01/09/2009 - 20:31

Ông cựu Bí thư xã với công tác xã hội hóa giao thông nông thôn

Ông Phạm Văn Nhiều.

Nhiều người nói ông nhà cửa, con cái ổn định nhưng không chịu nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già mà lại thích lo chuyện bao đồng. Chuyện bao đồng mà ông thích làm chính là công tác xây dựng giao thông nông thôn ở địa phương. Đó là ông Phạm Văn Nhiều, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Trong thời gian thi công công trình cầu Đình ở ấp Vĩnh Long, xã Vĩnh Trinh, ngày nào cũng vậy, ông Nhiều là người có mặt sớm nhất ở công trình, cũng là người ra về muộn nhất. Nhiều người vui tính gọi ông Nhiều là nhà thầu thi công công trình. Có lẽ vì hơn một tháng trời dãi nắng, dầm mưa để lo xây dựng công trình nên đã làm cho gương mặt ông Nhiều già hơn với cái tuổi 62 của mình.

Hôm chúng tôi đến công trình cầu Đình, cũng là lúc những mẻ bê- tông cuối cũng đã được đổ xong. “Chỉ cần chờ thêm vài ngày nữa để bê-tông khô thì thông xe, đưa cầu vào sử dụng, chấm dứt cảnh muốn qua sông phải lụy đò như trước”, một lão nông ở đây vui mừng nói.

Ông Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, cho biết: “Theo tính toán, cầu Đình mới có kinh phí trên 400 triệu đồng, đây là khoản tiền không nhỏ đối với kinh phí của địa phương. Nhưng ông Nhiều và các cộng sự của mình đã vận động người dân đóng góp hơn 3/4 trên tổng kinh phí của công trình. Đây là một nỗ lực đáng được ghi nhận”.

Trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Trinh có nhiều nỗ lực trong công tác xây dựng giao thông nông thôn, song vẫn chưa thể thay thế hết những cây cầu bê -tông cũ kỹ, cầu khỉ. Cầu Đình cũ được xây dựng cách đây vài chục năm, qua ngần ấy thời gian sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn sử dụng được nữa. Đây là một trong những cây cầu huyết mạch của xã, nối liền nhiều ấp với nhau và có hai trường tiểu học ở hai bên bờ sông. Nhiều năm liền, chính quyền địa phương có kế hoạch xây dựng cầu Đình mới, tuy nhiên do kinh phí còn hạn hẹp nên kế hoạch bị hoãn lại nhiều năm liền. Nỗi lo lắng lớn nhất của người dân nơi đây chính là hàng trăm học sinh hằng ngày phải qua sông đi học trên những chuyến đò chông chênh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Cầu Đình - công trình xã hội giao thông nông thôn được Nhà nước và nhân dân đóng góp xây dựng, với sự góp sức tích cực của ông Phạm Văn Nhiều vừa xây dựng xong.

Ông Nhiều đã cùng với một số lão nông tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, giao thông nông thôn trong ấp Vĩnh Long, xã Vĩnh Trinh, đem chuyện bắc cầu Đình mới ra bàn bạc trong những buổi sáng uống cà phê. Cuối cùng ông Nhiều kết luận: “Việc xây dựng cầu, làm đường không thể trông chờ vào Nhà nước mãi mà cần có sự chung tay góp sức của mọi người, trong đó Ban vận động và xây dựng làm nòng cốt”. Thế rồi không lâu sau, Ban vận động và xây dựng ấp Vĩnh Long được thành lập, với 15 thành viên, do ông Lê Ngọc Côn làm Trưởng ban; ông Nhiều làm Phó Trưởng Ban thường trực.

Khi nghe tin ông Nhiều cùng một số người dân có ý định xây dựng cầu Đình mới, nhiều người không khỏi hoài nghi. Ông Thái Ngọc Ẩn, thành viên Ban vận động và xây dựng, nhớ lại: “Khi chúng tôi ra mắt Ban vận động và xây dựng, nhiều người cho rằng chúng tôi làm cho có tiếng, chứ mấy năm trời Nhà nước còn chưa xây dựng được cầu Đình mới, nói gì đến chúng tôi”.

Từng làm Bí thư xã một thời gian dài, ông Nhiều được các thành viên trong Ban vận động và xây dựng rất tin tưởng, giao nhiệm vụ phụ trách công tác vận động tài chính, một việc không hề đơn giản. Việc đầu tiên mà ông Nhiều làm chính là soạn thư ngỏ, gởi đi nhiều nơi; từ những người quen thuộc trong, ngoài thành phố cho đến họ hàng, bạn bè gần xa của các thành viên trong Ban vận động và xây dựng. Để có sự tin tưởng của các mạnh thường quân, ngoài thư ngỏ, ông Nhiều còn kèm theo bảng chiết tính chi phí công trình. Sau một thời gian tích cực vận động, kinh phí các mạnh thường quân đóng góp hơn được 250 triệu đồng. Số tiền này cộng với số tiền huyện hỗ trợ 100 triệu đồng, coi như phần kinh phí tạm ổn. Nhưng nếu thuê nhà thầu thi công thì số tiền trên không đủ.

“Nhân công ở địa phương không thiếu, sao chúng ta không huy động?”. Ông Nhiều phân tích. Một lần nữa ông Nhiều lại tiếp tục vận động người dân góp công tham gia xây dựng cầu Đình. Ngày khởi công xây dựng cầu Đình, chỉ có hơn 20 nhân công chủ yếu là thành viên trong Ban vận động và xây dựng, chính quyền địa phương. Vậy mà tiếng lành đồn xa, nghe tin ông Nhiều vận động được tiền xây dựng cầu Đình mới, người dân đến phụ giúp thi công ngày càng đông. Người có xáng cuốc thì góp công phần đóng giàn giáo, ai biết làm thợ hồ thì trực tiếp thi công, người thì vận chuyển vật liệu xây dựng,... Thấy bà con lao động cực nhọc, chị em phụ nữ trong ấp Vĩnh Long cũng đến dựng bếp nấu cơm cho số lao động ăn.

Ông Phạm Văn Nhiều nhớ lại: “Không khí xây dựng cầu Đình vui như ngày hội, những lúc cao điểm có đến gần 300 người dân tham gia thi công, chưa kể số chị em phụ nữ làm công tác hậu cần”.

Theo kinh nghiệm của ông Nhiều: “Đối với những công trình giao thông thực hiện theo hình thức xã hội hóa điều quan trọng nhất chính là sự công khai về tài chính, dân chủ, minh bạch bằng chứng từ hóa đơn. Các khoản đóng góp của các mạnh thường quân phải được công khai như: chi phí mua xi măng, sắt, cát, đá... Đặc biệt chi phí ăn uống, đi lại là khoản chi phí không được tính trong chi phí xây cầu mà ai chi thì tự xuất tiền túi. Có những mạnh thường quân khi nhận được thư ngỏ, cũng muốn đóng góp kinh phí nhưng vẫn còn hoài nghi. Những trường hợp như thế tôi phải đến tận nhà giải thích, đồng thời đưa họ đến công trình để minh chứng”.

Hơn một tháng thi công, cuối cùng cầu Đình cũng đã hoàn thành. Đây là niềm vui, niềm mơ ước của người dân địa phương lâu nay. Cầu Đình mới rộng 5m, dài hơn 30m.

Cầu Đình xây dựng xong, bê-tông chưa khô thì ông Nhiều và những cộng sự của mình lại tính đến việc xây dựng cầu Bà Lữ (ấp Vĩnh Long). Hiện nay, ở hai bên bờ kinh Bà Lữ, hàng chục trụ bê-tông đã được tập kết để chuẩn bị bắc cầu. Ông Phạm Văn Nhiều cho biết thêm: “Cầu Bà Lữ kinh phí khoảng 100 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 20 triệu đồng, số tiền còn lại chúng tôi tự lo. Không qui mô như cầu Đình nên cầu Bà Lữ dự tính xây dựng trong thời gian ngắn sẽ hoàn thành”. Ngoài cầu Đình, cầu Bà Lữ, nhiều tuyến đường vừa mới được xây dựng ở xã Vĩnh Trinh như đường Trâu đều có sự đóng góp tích cực của ông Nhiều.

Nói về sự nhiệt tình của ông Nhiều trong công tác vận động người dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn ở địa phương, ông Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, cho biết: “Thời gian qua, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực xây dựng giao thông nông thôn ở địa phương đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ đầu năm đến nay, người dân đóng góp kinh phí cùng với Nhà nước xây dựng 3 tuyến đường, 5 cây cầu trị giá hơn 5 tỉ đồng. Mặc dù là cán bộ đã về hưu nhưng ông Nhiều vẫn tích cực tham gia phong trào làm cầu, làm đường ở địa phương, là thành viên năng nổ, xông xáo, người góp sức thúc đẩy phong trào xã hội hóa giao thông nông thôn địa phương ngày càng phát triển mạnh mẽ”.

Bài, ảnh: VÂN LÂM

Chia sẻ bài viết