23/01/2011 - 10:11

Ông xóa nghèo

Ở ấp 8, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, có một lão nông người dân tộc Khmer chuyên giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của ông mà 18 hộ đồng bào Khmer có hoàn cảnh khó khăn cùng ấp nay đã thoát nghèo. Lão nông ấy tên là Ngô Sol-người dân địa phương còn gọi với tên thân thương là “ông xóa nghèo”…

31 năm về trước, chàng trai trẻ Ngô Sol lập gia đình. Gia cảnh hai bên đều nghèo nên khi ra riêng, vợ chồng ông không có đất sản xuất, cả hai rong rủi khắp nơi trong vùng làm thuê để có cái ăn qua ngày. Thương tình, gia đình bên vợ cho mượn mảnh đất nhỏ để cất chòi ở tạm. Năm 1975, ông được Nhà nước cấp 1,4ha đất. Đất nhiễm phèn nặng, chỉ cấy được một vụ lúa năng suất thấp nên chỉ đủ ăn. Để có tiền tích lũy, ngoài thời gian chăm lo ruộng nhà, ông tranh thủ đào đất, gặt lúa... thuê cho những nông dân khác trong vùng. Nhờ nguồn tích lũy đó trong nhiều năm giúp ông mua thêm đất. Sống gắn bó với ruộng đồng từ tấm bé nên khi có thêm đất sản xuất, ông càng ra sức lao động và mua thêm được nhiều đất hơn. Sau hơn 25 năm lao động cật lực, giờ đây ông đã có trong tay 4,8ha đất nông nghiệp, mua được 2 máy xới đất, 1 máy tuốt lúa và xây dựng căn nhà trị giá trên 100 triệu đồng. Ông tâm sự: “Nhà nước đã làm thay đổi cuộc đời tôi, cho gia đình tôi cơm no, áo ấm, hạnh phúc... Ân tình đó tôi khắc ghi trọn đời”.

Ông Ngô Sol (đứng đầu tiên từ phải qua) chia sẻ kinh nghiệm nuôi ếch với những nông hộ gần nhà.

Ông Nguyễn Đồng Khởi, Quyền Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông, cho biết: “Được sự tiếp sức của Nhà nước cộng với sự cần cù lao động mà từ một hộ nghèo khó, giờ đây chú Sol đã trở thành một trong những người giàu nhất của ấp 8 này. Khi có của ăn của để, chú còn ra sức giúp đỡ nhiều hộ nghèo chung quanh, giúp bà con thoát nghèo”.

Ông Sơn Têl là một trong những hộ được ông Ngô Sol tận tình giúp đỡ, cuộc sống nay đã thay đổi. Do thiếu vốn, lại không nắm vững kỹ thuật canh tác nên có 7 công ruộng nhưng hơn 3 năm về trước, cả gia đình ông Têl phải thường xuyên ăn cháo. Ông Têl tâm sự: “Không có vốn, tới mùa vụ phải vay tiền lãi cao bên ngoài để cải tạo đất, mua phân bón, lúa giống... Đến thu hoạch thì phải lúa non để kịp hạn vốn và lãi cho chủ nợ. Cái vòng lẩn quẩn ấy không sao thoát ra được. Thương tình, năm 2007, anh Sol cho mượn 10 giạ lúa giúp gia đình tôi đủ ăn tới giáp hạt. Anh ấy hàng năm còn cho nợ tiền cày đất, suốt lúa... không tính lãi, tới thu hoạch xong lúa mới trả. Nhờ đó mà gia đình tôi giờ đã có cuộc sống ổn định hơn trước rất nhiều”.

Ông Thạch Xà Ly, người láng giềng với ông Sol, tâm sự: “Không chỉ cho nợ tiền cải tạo đất mà gia đình tôi còn được anh Sol cho mượn tiền, vàng không lấy lãi mỗi khi gia đình có hữu sự đột xuất. Nhờ đó, gia đình tôi không phải vay tiền lãi cao bên ngoài để trả nợ ngày công, hoặc bán lúa non để trả nợ như trước. Anh ấy cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi với tôi nên tôi biết cách để canh tác hiệu quả. Nhờ đó cuộc sống gia đình tôi giờ đã ổn định hơn nhiều”.

Từ năm 2004 đến nay, ông Ngô Sol đã cho bà con nghèo trong xóm mượn 380 giạ lúa; gần 200ha đất được ông cày, xới cho nợ công đến cuối vụ; 26 chỉ vàng để bà con mở rộng, phát triển sản xuất hoặc chi dùng khi gia đình có người thân bị ốm đau, bệnh hoạn... không tính lãi. Bằng cách giúp đỡ ấy, trong tổng số 24 tổ viên là người dân tộc Khmer thuộc Tổ Nông dân ấp 8, đích thân ông Sol đỡ đầu, giúp đỡ 21 hộ, nay đã có 18 hộ thoát nghèo. Ông Sol tâm sự: “Bản thân từng nghèo khổ, được giúp sức mới thoát nghèo, có của ăn của để nên tôi hiểu và rất sợ cái khổ. Vì vậy, tôi bàn với vợ giúp đỡ những hộ nghèo khác vươn lên ổn định cuộc sống, cùng thoát nghèo như mình. Có cái ăn, tệ nạn xã hội, tình hình an ninh trật tự xóm ấp cũng được ổn định, tình nghĩa xóm làng ngày thêm thắt chặt. Việc làm đó coi như tôi góp một phần nhỏ để đền cái ơn, cái nghĩa lớn lao mà Nhà nước đã từng giúp đỡ tôi trước đó”.

Ngoài bà con đồng bào dân tộc ở ấp 8, chú Sol còn cho nợ tiền thuê cải tạo đất hoặc cho mượn vốn làm ăn mà không tính lời, đến vụ mới trả... đối với nhiều hộ nghèo khác và bà con khu vực ấp Vùng Trấp. Nhờ ông mà không ít hộ thiếu vốn sản xuất thoát khỏi tình cảnh “vay tiền nóng” bên ngoài khi tới vụ canh tác. Việc làm của chú không những thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta “lá lành đùm lá rách...” mà còn góp phần rất lớn giúp địa phương đẩy lùi nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong thời gian qua. Bởi vậy, bà con đặt cho chú tên gọi là “ông xóa nghèo”. Hy vọng thời gian tới, sẽ có nhiều hơn nữa những hộ có hành động nêu cao tính đoàn kết, tương thân tương ái như chú Sol đã làm, góp phần cùng với nhà nước đẩy lùi đói nghèo, xây dựng làng quê ngày càng phát triển”- anh Nguyễn Đồng Khởi, cho biết!

Bài, ảnh: HỮU TÙNG

Chia sẻ bài viết