24/03/2017 - 09:58

Nông dân sản xuất lúa hàng hóa theo đặt hàng

Nhiều nông dân ở Hợp tác xã Nông nghiệp An Xuân (ấp Thới Hòa C, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ) cho biết: Bà con an tâm sản xuất lúa hàng hóa hơn khi được doanh nghiệp đặt hàng sản xuất - cung cấp vật tư không tính lãi suất và thu mua lúa cho nông dân với giá cao hơn thị trường. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp sản xuất lúa bền vững trong tình hình hiện nay…

 Vụ hè thu 2017, nông dân của Hợp tác xã Nông nghiệp An Xuân đã yên tâm hơn khi sản xuất lúa hàng hóa có hợp đồng bao tiêu.

Ông Phan Tấn Hùng, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp An Xuân, ở ấp Thới Hòa C, cho biết đã sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn nhiều năm qua, diện tích khoảng 428ha. Từ năm 2011, nông dân tập hợp thành lập tổ hợp tác sản xuất để có được thuận lợi hơn trong sản xuất, như: dễ tiếp cận khoa học kỹ thuật do ngành nông nghiệp, khuyến nông chuyển giao thông qua các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ… Ngoài ra, thông qua tổ hợp tác sản xuất, nông dân cũng thuận lợi hơn trong ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Những năm qua, nông dân ở đây được Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đầu tư giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật không tính lãi suất, xong vụ lúa mới thanh toán; đến khi thu hoạch công ty thu mua lúa của nông dân với giá cao hơn thị trường từ 50-100 đồng/kg… Sản xuất lúa hàng hóa ngày càng đạt hiệu quả, vào cuối năm 2016, nhiều nông dân ở ấp Thới Hòa C đã tham gia thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp An Xuân. Đến nay hợp tác xã đã có 17 thành viên.

Ông Phan Tấn Hùng cho biết: "Đối với nông dân, mong mỏi nhất là có được đầu ra lúa hàng hóa ổn định. Do đó, khi được doanh nghiệp bao tiêu, chúng tôi không còn lo đầu ra, chỉ tập trung sản xuất sao cho trúng mùa. Ngoài ra, khi được doanh nghiệp cung ứng vật tư, nông dân cũng nhẹ nguồn vốn đầu tư đầu vào hơn, cũng như không phải mua vật tư thiếu chịu bên ngoài với lãi cao. Những năm gần đây, tôi cũng đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" vào sản xuất lúa hàng hóa đạt hiệu quả cao (kỹ thuật mới do ngành nông nghiệp thành phố, Dự án VnSAT tập huấn); nhất là giảm lượng giống gieo sạ từ hơn 25kg xuống còn dưới 20 kg/công tầm lớn, phân còn 50 kg/công (giảm 5-10 kg so trước đây), điều chỉnh lượng nước vừa phải và tiết kiện trong sản xuất… Áp dụng "3 giảm, 3 tăng", giúp nông dân giảm chi phí sản xuất ít nhất là 2 triệu đồng/ha. Nhờ vậy, vụ đông xuân 2016-2017, với 13 công đất, tôi thu hoạch được 13 tấn lúa, bán với giá 5.400 đồng/kg thu được hơn 70 triệu đồng, trừ chi phí còn lời hơn 30 triệu đồng…".

Nông dân Nguyễn Việt Quân, cũng là thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp An Xuân, cho biết: Với 2,2ha đất nhà, vụ đông xuân 2016-2017, ông thu hoạch được 16 tấn lúa Jasmine, bán với giá 5.250 đồng/kg được 84 triệu đồng, trừ chi phí lời khoảng 40 triệu đồng. Ông sản xuất đạt lợi nhuận cao một phần cũng nhờ áp dụng kỹ thuật mới "3 giảm, 3 tăng" vào sản xuất được hơn 5 năm nay. Hiện nay, ông còn ưu tiên sạ hàng với lượng giống gieo sạ khoảng 12 kg/công, khi nào thiếu nhân công mới sạ lan nhưng cũng giảm lượng giống gieo sạ xuống còn khoảng 15 kg/công (trước đây 25-30 kg/công tầm lớn)… Vụ hè thu 2017, ông xuống giống được hơn nữa tháng nay, lúa đang phát triển tốt. Đầu vụ, ông được doanh nghiệp đầu tư 120kg lúa giống, 6 bao phân và 1 thùng thuốc bảo vệ thực vật… Thời gian qua, được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu, cung cấp vật tư nên ông rất yên tâm sản xuất, chỉ tập trung chăm sóc lúa, đến khi thu hoạch doanh nghiệp thu mua lúa tươi ông phải khỏi phơi rất tiện lợi…

Ông Phạm Hữu Bích, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp An Xuân, cho biết: Hiện nay, Hợp tác xã đang làm dịch vụ hỗ trợ sấy lúa cho nông dân trong khu vực, với 2 lò sấy có công suất 50 tấn/mẻ, kho chứa trên 1.000 tấn. Hướng tới, Hợp tác xã dự định cung cấp thêm dịch vụ máy cấy, máy xới, máy cắt lúa và làm dịch vụ trung gian cho doanh nghiệp, nông dân bao (hợp tác xã thu gom lúa của nông dân cho doanh nghiệp), dịch vụ bơm điện hỗ trợ nông dân gieo sạ đồng loạt… Hợp tác xã cũng mong muốn được Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) quan tâm xem xét hỗ trợ một số trang bị máy móc để Hợp tác xã hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, cũng như hỗ trợ lại cho nông dân sản xuất lúa hiệu quả cao, bền vững… 

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết