13/01/2012 - 19:35

Giai phẩm Xuân Nhâm Thìn 2012

Ông giám đốc đài năng động và nhạy bén với công nghệ

Với phong thái khỏe khoắn, nhanh nhẹn cùng lối nói dí dỏm và hay cười, ít người đoán được ông giám đốc đài đang trò chuyện với họ có nước da rám nắng ấy lại sắp bước sang tuổi lục tuần – cái tuổi tưởng chừng đã thôi ấp ủ những ước mơ hoài bão, chuẩn bị gác bút nghiên an hưởng thú điền viên. Vậy mà trong ông vẫn sục sôi bao ý tưởng, bao khát khao làm nên những thay đổi cho quê hương, đất nước.

Hòn Me xơ xác thời chiến tranh chống Mỹ giờ là một trong những điểm du lịch về nguồn hấp dẫn của tỉnh Kiên Giang, nơi mỗi năm thu hút gần cả trăm ngàn lượt khách tham quan, ôn lại truyền thống đấu tranh, nung nấu tinh thần yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sự trở mình của Hòn Me có dấu ấn của Nguyễn Thanh Hà – vị thủ trưởng của Đài Phát thanh Truyền hình Kiên Giang dám nghĩ dám làm, mang tác phong của người lính Cụ Hồ vào công việc, quyết không chịu lạc hậu trước công nghệ...

* Không chấp nhận “Kỹ sư ON/OFF”

“Một ông giám đốc đài chẳng hề có bằng kỹ sư mà có thể “chủ xị” cả đề án cải tiến hệ thống đèn chiếu sáng trong khuôn viên Đài PTTH Kiên Giang thành đèn sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng Mặt trời thì quả là đáng nể” – một đồng nghiệp của vị giám đốc Đài sau chuyến tham quan và tận mắt nhìn những dàn đèn sáng rực trong khuôn viên Đài thốt lên.

“Bí quyết ư? Tự học là chính” - ông Giám đốc Đài ôn tồn nói khi có người hỏi ông về những việc ông đã làm cho Đài. Còn mấy anh kỹ thuật viên thì kháo nhau rằng “làm ở đây thì không thể chỉ biết ON/OFF”, tức không thể chỉ biết BẬT/TẮT hệ thống kỹ thuật, mà phải luôn động não, tìm tòi, cập nhật công nghệ thông tin vào sản xuất chương trình phát thanh-truyền hình và sáng chế ra nhiều thiết bị làm lợi cho cơ quan.

Hãy tưởng tượng mỗi hộp đèn LED (công nghệ đi-ốt phát quang) có tổng cộng 90 bóng nhưng công suất tiêu thụ của nó chỉ có 1W, cực kỳ thấp so với một bóng đèn huỳnh quang 1,2 mét (công suất khoảng 40W), thì lợi ích biết chừng nào. “Điện thế thấp như vậy thì không lo bị điện giật đâu nhé!”, ông Giám đốc Đài dí dỏm nói rồi tỉ mỉ giới thiệu những tính năng ưu việt của loại đèn nói trên như ít tốn điện, tuổi thọ cao và thân thiện với môi trường. Ông bảo đó chính là công sức do anh em kỹ thuật của đài nghiên cứu và lắp ráp, nhưng ai cũng hiểu nếu như không có ông thủ trưởng dám nghĩ dám làm và không ưa “kỹ sư ON/OFF” thì chẳng có thành quả ấy.

Còn cái dự án cải tiến hệ thống đèn chiếu sáng trong khuôn viên Đài PTTH Kiên Giang thành đèn sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng Mặt trời thì sao? “Thật ra nó chẳng có gì ghê gớm - ông Giám đốc Đài khiêm tốn nói: - Nguyên lý hoạt động của nó đơn giản là sử dụng một bộ pin ắc-quy để nạp năng lượng từ ánh sáng Mặt trời ban ngày thông qua các tấm pin quang điện để chiếu sáng vào ban đêm”. Thế nhưng ít ai biết cái “đơn giản” ấy đã được ông giám đốc ấp ủ, mày mò nghiên cứu để có được phương án sử dụng năng lượng thay thế tối ưu mà một kỹ sư “không còn ON/OFF” của ông thừa nhận: “Ưu điểm của hệ thống là chỉ cần đầu tư một lần, không tốn tiền dây dẫn và hoàn toàn miễn phí về nguồn năng lượng, trong khi độ bền kéo dài tới 15-20 năm”.

Khi được hỏi tại sao ông quyết tâm thực hiện các ý tưởng tiết kiệm năng lượng, ông Giám đốc Đài chỉ nói: “Chúng ta không nên xài hết phần của con cháu, kẻo chúng sẽ trách móc cha, ông hoang phí”.

* Nặng tình với quê hương

Mẫu đèn LED tiết kiệm điện và bộ đèn chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng Mặt trời do cán bộ kỹ thuật Đài PTTH Kiên Giang thiết kế dùng thay thế hệ thống chiếu sáng tại đơn vị. Ảnh: Thanh Trúc

Có thể nói, Đài PTTH Kiên Giang là một trong những đơn vị đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất chương trình phát thanh và truyền hình. Khi dự án được khởi xướng từ những năm 1990, nhiều người tỏ ra lo lắng do chưa tin vào hiệu quả của nó trong khi chi phí đầu tư quá cao, lên tới hàng tỉ đồng. Nhưng ông Giám đốc Đài bản lĩnh ấy vẫn thể hiện rõ quyết tâm “làm đến cùng”, bởi ông ý thức được rằng “không thể đứng ngoài xu thế ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực phát thanh-truyền hình”.

Năm 1998, Đài PTTH Kiên Giang chính thức phát sóng chương trình được sản xuất bằng công nghệ kỹ thuật số (digital), từng bước tăng số kênh chương trình và nâng cao chất lượng dịch vụ. Hiện tại, tất cả chương trình phát thanh-truyền hình của Đài đều được số hóa. Ngoài ra, kênh truyền hình kỹ thuật số KG1 đã phủ sóng tới 44 tỉnh, thành phố thông qua vệ tinh VINASAT-1 và được tiếp sóng bởi khoảng 30 trung tâm truyền hình cáp các tỉnh, thành trên toàn quốc, góp phần quảng bá hình ảnh Kiên Giang với bạn bè trong và ngoài nước.

Ngày nay, ngoài những Mũi Nai, Thạch Động, Hòn Phụ Tử, Lăng Mạc Cửu..., du khách đến Kiên Giang còn tìm tới Hòn Me lịch sử. Nơi ấy có Khu trưng bày chứng tích chiến tranh, khắc họa quá khứ hào hùng của dân tộc. Khu trưng bày ấy do chính ông Giám đốc Hà đề xuất xây dựng trong khuôn viên Trung tâm Phát sóng truyền hình quốc gia và địa phương Hòn Me (xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất).

“Tôi muốn làm một điều gì đó để tri ân mảnh đất Ba Hòn – nơi từng bảo bọc tôi và đồng đội trong những ngày chiến tranh ác liệt, cũng như tưởng nhớ những người đã chiến đấu và hy sinh vì quê hương, xứ sở”. Ông Giám đốc Đài đã nói như vậy khi hồi tưởng về cái thời ông còn là một chiến sĩ bám trụ nhiều tháng liền tại chiến trường bom đạn khốc liệt Ba Hòn trong kháng chiến chống Mỹ. Ông cho biết, ban đầu công trình cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, nhưng ông vẫn quyết tâm thực hiện vì nghĩ rằng việc mình làm sẽ mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Nghĩ là làm, ông Giám đốc bắt đầu dành nhiều thời gian và công sức để sưu tầm các hiện vật chiến tranh cho khu trưng bày, gồm các khí tài quân sự mà quân đội Mỹ-Ngụy dùng để đánh phá cách mạng như xe tăng, máy bay, trực thăng, pháo 105 mm, vỏ bom, súng cối... và lập bia tưởng niệm các anh hùng đã hy sinh tại mảnh đất Ba Hòn. Năm 2011, tức sau hai năm chính thức đi vào hoạt động, khu trưng bày có thêm một điểm nhấn hết sức đặc biệt và giúp thu hút thêm nhiều khách đến tham quan, đó là biểu tượng cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, được phục dựng sau khi Hải quân Trường Sa gửi tặng một tảng đá san hô và một cây bàng trái vuông – hai sản vật đặc trưng tại vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Cột mốc chủ quyền, đá san hô và cây bàng trái vuông đại diện cho sức sống mãnh liệt của đảo Trường Sa, đồng thời thể hiện ý chí và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển - đảo của quân và dân Việt Nam” - ông Giám đốc Đài không giấu niềm phấn khởi nói. Việc đưa những hiện vật này vào khu trưng bày trên đỉnh Hòn Me không chỉ góp phần khẳng định “Trường Sa là của Việt Nam”, mà còn giúp người dân đồng bằng cảm thấy gần hơn với vùng biển đảo thân thương nhiều sóng gió, khơi gợi trong họ lòng yêu nước và tinh thần quyết tâm bảo vệ Tổ quốc.

***

Giờ đây, Khu trưng bày chứng tích chiến tranh Hòn Me đã trở thành niềm tự hào không chỉ của riêng ông Giám đốc Đài nặng tình quê hương ấy, mà còn của cả tập thể Đài PTTH Kiên Giang, những người đã chung tay biến đỉnh núi hoang sơ thành một địa điểm du lịch về nguồn lý tưởng. “Kiên định – chủ động – nhạy bén – sáng tạo – đoàn kết – chiến thắng” - ông Giám đốc, sau hai mươi mấy năm gắn bó với Đài, vẫn giữ trong mình phẩm chất đáng quý của người lính Cụ Hồ.

THANH TRÚC

Chia sẻ bài viết