11/02/2014 - 20:34

Kiên Giang

Ô nhiễm môi trường kéo dài, gây bức xúc trong dân

Nhiều người dân ở các ấp An Phước, An Ninh, Minh Phong, An Bình, xã Bình An, huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) rất bức xúc trước tình trạng các nhà máy sản xuất bột cá, chế biến hải sản tại đây gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù thời gian qua các cơ quan chức năng đã kiểm tra nhưng ô nhiễm vẫn diễn ra và ngày càng trầm trọng hơn.

* Sống chung với mùi hôi thúi, khói bụi…

Cả ngàn hộ dân hàng ngày phải sống chung với mùi hôi thúi khó chịu từ những làng khói đen ngòm cứ theo các ống khói nhà máy nhả ra trong không khí. Tình trạng này đã làm xáo trộn cuộc sống của người dân nơi đây. Bà Giang Vĩnh Huy, ngụ ấp An Ninh, bức xúc: "Khói từ các nhà máy bột cá bay ra, rồi mùi cá bốc ra hôi không thể chịu đựng được. Trẻ con, người lớn đều bị bệnh về đường hô hấp. Nhiều nhà ở đây phải đóng cửa suốt năm".

Ông Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng ấp An Ninh cho biết, tình trạng ô nhiễm này đã kéo dài nhiều năm; nhiều lần bà con đã kiến nghị về trên để có hướng xử lý nhưng xem ra vẫn đâu vào đó.

Một con rạch ở ấp An Phước, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, dòng nước đen ngòm do hứng nước thải từ nhà máy chế biến hải sản.

Người dân đang lo ngại tình trạng ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển bình thường của những đứa trẻ sinh sống tại đây. Những đứa trẻ đã phải dùng vải để bịt mũi nhưng mùi hôi vẫn không giảm bớt. Và cứ thế, trẻ em vẫn tiếp tục trưởng thành trong điều kiện mùi hôi và ô nhiễm môi trường của các nhà máy đóng ở khu vực Cảng cá Tắc Cậu và xã Bình An này.

Tình trạng ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của người dân. Những ruộng lúa, luống rau, cây dừa, cây cau, cây khóm…là thu nhập chính của người dân nơi đây, nhưng hàng ngày chúng phải hứng chịu khói, tro, bụi của các nhà máy thải ra nên năng suất giảm. Bên cạnh đó, nguồn nước cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước đây, ngoài trồng trọt, người dân ở khu vực này còn hình thành các mô hình tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt, nhưng do nguồn nước bị ô nhiễm, cá không thể sinh sống được nên những tổ hợp tác này phải giải tán.

Tận mắt chứng kiến, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn những dòng nước đen ngòm chảy ra sông. Người dân không còn biết kêu ai, mỗi khi trời mưa hay nắng nóng thì y như rằng ruồi, muỗi sinh sôi rồi bay vào nhà bu vào tận mâm cơm đen nghịt. Không khí cứ bốc mùi thum thủm như mùi xúc vật chết trôi sông. Ông Danh Quẹo than: "Tôi không còn nhớ biết bao lần phải bưng cơm đi nơi khác ăn vì không thể chịu nổi mùi hôi thối của nước thải từ nhà máy này thải ra. Nguy hại nhất là vào đầu mùa mưa, ruồi muỗi không sao tả xiết, mùi hôi thối thì cứ nồng nặc suốt đêm ngày, đến cả con cá dưới con rạch này còn không sống nổi. Bà con ở đây cầu cứu biết bao lần, các cấp có thẩm quyền cũng có xuống kiểm tra, phạt, khi cán bộ về thì đâu cũng vào đó. Người dân cứ như vậy, ngày này qua ngày nọ phải lãnh đủ!".

Đến ấp Minh Phong, hàng trăm người dân ở khu vực có nhà máy chế biến thủy sản đóng trên địa bàn rất bức xúc bởi nước thải từ nhà máy này đã làm bít dòng chảy của con kênh thủy lợi dùng để bơm nước tưới ruộng hơn một năm qua. Ông Danh Sụa, đang bưng thúng bón phân cho lúa, nói như mếu: "Cả năm trời nay, hàng trăm hộ dân sinh sống gần nhà máy chế biến thủy sản này phải "ăn chung, ngủ chung" với mùi hôi thối từ chất thải của nhà máy thải ra". Nhìn đoạn kinh thủy lợi đã bị bồi lấp hoàn toàn, những mảng nước thải trương sình lên đặc quánh, đen ngòm, bốc mùi hôi thối đến chóng mặt, chúng tôi thật hết sức lo ngại cho sức khỏe của người dân nơi đây.

Còn ở khu Cảng cá Tắc Cậu, bà con sống ở đây cũng đang bức xúc trước tình trạng ngập úng gây ô nhiễm môi trường trong cảng và phía sau Cảng. Ông Nguyễn Văn Anh, nhà nằm phía sau khu Cảng cá Tắc Cậu cho biết nhiều năm nay hệ thống thoát nước không được xử lý tốt, nên khi mưa xuống là nước ngập lênh láng. Các chủ ghe tàu, nhà xe tải… khi lên cá, chở cá cũng xả nước thải tràn lan ra đường rồi theo con nước chảy xuống dòng sông, ao đìa. Chị Lương Hồng Thắm, người dân sống ven quốc lộ 63 dẫn vào khu Cảng cá Tắc Cậu, bức xúc: "Trước đây khi chưa có khu Cảng cá thì cuộc sống của người dân chúng tôi còn dễ chịu. Mấy năm nay, cảng cá hoạt động dữ quá, mùi tanh hôi bốc lên, chịu không nổi".

* Bao giờ xử lý?

Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải mạnh tay với các nhà máy chế biến thủy sản, xí nghiệp bột cá và kể cả khu Cảng cá Tắc Cậu, những nơi gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của bà con nơi đây.

Theo ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang, thời gian gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập trung tăng cường công tác thanh tra xử lý đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Bình An, huyện Châu Thành. Từ năm 2012 đến nay, Sở đã tổ chức triển khai 5 đợt thanh, kiểm tra 39 đơn vị sản xuất kinh doanh. Qua đó, đã tham mưu UBND tỉnh xử lý 13 trường hợp và ban hành kết luận cho thời gian khắc phục 26 trường hợp. Đến nay có 39/39 đơn vị đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án môi trường chi tiết, cam kết bảo vệ môi trường theo quy định; 34/39 đơn vị đã tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn. Tuy nhiên, đến nay còn một số nhà máy, xí nghiệp vẫn chưa khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường. Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phúc tra sau khi đã ban hành kết luận thanh tra đối với các đơn vị chế biến hải sản trên địa bàn xã Bình An.

Sự phát triển của các doanh nghiệp góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.

Bài, ảnh: LÊ SEN

 

Chia sẻ bài viết