06/01/2008 - 09:40

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:

Phải coi chất lượng giáo dục là mục tiêu cao nhất

Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu như trên tại Hội nghị Toàn quốc về chất lượng giáo dục đại học, ngày 5-1-2008, tại TP. Hồ Chí Minh, với sự tham dự của đại diện 17 bộ, ngành Trung ương các trường đại học, học viện trong cả nước.

Hội nghị này cũng là dịp xem xét, đánh giá thực trạng chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, xác lập vị trí GDĐH Việt Nam so với các nước; đồng thời xác định những định hướng, giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng GDĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu thế hội nhập quốc tế của đất nước.

Theo Bộ GD&ĐT, hệ thống GDĐH của nước ta đang trong giai đoạn phát triển và hoàn chỉnh về chất và lượng theo xu thế phát triển chung của GDĐH trên thế giới. Tuy nhiên, hệ thống GDĐH của nước ta hiện vẫn chưa tiếp cận được với trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa theo kịp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chưa thực sự gắn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao của các ngành, địa phương... Có 7 nguyên nhân làm hạn chế chất lượng GDĐH Việt Nam là: Các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng GDĐH chưa cụ thể và không rõ ràng; công tác đánh giá và kiểm định chất lượng vẫn đang ở trong giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn; chưa chú trọng đến nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong các trường đại học; thiếu các nhà khoa học đầu ngành trong các trường đại học; hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học còn hạn chế; các điều kiện đảm bảo chất lượng còn nhiều hạn chế; cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở vật chất và chế độ học phí còn bất cập.

Để nâng cao chất lượng GDĐH giai đoạn 2008 – 2020, Bộ GD&ĐT đã đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm; trước mắt, trong giai đoạn 2008 – 2010 tập trung thực hiện 18 nhiệm vụ cụ thể. Nhiều mục tiêu được đặt ra như đến năm 2020 đạt tỷ lệ 450 sinh viên/1 vạn dân, 30% giảng viên các trường đại học, 15% giảng viên ở trường cao đẳng có trình độ tiến sĩ, có 1 trường đại học trong tốp 200 trường hàng đầu thế giới và một số trường trong tốp 500... Đi kèm theo đó là hàng loạt giải pháp. Tuy nhiên, tại hội nghị nổi lên 2 vấn đề chính được cho là cần chú trọng để nâng chất lượng GDĐH Việt Nam. Thứ nhất là về công tác kiểm định chất lượng GDĐH. Các ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long, PGS Lưu Tấn Hiệp – Hiệu trưởng Cao đẳng Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh), ông Đoàn Hồng Nam – đại diện Viện Quản lý Giáo dục Hoa Kỳ tại Việt Nam đều cho rằng công tác kiểm định chất lượng các trường đại học rất quan trọng và kiểm định chất lượng phải đem lại lợi ích thực tế cho các trường. Vấn đề thứ hai là yêu cầu cấp thiết về nâng chất lượng dạy và học tiếng Anh ở đại học. Nhiều ý kiến cho rằng trình độ tiếng Anh của sinh viên hiện nay quá kém. Tiến sĩ Nguyễn Kim Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng chương trình dạy ngoại ngữ chung hiện nay ở đại học không đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh – ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đề nghị trước mắt cần tăng cường đào tạo tiếng Anh cho các khoa, ngành học trọng điểm.

Đồng tình về những vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Việc sớm công bố tiêu chuẩn trường đại học (nhất là chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo) là công việc bắt buộc của các trường đại học và đến tháng 12-2008 tất cả các trường phải công bố chuẩn đại học này. Phó Thủ tướng nhấn mạnh đánh giá và kiểm định chất lượng đại học là việc làm quan trọng phải thực hiện và gắn với hội nhập thông qua các đánh giá quốc tế. Phó Thủ tướng cũng khẳng định: “Mục tiêu đến năm 2020 sinh viên tốt nghiệp đại học phải sống và làm việc được trong môi trường sử dụng tiếng Anh. Riêng các ngành tài chính – ngân hàng, công nghệ thông tin và du lịch phải sớm hơn, là đến năm 2015”. Để thực hiện được, theo Phó Thủ tướng, chương trình 10 năm nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo và sử dụng tiếng Anh ở Việt Nam sẽ được triển khai tới đây với tinh thần bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 3. Cũng theo Phó Thủ tướng, một số giải pháp nhằm nâng chất GDĐH sẽ được Bộ thực hiện như nâng chất lượng giáo dục phổ thông - đầu vào của đại học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; công bố các chính sách xã hội hóa về giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp, các công ty mở trường đào tạo cho chính mình và cho xã hội; triển khai chương trình đào tạo theo nhu cầu ở các trường thuộc các ngành kinh tế trọng điểm...

HOÀNG LIÊN SƠN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết