04/04/2017 - 09:06

Phát triển hàng đặc sản theo chuỗi giá trị

ĐBSCL có nhiều sản phẩm đặc trưng tiêu biểu, nhưng do thiếu liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ sở sản xuất hàng đặc sản nên giá trị hàng đặc sản không cao. Để tạo gắn kết này, các ngành chức năng ở các địa phương cần định hướng cho các cơ sở sản xuất hàng đặc sản phát triển sản phẩm đặc thù riêng, thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ, từng bước nâng giá trị cho hàng đặc sản vùng ĐBSCL.

Theo các chuyên gia nhận định, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã năng động, sáng tạo, khai thác nguồn nguyên liệu làng quê để tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm đặc trưng của quê hương. Chẳng hạn, người dân Bến Tre không chỉ dùng nguyên liệu dừa để làm thực phẩm, mỹ phẩm mà còn tận dụng các loại phụ phẩm, xơ dừa để làm hàng thủ công mỹ nghệ (chén, ly, bình trà…) bán cho du khách; sen ở tỉnh Đồng Tháp giờ không chỉ là thực phẩm dùng chế biến nhiều món ăn mà còn được chiết xuất làm xà bông, tinh dầu tự nhiên… Điểm nổi bật là các sản phẩm đã mang dấu ấn địa phương, thu hút sự quan tâm của khách hàng trong các kỳ hội chợ triển lãm. Với mong muốn đưa sản phẩm mắm truyền thống vươn xa, những con người tâm huyết với nghề ở TP Châu Đốc, tỉnh An Giang cùng nhau nỗ lực ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để tạo nên bột mắm sấy và đưa sản phẩm này xuất ngoại thành công. Ông Đoàn Văn Khanh, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Long Thuận, tỉnh Tiền Giang, cho biết: Để nâng giá trị cho cây bưởi của quê hương, doanh nghiệp Long Thuận từng bước nghiên cứu và đưa sản xuất thành công tinh dầu hoa bưởi, nước ép bưởi, trà hoa bưởi, kem dưỡng da. Trong đó, sản phẩm nước bưởi ép đóng chai của Long Thuận đã được một số doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm và đề nghị hợp tác sản xuất. Đây sẽ là tiền đề đưa đặc sản quê hương vượt ra khỏi làng quê có mặt khắp các tỉnh, thành trong và ngoài nước, từng bước nâng giá trị cho sản phẩm đặc sản, đặc trưng tiêu biểu của vùng ĐBSCL.

Khách hàng dùng thử đặc sản khô cá tra một nắng của doanh nghiệp TP Cần Thơ trong Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2017 tại tỉnh An Giang.

Dù ĐBSCL có nhiều sản phẩm đặc trưng gắn với giá trị vốn có của địa phương, song muốn phát triển chuỗi giá trị hàng đặc sản cần phải phát huy tính liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, ĐBSCL có nhiều món ăn ngon nhưng người tiêu dùng vẫn không rõ về độ an toàn và bao bì sơ sài; sản phẩm thủ công mỹ nghệ ĐBSCL rất ít mẫu mã, nhiều sản phẩm chưa có nhãn mác rõ ràng và chưa gắn với đặc thù của địa phương nên chưa thu hút khách du lịch. Mặt khác, có nhiều loại trái cây đặc sản (xoài, măng cụt, bưởi…), nhưng chất lượng không đồng đều, chủ yếu là bán thô nên giá trị sản phẩm không cao. Do đó, muốn nâng giá trị sản phẩm đặc sản vùng ĐBSCL, đòi hỏi các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng đặc sản phải hiểu và đáp ứng thị hiếu khách hàng. Xây dựng được thương hiệu với chỉ dẫn địa lý rõ ràng, đầu tư bao bì đẹp và thể hiện rõ nguồn gốc, nguyên liệu sản phẩm (bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh) trên bao bì. Giá cả niêm yết rõ ràng, có quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và nên để du khách tham gia trải nghiệm một vài công đoạn làm nên thành phẩm… để tạo tính hấp dẫn và thu hút du khách. Quan trọng hơn, người sản xuất cần minh bạch chuỗi thông tin từ sản xuất đến tiêu thụ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dùng. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, các cơ sở làng nghề, hộ kinh doanh hàng đặc sản vùng ĐBSCL có cơ sở tạo sự gắn kết, hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp du lịch, từng bước nâng giá trị cho sản phẩm đặc sản, đặc trưng tiêu biểu của vùng ĐBSCL.

Theo Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) sản phẩm đặc trưng ĐBSCL, muốn nâng giá trị cho sản phẩm đặc sản, đặc trưng tiêu biểu các ngành chức năng ở mỗi tỉnh, thành vùng ĐBSCL nên có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề xây dựng thương hiệu và phát huy tính sáng tạo, khai thác đặc tính tiêu biểu của sản phẩm vốn có của các địa phương. Chính từ những cái khác biệt, mỗi địa phương tổ chức tập huấn, xây dựng các điểm bán hàng đặc trưng; hỗ trợ các cơ sở sản xuất hàng đặc sản đầu tư thiết kế sản phẩm và mỗi địa phương chọn sản phẩm riêng để ưu tiên phát triển, tránh sự trùng lắp giữa các địa phương. Năm 2017, CLB sản phẩm đặc trưng ĐBSCL sẽ hỗ trợ các cơ sở sản xuất hàng đặc sản tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm tại hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế; giới thiệu và quảng bá thông tin sản phẩm của cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc trưng ĐBSCL. Đồng thời, CLB còn hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng đặc sản tiếp cận các xu hướng mới trong tiếp thị; phát triển liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ cho sản phẩm đặc trưng tại vùng ĐBSCL. Điều này sẽ từng bước nâng cao tiềm lực, phát triển chuỗi giá trị cho hàng đặc sản vùng ĐBSCL trong quá trình hội nhập.

Bài, ảnh: M.Hoa

Chia sẻ bài viết