27/05/2017 - 18:00

Phát triển doanh nghiệp chú trọng số lượng và chất lượng

Qua 1 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ "Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020", hoạt động khởi nghiệp tại TP Cần Thơ khá sôi nổi. Thành phố đặc biệt chú trọng đến các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp mới cả về số lượng lẫn chất lượng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Nhiều việc phải làm

Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Riêng TP Cần Thơ phấn đấu đến năm 2020, số doanh nghiệp đang hoạt động sẽ đạt 13.800 doanh nghiệp các loại hình, tăng gấp đôi so với năm 2016. Để đạt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp vào năm 2020, thành phố đã có nhiều văn bản và các cơ chế chính sách có liên quan để thúc đẩy khởi nghiệp. Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND "Khởi sự doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020" và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về khởi nghiệp đến các sở, ban, ngành hữu quan, các tầng lớp nhân dân nhằm thúc đẩy, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp. Trong Kế hoạch Khởi sự doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020, thành phố xác định sẽ thành lập các tổ chức tác động khởi nghiệp để hỗ trợ từ khâu hình thành ý tưởng đến xây dựng đề án khởi nghiệp, phát triển lên thành doanh nghiệp có đầy đủ tư cách pháp nhân, hỗ trợ đào tạo về quản trị, hỗ trợ tài chính, tìm kiếm thị trường…

Gian hàng trưng bày của Cantho Farm, một mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại TP Cần Thơ.

Với mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển mới thêm 6.900 doanh nghiệp, tức mỗi năm TP Cần Thơ phấn đấu có trên 1.700 doanh nghiệp các loại hình thành lập mới. Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Cần Thơ, chia sẻ: Thực hiện theo Bản cam kết với VCCI, TP Cần Thơ hoàn toàn có khả năng đạt được con số 6.900 doanh nghiệp thành lập mới nếu tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Từng cơ quan, từng cấp quản lý phải hiểu rõ khái niệm khởi nghiệp và lập nghiệp để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Thực hiện Nghị quyết 35, TP Cần Thơ không chỉ quan tâm phát triển doanh nghiệp tại địa phương mà còn phải thu hút được doanh nghiệp từ nơi khác đến. Với vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, Cần Thơ hoàn toàn có khả năng thu hút được doanh nghiệp mới đến đầu tư. Mặt khác, số lượng sinh viên ra trường và chọn ở lại Cần Thơ lập nghiệp rất lớn. Nếu khai thác tốt, hỗ trợ khởi nghiệp kịp thời, mỗi năm số lượng doanh nghiệp lập nghiệp, khởi nghiệp tại thành phố sẽ là con số không nhỏ.

Cần lộ trình phù hợp

Theo Kế hoạch số 41/KH-UBND "Khởi sự doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020", thành phố tập trung vào hàng loạt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như: cải cách thủ tục hành chính, thuế, hỗ trợ thông tin, môi trường pháp lý kinh doanh, tư vấn doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường… Đồng thời tiến tới thành lập các tổ chức tác động khởi nghiệp như: Hội đồng tư vấn khởi nghiệp thành phố, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, Quỹ Đầu tư khởi nghiệp. Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Cần Thơ, khi đề cập đến vần đề hỗ trợ tài chính cho các dự án khởi nghiệp, hầu hết ý kiến đều tập trung huy động vốn từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm. Do đó, thành phố có thể xem xét giao thêm chức năng cho Quỹ Đầu tư phát triển thành phố hoặc Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố để hỗ trợ vốn vay cho các dự án khởi nghiệp. Thành phố cũng có thể xem xét đề xuất Ngân hàng Chính sách Xã hội tham gia vào hỗ trợ vốn vay cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi phong trào khởi nghiệp lan tỏa sẽ tạo động lực thúc đẩy khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp, tạo đà phát triển cho kinh tế-xã hội của địa phương. Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh tại Cần Thơ, TP Cần Thơ kỳ vọng vừa đạt số lượng doanh nghiệp thành lập mới vừa nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, song vẫn còn thiếu doanh nghiệp đầu đàn nên chưa tạo ra được chuỗi giá trị lớn mạnh hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng tham gia. Theo khảo sát của VCCI Chi nhánh tại Cần Thơ, hiện nay nhiều doanh nghiệp mong muốn mở rộng quy mô, hợp tác đầu tư tại Cần Thơ nhưng việc tiếp cận thông tin còn hạn chế do thiếu tính hệ thống, dù lãnh đạo thành phố luôn cởi mở, chào đón doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh. Do đó, khi tổ chức hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp lần II-2017, thành phố có thể mời thêm doanh nghiệp từ địa phương khác đến, đặc biệt là từ TP Hồ Chí Minh để cung cấp thông tin, giới thiệu về cơ hội đầu tư phát triển trong các ngành tiềm năng như du lịch, công nghệ thông tin. Thành phố cũng cần xây dựng chiến lược dài hạn để thu hút hiệu quả các dự án FDI, đặc biệt là dự án FDI từ Nhật Bản.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống, khẳng định: Trong kế hoạch thúc đẩy khởi nghiệp, lập nghiệp, thành phố khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong các ngành thương mại dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, quan tâm phát triển ngành công nghiệp chế biến tinh, công nghiệp công nghệ cao, không phát triển các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Thành phố xác định phát triển doanh nghiệp theo định hướng số lượng phải đi đôi với chất lượng; phát triển doanh nghiệp gắn với tái cơ cấu theo 3 cấp độ: cấp độ thành phố, cấp độ ngành, lĩnh vực và cấp độ doanh nghiệp. Thời gian tới, thành phố cam kết sẽ tiếp tục cải thiện hơn nữa chỉ số PCI và PAPI để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp và yên tâm hoạt động.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết