, Tổ liên kết nuôi dê được thành lập gồm 10 thành viên, chăn nuôi hơn 100 con dê.

Theo chị Từ Như Ý, như nhiều địa phương khác, tỷ lệ đoàn viên, thanh niên xã Tân Thạnh rời quê, tìm việc ở các khu công nghiệp ngoài thành phố khá cao. Hiện chưa tới 50% đoàn viên, thanh niên ở nhà, vừa phụ giúp gia đình vừa làm kinh tế riêng. Với việc phát triển các mô hình kinh tế tận dụng đất nhà cùng nhiệt huyết, sẵn sàng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau giữa các đoàn viên, thanh niên, sẽ góp phần đáng kể trong tạo việc làm, “giữ chân” lao động trẻ, chung sức phát triển kinh tế địa phương.

MINH AN

Chia sẻ bài viết