31/03/2018 - 10:38

Pháp muốn hòa giải Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd 

Hôm 29-3, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết Pháp muốn đứng ra dàn xếp cuộc xung đột ở miền Bắc Syria, nơi đầu năm nay Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch “Nhành ô liu” chống các chiến binh thuộc Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG).

Đề xuất trên được chủ nhân Điện Élysée đưa ra trong cuộc gặp với phái đoàn đến từ miền Bắc Syria, bao gồm các thành viên YPG - nhánh hùng mạnh nhất của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Tại đây, Tổng thống Macron hy vọng Pháp và cộng đồng quốc tế “có thể giúp thiết lập cuộc đối thoại” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và SDF.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh kiểm soát hoàn toàn thành phố Afrin ở miền Bắc Syria. Ảnh: BBC

Tuy nhiên, chuyện hòa giải sẽ không đơn giản khi mà ông Macron cũng cam kết với phái đoàn trên rằng Pháp sẽ “nhanh chóng” triển khai binh sĩ đến thị trấn Manbij ở miền Bắc Syria để tiếp sức cho cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo trang tin DW, việc điều lính đặc nhiệm Pháp đến Manbij sẽ hỗ trợ lực lượng Mỹ tại đây và có thể ngăn chặn cuộc tấn công mà Thổ Nhĩ Kỳ đang lăm le tiến hành.

Thực ra, sau khi cùng đồng minh là nhóm nổi dậy Quân đội Syria Tự do (FSA) đánh bật các chiến binh người Kurd ra khỏi thành phố Afrin hôm 18-3, Ankara dọa quay sang tấn công Manbij vốn do SDF kiểm soát. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo tấn công Manbij là bước khởi đầu để quân đội nước này mở rộng chiến dịch quân sự sang phía Đông, quét qua Rojava, vùng bán tự trị của người Kurd. Gần đây, Hội đồng an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ còn ra tối hậu thư rằng họ sẽ hành động nếu các chiến binh người Kurd không rút khỏi đây ngay lập tức. Do đó có thể hiểu tại sao nhà lãnh đạo Pháp cũng đang tìm cách ngăn cản Ankara tấn công Manbij, nơi có một căn cứ quân sự của Mỹ.

Phản ứng lại động thái trên của Pháp, hôm qua 30-3 phát ngôn viên Ibrahim Kalin của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ nước này hy vọng các đồng minh của Ankara đưa ra quan điểm rõ ràng về việc chống chủ nghĩa khủng bố thay vì tiến hành các bước đi nhằm hợp thức hóa “các tổ chức khủng bố”. Phó Thủ tướng Bekir Bozdag cảnh báo Pháp trên Twitter: “Những ai hợp tác và đoàn kết với các nhóm khủng bố chống lại Thổ Nhĩ Kỳ... sẽ giống như những kẻ khủng bố và trở thành một mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi hy vọng Pháp không thực thi những hành động bất hợp lý”.

Theo hãng tin BBC, SDF là đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Cả Paris và Washington đều viện trợ vũ khí và huấn luyện cho lực lượng dân quân này để chống IS. Mỹ cũng xác nhận YPG không có mối liên hệ về mặt tổ chức với đảng Công nhân người Kurd (PKK). Còn Ankara thì coi YPG là một tổ chức khủng bố vì có quan hệ với PKK vốn bị cấm hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ sẽ sớm rút quân khỏi Syria

Hôm 29-3, Tổng thống Donald Trump cho biết “sẽ sớm rút quân khỏi Syria”, lập luận rằng Mỹ đang “hất cẳng” IS khỏi Syria và hãy để nước này cho các bên khác bảo vệ. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc nhận thấy đây không phải là thời điểm để tính chuyện lui binh, bởi vẫn còn nhiều thách thức ở Syria. Trong đó có việc giải quyết như thế nào đối với khoảng 400 tay súng người nước ngoài của IS hiện bị SDF giam giữ.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết