Trong lịch sử báo chí quốc ngữ, tờ Nữ giới chung là tờ báo đầu tiên chuyên dành cho phụ nữ và chủ bút của tờ báo này cũng là nữ chủ bút đầu tiên ở nước ta. Người có vinh dự đó không ai khác chính là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái của cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu.
Bìa quyển “Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh” của tác giả Nguyễn Phương Thảo. Ảnh: DUY KHÔI
“Đem chuông lên đánh Sài Gòn…”
Bà Sương Nguyệt Anh (1864-1921) không chỉ được biết đến là nữ chủ bút (có thể hiểu là Tổng Biên tập một tờ báo) tờ Nữ giới chung mà còn là một nhà thơ, một người phụ nữ khí phách, cá tính, được người đương thời rất trọng vọng. Người ta vẫn gọi bà là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh.
Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Ngọc Khuê (cũng có tài liệu ghi là Nguyễn Xuân Khuê hoặc Nguyễn Thị Khuê), tục danh là Hạnh. Bà là con thứ tư của cụ Đồ Chiểu, theo cách gọi trong Nam, bà con gọi là cô Năm. Năm 1888, bà lấy chồng và cùng trong năm đó, cụ Đồ Chiểu qua đời. Sau khi bà sinh được người con gái không lâu thì chồng cũng mãn phần, mẹ con cô Năm gói ghém về quê nhà Ba Tri sinh sống. Bà chuyên tâm lo cho con nhưng cũng không quên đọc sách, làm thơ và ưu tư chuyện thế sự. Khi con gái lớn lên, bà gả cho ông Mai Văn Ngọc, một người yêu nước chống Pháp nhưng rủi thay con gái bà sớm qua đời. Thấy con rể cảnh gà trống nuôi con, nữ sĩ đã nhận nuôi cháu ngoại là Mai Huỳnh Hoa. Bà Hoa sau này là vợ của văn nhân Phan Văn Hùm.
Trở lại với tờ Nữ giới chung và cơ duyên làm chủ bút của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Khoảng năm 1917, ông Lê Đức, người tham gia phong trào Duy Tân ở miền Bắc đầu thế kỷ XX, qua lời giới thiệu của ông Mai Văn Ngọc, đã tìm gặp nữ sĩ Sương Nguyệt Anh để mời làm chủ bút một tờ báo chuyên dành cho phụ nữ. Thoạt đầu, bà Sương Nguyệt Anh từ chối vì lẽ khiêm tốn, lại nghe ông chủ báo là một người Pháp, tên Henri Blaquierè. Nhưng nghe ông Lê Đức giải thích rằng, ông Blaquierè là chủ của tờ Le Courrier Saigonnais (Tin tức Sài Gòn) và tình thế đương thời buộc phải thông qua người Pháp mới được cấp phép ra tờ báo. Vậy là bà nhận lời làm chủ bút. Ngày 1-2-1918, tờ Nữ giới chung số đầu tiên ra đời, làm nức lòng không chỉ giới phụ nữ mà cánh đàn ông cũng rất thích đón đọc báo.
Ngoài chủ bút là bà Sương Nguyệt Anh, tổng lý tờ báo là ông Nguyễn Văn Chim. Những người sáng lập tờ báo này luôn hướng đến chuyện “thuần túy” phụ nữ, nghĩa là bàn chuyện nữ công gia chánh, công dung ngôn hạnh. Nhưng bà Sương Nguyệt Anh thì không nghĩ vậy, bà muốn như tên gọi tờ báo Nữ giới chung - tiếng chuông của giới nữ, phải tạo tiếng nói, vai trò của phụ nữ trong xã hội đương thời. Tư tưởng này rất tiến bộ và “lạ lẫm” thời đó. Vậy nên, từ những số báo đầu còn tuân thủ tôn chỉ tờ báo là: “Nâng cao lý luận đạo đức; Dạy chị em độc giả của mình biết cách sống hằng ngày; Cổ võ cho thương mại, tiểu công nghệ; Tạo sự nghiệp tiếp xúc giữa con người”, ngày càng mở rộng vấn đề “nữ quyền”.
Bìa 1 số báo Nữ giới chung. Ảnh: baotanglichsu.vn
|
“…Để cho nữ giới biết con ông Đồ”
Nói thêm một chút về sự ra đời và tồn tại của tờ Nữ giới chung. Chúng tôi tìm được một bài báo rất hay trong tờ Phụ nữ Tân văn, số 219 ra ngày 5-10-1933 của ông Nguyễn Đức Nhuận, chủ nhiệm tờ báo này. Bài viết luận về vai trò và thế lực của đàn bà trong xã hội đương thời. Trong đó, ông có nhắc một đoạn về tờ Nữ giới chung: “Thuở xưa kia- nghĩa là độ 15 năm, ở Saigon đây có một tập báo đặt tên là “Nữ giới chung” làm cho trong Nam ngoài Bắc tán thành vào câu chuyện đàn bà thì ít mà sững sốt thì nhiều. Ở về thời đại còn gần mà đã rất xa ấy, người dân không muốn nghe nói chuyện nử quyền hay là phụ-nử chữ-nghĩa” (trích nguyên văn). Tư liệu này cho thấy sự “gan dạ” của nữ chủ bút Sương Nguyệt Anh.
Mấy số đầu của tờ Nữ giới chung được ủng hộ nhưng dần bị sự phản đối của cánh đàn ông và cả những phụ nữ quen nếp gia phong. Ai đời phụ nữ lại tham chánh, đòi vị trí xã hội, bàn chuyện vận nước, thế gia. Có giai thoại kể rằng, một ngày kia, có người đàn ông hầm hố tìm chủ bút Sương Nguyệt Anh. Sau hồi gặng hỏi, biết bà là ái nữ cụ Đồ Chiểu, ông ta lại càng tức giận hơn gấp bội. Ông gằn giọng rằng, cụ Đồ Chiểu lúc sinh thời nêu cao đạo lý “Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình” mà sao bà lại không giữ mình vì điều đó. Đó là ông Huyện Phú, làm ở Sở Công Chánh Sài Gòn, vợ ông là Madam Liễu, một cộng tác viên của báo. Từ ngày có Nữ giới chung, Madam Liễu hay làm thơ bày tỏ tấc lòng với vận nước, rồi thể hiện vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Ông Huyện Phú không vừa lòng vợ vì làm chuyện “coi chẳng đặng” này. Lại nhắc về Madam Liễu, bà có thơ đăng trong mục văn uyển của Nữ giới chung, thơ bà có cá tính. Như mấy câu trong bài đăng trong số báo thứ 5 của tờ báo, bà cầu các vị nữ Tướng dân tộc ta phù hộ cho cuộc văn minh của phụ nữ nước nhà:
“Bà Trưng bà Triệu linh hay chẳng
Giúp bút văn minh tới vì dân”
Lần khác, bà Sương Nguyệt Anh lại nhận được bức thơ của Tri Huyện Nguyễn Mạnh Phú. Huyện Phú lại kêu gọi bà “từ bỏ ý định ngông cuồng đòi nam nữ bình quyền, bỏ ý định hô hào giải thoát phụ nữ”. Ông này còn gắt gao nói rằng, người ta dù phận đàn bà khố rách áo ôm, chữ nghĩa không đầy lá me còn biết giữ đạo làm vợ, nữa là người trí thức như bà. Nặng lời hơn, ông cho hành động của bà là phản lại nhân cách của người cha đáng kính là cụ Đồ Chiểu và đặt vấn đề phải chăng bà góa bụa từ sớm nên không biết đạo làm vợ, làm mẹ là thể nào. “Nếu tờ báo còn, bà cũng nên từ bỏ ý tưởng đó. Nhược bằng, nếu bà cố giữ, chỉ tội cho người cha, người chồng của bà. Bà đã làm ô nhục thanh danh của họ”. Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh còn nhận nhiều lá thư khác với nội dung tương tự, thậm chí đe dọa!
Nữ giới chung chỉ tồn tại trong khoảng nửa năm nhưng áp lực với bà Sương Nguyệt Anh là rất lớn. Do ông chủ tờ báo là người Pháp nên thỉnh thoảng lại muốn đăng những bài ca ngợi Pháp. Lần nọ, ông Huấn Quyền, một bạn đọc, rầy: “Sao báo lại ca ngợi thằng cha toàn quyền người Lang-sa trắng trợn đến như vậy, thưa nữ sĩ?”. Ông đâu biết rằng, đó là áp lực của ông Henri Blaquierè. Một giai thoại khác là khi ông Blaquierè muốn báo đăng chuyện Pháp quốc muốn tuyển mộ binh lính người Việt sang Pháp để đánh nhau với Đức. Mấy hôm sau, báo có đăng bài thơ của ông Lê Trung Thu cổ súy cho việc tuyển mộ này. Nữ sĩ dằn mạnh tờ báo xuống mặt bàn, mặt bừng bừng tức giận. Bà nghĩ đến cảnh thống khổ, nỗi đau của những người vợ xa chồng, người chồng biệt xứ nhớ vợ thương con. Bà phẫn nộ với những câu thơ nhẫn tâm đó.
Còn nhiều giai thoại kể về những khó khăn, ngăn trở khi nữ sĩ Sương Nguyệt Anh làm chủ bút tờ Nữ giới chung. Tờ Nữ giới chung ra đời chưa đầy 6 tháng thì đình bản. Thời gian làm chủ bút của bà Sương Nguyệt Anh cũng chỉ có chừng đó nhưng kịp để lại những dấu ấn đặc biệt. Thôi làm báo, bà không buồn, bà buồn vì: “Không còn tờ báo nào chú trọng đến việc thức tỉnh nữ giới, dành cho nữ giới như tờ báo Nữ giới chung. Bà ngao ngán vì không còn nơi để vận động chị em phải thạo tình trong thế ngoài, phải để ý đến vận nước” (“Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh”, Nguyễn Phương Thảo, NXB Phụ nữ, trang 151).
Phần mộ nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (bìa trái), bên phải là mộ cụ Đồ Chiểu.
* * *
Sự kiện nữ sĩ Sương Nguyệt Anh làm nữ chủ bút được dân gian truyền tụng qua hai câu ca dao:
“Đem chuông lên đánh Sài Gòn
Để cho nữ giới biết con ông Đồ”
Ngoài làm báo, ái nữ của cụ Đồ còn nối nghiệp cha làm thơ, viết văn. Tài ứng tác thơ văn của bà sắc sảo, đanh thép nhưng cũng rất tình cảm, được nhiều tài liệu ghi chép. Sau khi rời tòa soạn Nữ giới chung, bà về quê sống với em trai thứ bảy là Nguyễn Đình Chiêm, một thầy thuốc, để trị bệnh mắt. Ngặt bệnh tình ngày càng nặng thêm, 3 năm sau - năm 1921, nữ sĩ đã về đoàn tụ với cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu, thọ 57 tuổi. Bà an nghỉ ở làng Mỹ Chánh, đến năm 1958 thì được cải táng về làng An Đức, huyện Ba Tri, cạnh phần mộ song thân của bà, nay là Khu di tích quốc gia đặc biệt Mộ và khu lưu niệm nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.
Duy Khôi
Tài liệu tham khảo:
- “Địa chí Văn hóa TP Hồ Chí Minh”, Trần Văn Giàu - Trần Bạch Đằng - Nguyễn Công Bình, NXB TP Hồ Chí Minh, 1988;
- “Những danh sĩ miền Nam”, Hồ Sĩ Hiệp - Hồ Hoài Anh, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1990;
- “Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh”, Nguyễn Phương Thảo, NXB Phụ nữ,1990.