Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tới mọi mặt đời sống xã hội, sản xuất xanh, tiêu dùng nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vẫn là xu hướng chủ đạo toàn cầu. Ở TP Cần Thơ, nhiều mô hình, cách làm hay liên kết sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản theo hướng “xanh, sạch, hiện đại” được nông dân thực hiện, giúp ổn định đầu ra sản phẩm, từ đó vững tin vượt qua khó khăn trước đại dịch...
Sản xuất rau an toàn tại HTX rau an toàn Hòa Phát, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Bắt nhịp thị trường
Trên cánh đồng bạt ngàn xanh mướt, thoảng hương thơm lúa non buổi sớm mai, bà con xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ đang sử dụng máy phun hạt để bón phân cho lúa. Cùng tôi dạo bước trên bờ ruộng, ông Võ Văn Rô, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp An Phú ở xã Thạnh Phú, khoe: “Ðây là cánh đồng lớn được HTX trồng lúa an toàn theo đơn hàng của doanh nghiệp, với tổng diện tích hơn 300ha và có hơn 140 hộ dân tham gia. Vụ đông xuân 2021-2022, chúng tôi sạ giống Ðài Thơm 8. Lúa sạ 40 ngày rồi nhưng chưa phun thuốc sâu lần nào, lúa phát triển tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu”. Theo ông Rô, năm 2021, dịch COVID-19 đã gây khó khăn cho nông dân vùng ÐBSCL trong tiêu thụ các loại nông sản. Nhưng nông dân HTX vẫn có đầu ra “ngon lành” nhờ liên kết, sản xuất lúa an toàn, đạt chất lượng cao theo yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu và được bao tiêu với giá từ bằng đến cao hơn thị trường. Lợi nhuận được nâng cao từ 15-30% so với trước.
Hướng tầm mắt về vùng trồng rau màu rộng lớn được lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động và tạo các bờ liếp, lối đi thẳng tắp, ông Nguyễn Sơn Hà, Giám đốc HTX Rau an toàn Long Tuyền ở quận Bình Thủy, nói: “Bố trí vườn rau khoa học và tự động hóa khâu tưới nước, chúng tôi tiết kiệm thời gian, nhân công và công sức chăm sóc, thu hoạch rau. Ở đây, không chỉ trồng rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP mà còn trồng đa dạng nhiều loại rau màu theo nhu cầu thị trường và đơn đặt hàng của 5 đơn vị, doanh nghiệp mà chúng tôi đã ký hợp đồng nên đầu ra thuận lợi. HTX có 50 thành viên, canh tác khoảng 30ha và có thể sản xuất trên 30 chủng loại rau màu. Chúng tôi cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối các website, sàn thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thêm khách hàng”.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 và hội nhập quốc tế, các mô hình liên kết sản xuất trái cây theo hướng chất lượng, an toàn cũng đã khẳng định hiệu quả và khả năng thích ứng cao. Theo ông Lê Văn Suốt, Giám đốc HTX Thái Thanh ở xã Thới Hưng, nhờ liên kết trồng trái cây sạch, có mã số vùng trồng, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng đồng đều nên nhãn của HTX được doanh nghiệp xuất khẩu thu mua với giá cao hơn 20% so với bán cho thương lái tiêu thụ nội địa. HTX có 20 xã viên, với 120ha trồng nhãn và đã kết nối được với 2 doanh nghiệp để xuất khẩu thành công trái nhãn sang Singapore và các thị trường khó tính như Mỹ, Úc và tới đây dự kiến có thêm Nhật.
Sản xuất lúa trong mô hình cánh đồng lớn ở huyện Thới Lai.
Hiện thực hóa giấc mơ xanh
Sản xuất nông nghiệp tại TP Cần Thơ chuyển biến mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phù hợp với các tiêu chuẩn theo quy định và đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Nông nghiệp thành phố hướng đến tăng trưởng xanh, hiện đại, toàn diện để nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng biến đổi khí hậu và các điều kiện bất lợi. Ðến nay, đã hình thành được nhiều mô hình hiệu quả và thực hiện liên kết, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cả trên các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Ðiều này, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Ðối với cây trồng chủ lực là lúa, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo sản xuất lúa chất lượng cao gắn với hình thành cánh đồng lớn. Năm 2011, thành phố triển khai mô hình cánh đồng lớn tại huyện Vĩnh Thạnh với diện tích ban đầu chỉ 400ha, đến nay đã đạt trên 30.000 ha/vụ lúa và trong cánh đồng lớn đã hình thành được 10.000ha lúa sạch và diện tích lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP và VietGAP hơn 560ha. Sản lượng lúa của thành phố đạt hơn 1,3 triệu tấn/năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và đem lại nguồn thu cho thành phố. Tỷ lệ sản xuất các loại lúa gạo thơm ngon và chất lượng cao tăng dần và hiện chiếm tỷ lệ trên 90% diện tích sản xuất lúa, từ đó nâng cao được chất lượng, giá trị hạt gạo trên thị trường trong nước và quốc tế”.
Năm 2021, diện tích đất lúa không tăng nhưng nhờ chủ động thâm canh tăng vụ đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng được năng suất nên sản lượng lúa của Cần Thơ đạt hơn 1,41 triệu tấn, vượt 12% kế hoạch. Nông dân bán lúa được giá nên lợi nhuận thu được khá cao so với các năm trước.
Thông qua liên kết với nông dân trong mô hình cánh đồng lớn, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An ở TP Cần Thơ đã tạo ra nhiều sản phẩm gạo ngon đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong ảnh: Gạo của công ty được trưng bày, giới thiệu tại một sự kiện triển lãm được tổ chức tại Cần Thơ.
Cần Thơ đã hình thành và phát triển được 18 vùng rau an toàn tập trung, với 229ha, sản lượng hơn 28.390 tấn/năm, với nhiều chủng loại đa dạng, phong phú. Nông dân được hỗ trợ phát triển các vùng trồng cây ăn trái ngon, đặc sản theo các tiêu chuẩn an toàn, có thương hiệu để phục vụ xuất khẩu và gắn với phát triển du lịch sinh thái. Ðến nay, có 447ha cây ăn trái của các HTX, tổ hợp tác đạt chứng nhận VietGAP, Global GAP và đã được cấp 59 mã số vùng trồng đối với cây ăn trái…
Nông sản tiêu chuẩn hóa chất lượng, có mã số vùng trồng và được xây dựng thương hiệu, nông dân dễ dàng kết nối với các kênh bán hàng hiện đại, siêu thị, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp trong các chuỗi sản xuất, chế biến và cung ứng nông sản thực phẩm an toàn để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Với hướng đi chủ động bắt nhịp xu thế thị trường và sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, nông dân Cần Thơ đang vững vàng trong quá trình thích ứng, hóa giải các khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG