02/10/2011 - 21:34

Nữ kỹ sư đam mê sáng tạo

 

Từ năm 2007, TP Cần Thơ đã ứng dụng hệ thống thông tin địa lý vào quản lý cơ sở dữ liệu bảo vệ thực vật, dự tính, dự báo khả năng phát triển và gây hại của một số loài sâu bệnh chính trên lúa, đã đem lại nhiều tiện ích, tiết kiệm cho nhà nông hàng tỉ đồng mỗi năm. Chủ nhân của đề tài này là kỹ sư Phạm Thị Minh Hiếu, sinh năm 1977, Phó phòng Quản lý trồng trọt Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ.

Hơn 40 năm canh tác lúa, lão nông Tám Cần ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đánh giá cao thông tin dự báo dịch bệnh trên Đài Phát thanh – Truyền hình TP Cần Thơ. Theo ông Tám Cần, thông tin dự báo không chỉ sát với tình hình dịch hại ở địa phương mà qua đó giúp nông dân chủ động hơn trong việc phòng ngừa, xử lý kịp thời dịch hại. Ông Tám Cần cho biết: “Trước đây, nông dân tụi tôi mù tịt về thông tin dịch hại trên lúa nên việc phòng trừ chưa được kịp thời, hiệu quả không cao. Giờ đây, mỗi tuần đều có thông tin dịch bệnh trên truyền hình, đặc biệt còn cung cấp chi tiết cho nhà nông mật độ sâu, rầy ở các trà lúa, từ đó tôi tăng cường việc thăm đồng, theo dõi dịch bệnh, phòng ngừa kịp thời, khả năng lúa bị thiệt hại do sâu bệnh rất thấp”.

Bản thông tin về dịch hại trên lúa chỉ hơn 5 phút phát sóng và chưa đầy 1 trang giấy A4 trên website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ. Thế nhưng để có được thông tin với tỷ lệ chính xác trên 90% không phải địa phương nào cũng làm được. Đây là một quá trình điều tra, phân tích, đánh giá số liệu rất phức tạp mà hầu như sự tính toán phải nhờ đến khoa học hiện đại. Đó là hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System, gọi tắt GIS). Nhiều năm phụ trách lĩnh vực bảo vệ thực vật, trồng trọt của Chi Cục bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, kỹ sư Minh Hiếu luôn trăn trở làm sao giúp nông dân có thông tin khá chính xác về tình hình dịch bệnh, vòng quay của đất trong sản xuất lúa, hạn chế thiệt hại mùa màng. Từ đó kỹ sư Minh Hiếu manh nha đề tài khoa học ứng dụng GIS trong quản lý cơ sở dữ liệu bảo vệ thực vật và dự tính, dự báo khả năng phát triển và gây hại của một số loài sâu bệnh chính trên lúa ở tỉnh Cần Thơ. “Sản xuất lúa nông dân thường phải đối mặt với nhiều rủi ro, đôi khi phải trắng tay do sâu, bệnh phá hại. Vốn xuất thân từ gia đình nông dân, bản thân tôi luôn cảm thông và muốn chia sẻ với nông dân việc gì đó có ý nghĩa”- kỹ sư Minh Hiếu bộc bạch.

Ý tưởng thực hiện đề tài ứng dụng GIS trong quản lý cơ sở dữ liệu bảo vệ thực vật và dự tính, dự báo khả năng phát triển và gây hại của một số loài sâu bệnh chính trên lúa ở tỉnh Cần Thơ (cũ) không làm đồng nghiệp bất ngờ, vì kỹ sư Minh Hiếu vốn là người đam mê nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, do đề tài quá phức tạp với số lượng công việc rất lớn đã thách thức nghị lực của cô kỹ sư trẻ Minh Hiếu. Để hoàn thành đề tài, kỹ sư Minh Hiếu phải thực hiện gần chục công đoạn từ lựa chọn vùng khảo sát, tập huấn cho cộng tác viên, đến thu thập số liệu,... Trong khi đó, những vị trí khảo sát toàn nằm ở vùng sâu, vùng xa, ruộng đồng, việc đi lại vô cùng khó khăn. Có những vị trí kỹ sư Minh Hiếu phải lội bộ cả tiếng đồng hồ mới tới nơi. Do công việc đi thu thập số liệu chiếm phần lớn thời gian nên việc xử lý số liệu, kỹ sư Minh Hiếu phải thực hiện vào ban đêm. Cứ mỗi tuần, kỹ sư Minh Hiếu phải đi nhận 480 phiếu điều tra, sau đó tổng hợp, xử lý số liệu,... “Dù nắng hay mưa thì công việc cũng phải tiến hành, lỡ bỏ sót ngày nào coi nhưng công sức trước đó đổ sông đổ biển. Cũng nhờ có các bác, các chú nông dân nơi mình khảo sát ủng hộ nhiệt tình nên công việc mới suôn sẻ, thuận lợi”- kỹ sư Minh Hiếu nhớ lại. Nhiều khi thấy công việc chị đang làm quá cực nhọc, không ít đồng nghiệp khuyên chị bỏ cuộc. Nhưng với niềm đam mê, tính kiên trì đã giúp chị vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc đề tài. “Sự động viên chia sẻ từ người thân, đồng nghiệp, đã tiếp thêm nghị lực, giúp tôi vượt qua khó khăn, hoàn thành đề tài”.

Trong suốt thời gian thực hiện đề tài, kỹ sư Minh Hiếu luôn nhận được sự cảm thông, giúp đỡ của chồng là anh Phạm Phát Minh. Chú Hai Tâm, ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, một cộng tác viên của đề tài, kể: “Cứ cuối tuần là cậu Minh đi xuống thăm vợ, chở theo nào là mì gói, cà phê, bánh,... Khi mặt trời khuất ngọn tre sau vườn, là lúc tôi với cậu Minh lai rai nói chuyện đời, còn cô Minh Hiếu thì vẫn miệt mài làm việc. Thấy vợ cực khổ, cậu Minh mượn lò nấu mì, pha cà phê bồi bổ cho vợ mình. Nhìn cách cậu Minh chăm lo cho vợ, tôi chợt nhớ lại thời còn trẻ của vợ chồng tôi. Làm gì cũng vậy, vợ chồng đồng lòng, chia sẻ, giúp đỡ nhau thì công việc mới thành công”.

Sau 1 năm lăn lộn với đồng ruộng, cuối cùng đề tài đã thành công ngoài mong đợi. Năm 2007, đề tài này của kỹ sư Minh Hiếu đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật thành phố Cần Thơ. Theo một số cán bộ trong ngành bảo vệ thực vật thành phố, trước đây công tác thu thập, lưu trữ, quản lý cơ sở dữ liệu về bảo vệ thực vật còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do việc xử lý, lưu trữ theo hình thức giấy tờ truyền thống, không tạo ra kết quả như ý muốn, do số liệu tích lũy theo thời gian và có sự thay đổi cán bộ thực hiện, vì thế hệ thống lưu trữ này không được duy trì bảo quản đầy đủ; có hệ thống, công tác truy xuất dữ liệu khi cần rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Do đó, đề tài của kỹ sư Minh Hiếu đã khắc phục những hạn chế trên, trở thành công cụ quản lý hiệu quả, dễ dàng cập nhật và truy xuất số liệu, đồng thời có thể dự báo tình hình sâu bệnh, từ đó đưa ra khuyến cáo kịp thời cho nông dân.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho biết: “Đề tài khoa học của kỹ sư Minh Hiếu đánh dấu bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, dự báo sâu bệnh của ngành bảo vệ thực vật thành phố, giúp nông dân tiết kiệm trung bình khoảng 1,2 triệu đồng/ha. Theo tính toán sơ bộ, từ khi đề tài được ứng dụng cho đến nay đã giúp nông dân tiết kiệm trên 180 tỉ đồng. Điều đặc biệt của đề tài này là tính thiết thực và được nhiều quận, huyện ứng dụng cho tới nay”.

Bài, ảnh: VÂN LÂM

Chia sẻ bài viết