Du lịch cộng đồng cồn Sơn được du khách gần xa yêu mến. Tuy nhiên, gần đây, hoạt động này phát sinh nhiều bất cập, khiến cộng đồng du lịch cồn Sơn đứng trước nguy cơ tan rã, buộc lãnh đạo thành phố và ngành du lịch phải vào cuộc tìm hướng giải quyết.
Ngày 9-8, ông Lê Văn Tâm- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Cần Thơ- cùng các sở ngành hữu quan, đã đến trao đổi với người dân và chính quyền địa phương, để tìm hướng phát triển bền vững. Phóng viên Báo Cần Thơ ghi nhận ý kiến của lãnh đạo thành phố và ngành du lịch về vấn đề này.
Ông Lê Văn Tâm- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ:
Quan điểm đầu tư, quy hoạch du lịch tại cồn Sơn là không phá vỡ môi trường và cảnh quan tự nhiên, nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng cồn Sơn là mô hình mới, độc đáo, cần được phát huy. Sản phẩm tại cồn Sơn là kết quả của quá trình hợp tác, liên kết gắn bó trên tinh thần tình làng nghĩa xóm của nhiều hộ dân, cùng nhau gìn giữ giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa- văn minh miệt vườn sông nước.
Bản sắc cộng đồng này không phải nơi nào cũng có, nên rất cần được gìn giữ, phát huy và nhân rộng. Chính quyền địa phương, cũng như các cấp các ngành có liên quan cần bình tĩnh nghiên cứu, tìm giải pháp để giải quyết những bất cập, giúp người dân ổn định, tập trung làm du lịch tốt hơn.
Cộng đồng là của dân nên sự liên kết phải ở dân. UBND quận Bình Thủy, phường Bùi Hữu Nghĩa hay các ngành các cấp quản lý nhà nước về du lịch cần tôn trọng ý kiến của dân. Người dân có quyền bày tỏ nguyện vọng, đề xuất giúp du lịch cộng đồng gắn kết và phát triển. Trong quản lý nhà nước và chỉ đạo phải luôn minh bạch, công bằng tạo được sự đồng thuận từ dân, hỗ trợ và giúp người dân ngày càng gắn bó với mô hình du lịch cộng đồng.
Bây giờ tại cồn Sơn có 15/74 hộ tham gia làm du lịch cộng đồng, thì địa phương cần quan tâm đến những chính sách, cơ chế hỗ trợ để thu hút thêm nhiều hộ dân tham gia. Đó cũng góp phần cụ thể hóa phương châm “Người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch” trong chủ trương phát triển du lịch của thành phố.
Về quan điểm đầu tư, quy hoạch du lịch tại cồn Sơn, tôi cho rằng không nên phá vỡ cảnh quan môi trường tự nhiên, song song với khuyến khích phát triển và nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng, tăng cường sự gắn kết giữa các hộ dân. Cồn Sơn cần chỉnh trang một số vấn đề về giao thông, vệ sinh môi trường, hệ thống điện nước…
Địa phương nên chú trọng định hướng cho người dân xây dựng thêm sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu và níu chân du khách quay về cồn Sơn. Địa phương phải trao đổi và tôn trọng ý kiến của dân về cách tổ chức quản lý, liên kết.
Định hướng là Tổ hợp tác hay Câu lạc bộ du lịch cộng đồng, vấn đề này do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), UBND quận Bình Thủy, phường Bùi Hữu Nghĩa có trách nhiệm hỗ trợ người dân tìm ra giải pháp.
Ngoài ra, Sở VHTT&DL, Trung tâm Phát triển du lịch Cần Thơ, các ngành hữu quan cần tăng cường tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ làm du lịch, quảng bá xúc tiến, đảm bảo công tâm. Đồng thời tăng cường công tác giám sát, kịp thời cùng người dân giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Ông Lê Văn Tâm (ảnh, giữa) đến nhà vườn Sáu Cảnh, động viên các hộ dân tiếp tục liên kết, gắn bó du lịch cộng đồng tại cồn Sơn. Trong ảnh: Nhà vườn giới thiệu bánh nia, sản phẩm mới tại cồn Sơn.
Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Cần Thơ:
Giữ thương hiệu du lịch cộng đồng cồn Sơn
Sở đã làm việc nhiều lần với UBND quận Bình Thủy, phường Bùi Hữu Nghĩa và các hộ dân làm du lịch cộng đồng tại cồn Sơn để tìm sự đồng thuận trong giải quyết các bất cập.
Hiện nay, Sở đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch thành phố hướng dẫn bà con ở cồn Sơn thành lập Câu lạc bộ du lịch cộng đồng, có Ban chủ nhiệm và quy chế. Giữa tháng 8, Sở có lớp tập huấn về du lịch cộng đồng cho các hộ dân ở cồn Sơn. Sở cũng đã làm việc với Trung tâm Phát triển du lịch thành phố hỗ trợ người dân xây dựng bản đồ du lịch cồn Sơn, tăng cường quảng bá du lịch cộng đồng trên các phương tiện truyền thông.
Về quy hoạch du lịch tại cồn Sơn, hiện thành phố có 4 dự án kêu gọi đầu tư về du lịch: Khu du lịch vườn cò Bằng Lăng, khu du lịch sinh thái cù lao Tân Lộc, khu du lịch cồn Sơn và khu du lịch sinh thái Phong Điền. Trong đó, dự án quy hoạch cồn Sơn là 74,4ha, vốn đầu tư khoảng 50 triệu USD.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, các dự án này vẫn chưa có nhà đầu tư. Mục tiêu của dự án là phát triển tiềm năng của cồn Sơn để khai thác thành khu vui chơi giải trí cao cấp kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng đặc thù sông nước tầm cỡ tại ĐBSCL. Tuy nhiên, đó chỉ là dự án kêu gọi đầu tư, khi các nhà đầu tư tìm hiểu thì vẫn sẽ có chỉnh sửa phù hợp với thực tế, chủ trương của địa phương. Địa phương vẫn dành không gian cho phát triển du lịch cộng đồng. Quan điểm của Sở là kiên quyết giữ thương hiệu du lịch cộng đồng cồn Sơn.
Ái Lam
Du lịch cộng đồng cồn Sơn đi vào hoạt động từ tháng 9- 2015, dần trở thành thương hiệu của du lịch Bình Thủy và Cần Thơ, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Tại đây, người dân có gì cung đó, cùng nhau làm nên tour trải nghiệm đa dạng: Tham quan bè cá, nhà vườn, cá lóc bay, đồng sen, làm bánh dân gian, làm nông dân, thưởng thức ẩm thực cây nhà lá vườn. Mô hình này phát huy điểm mạnh của từng hộ dân, đồng thời tạo ra nguồn thu khá đồng đều.
Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh làm xảy ra nhiều vấn đề bất cập. Đó là sự cạnh tranh, gây bất đồng giữa các thành viên; mâu thuẫn giữa một số thành viên trong Tổ hợp tác du lịch cộng đồng cồn Sơn với UBND phường Bùi Hữu Nghĩa về việc địa phương can thiệp sâu trong điều hành, quản lý, nhất là vấn đề tài chính.
Trước những bất cập này, Sở VHTT&DL thành phố và UBND quận Bình Thủy đã vào cuộc, quyết định giải tán Tổ hợp tác, cũng như Ban điều hành mà UBND phường Bùi Hữu Nghĩa đã lập trước đó, để người dân tự do làm du lịch, liên kết, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.
Bà Phan Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: “Quan điểm của quận là phát triển du lịch cồn Sơn theo hướng cộng đồng, giữ đúng bản sắc, nét đẹp vốn có. Địa phương sẽ tiếp tục làm việc với người dân để tìm tiếng nói chung, gắn kết các hộ dân làm du lịch theo hướng cộng đồng. Từng bước có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân an tâm”.