23/12/2019 - 13:48

OCOP - Thúc đẩy phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm địa phương 

OCOP (viết tắt theo tiếng Anh là One commune one product) - có nghĩa mỗi xã (phường) một sản phẩm. Chương trình với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Cùng với các địa phương, TP Cần Thơ xây dựng Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030.


Mỗi xã một sản phẩm có thể hiểu theo nghĩa, sản phẩm đó là thế mạnh, tiềm năng, lợi thế đặc biệt của địa phương. Theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018–2020, được thực hiện trên phạm vi cả nước. Theo đó, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển  khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ này có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng theo Bộ tiêu chí do Thủ tướng ban hành (Quyết định số 1048/QĐ-TTg) được phân thành 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, là sản phẩm cấp quốc gia, có thể xuất khẩu (bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế). Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Chương trình sẽ xây dựng hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP đồng bộ từ Trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã); ban hành Bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm; ban hành và áp dụng chính sách đồng bộ để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trên phạm vi cả nước. Tới năm 2020, Chương trình sẽ thực hiện tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm; củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; triển khai thực hiện từ 8 đến 10 mô hình làng văn hóa du lịch; củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP; phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 45.000 tỉ đồng, chủ yếu là nguồn xã hội hóa, ngân sách chỉ hỗ trợ một phần.

Để góp phần phát triển kinh tế nông thôn, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, UBND thành phố phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Qua đó, thành phố sẽ tập trung phát triển các sản phẩm OCOP thuộc 6 nhóm ngành hàng: Thực phẩm (nông sản tươi sống và nông sản chế biến), đồ uống (đồ uống có cồn, đồ uống không cồn), thảo dược (các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu), vải và may mặc (các sản phẩm làm từ bông, sợi), lưu niệm - nội thất - trang trí (các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may... làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng) và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng (dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu...).. Định hướng đến năm 2020 xây dựng phát triển 20 sản phẩm OCOP, năm 2030 phát triển thêm 20 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm của Đề án là 40 sản phẩm với tổng kinh phí thực hiện Đề án (từ năm 2018-2030) dự kiến khoảng 1.400 tỉ đồng.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (thứ 2 từ phải qua) cùng Sở Công thương TP Cần Thơ đi khảo sát điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Cần Thơ.

Ngoài ra, UBND TP Cần Thơ cũng ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực và Danh mục sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm (Quyết định số 1629/QĐ-UBND ngày 8-7-2019). Trong đó, có 8 ngành hàng sản phẩm trồng trọt, 2 ngành hàng sản phẩm chăn nuôi và hơn 9 ngành hàng sản phẩm thủy sản được phê duyệt. Đồng thời, trình Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn TP Cần Thơ.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho rằng, TP Cần Thơ có thế mạnh kể cả tiêu thụ và sản xuất hàng hóa, đây là một trong những tiêu chí của Chương trình OCOP đó là đặc điểm tại các khu đông dân cư, gần trung tâm mua sắm và đông khách du lịch. Đồng thời, Cần Thơ còn đóng vai trò kết nối, trung tâm vùng ĐBSCL, từ đây các sản phẩm giữa các địa phương trong vùng và cả nước sẽ dễ dàng kết nối, trao đổi với nhau. Tuy nhiên, để Chương trình OCOP thành công, địa phương cần thực hiện tốt điều tra tâm lý của người tiêu dùng, đặc biệt là khách du lịch, để từ đó việc chọn, tìm sản phẩm sẽ có hiệu quả cao hơn.

 Bài, ảnh: Nam Hương 

Chia sẻ bài viết