27/12/2016 - 20:30

Nông dân hướng đến sản xuất lúa bền vững

Hiện nay, nhiều nông dân TP Cần Thơ đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" vào sản xuất lúa hàng hóa, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân và quan trọng nữa là đảm bảo môi trường, sản xuất lúa mang tính bền vững cao. Nhiều nhà nông còn chủ động giảm lượng giống gieo sạ, hạn chế bón phân và chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật khi cần thiết…

Theo nhiều nông dân, trong kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng" khâu giảm giống là đầu tiên và quan trọng nhất. Nếu áp dụng sạ thưa thay cho sạ dày theo tập quán cũ trước đây, cây lúa sẽ sinh trưởng tốt và ít sâu bệnh hơn, nhất là đối với sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, cháy bìa lá… Khi đó, hiển nhiên lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng hạn chế. Khi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ít sử dụng môi trường ít bị ô nhiễm, sản xuất lúa mới mang tính bền vững…

Ruộng lúa của ông Dùng áp dụng phương pháp cấy lúa bằng máy kết hợp với vùi phân tan chậm, lúa đang phát triển tốt.

Nông dân Đỗ Đình Đạm (ở ấp D1, xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh), canh tác 2,6 ha, nhiều năm nay đã áp dụng "3 giảm, 3 tăng" vào sản xuất lúa. Ông Đạm cho biết: Do chưa có điều kiện sạ hàng nên còn sạ lan, nhưng hiện lượng giống gieo sạ chỉ còn 160-185 kg/ha, giảm gần phân nửa so với cách nay khoảng 10 năm. Sạ thưa vừa tiết kiệm giống, lúa ít sâu bệnh, đổ ngã, phân và thuốc đỡ tốn hơn… Với 2,6 ha, giờ mỗi vụ lúa ông chỉ bón khoảng 20-22 bao phân các loại, giảm khoảng 5-6 bao so với trước. Trong 40 ngày đầu gieo sạ ông cũng không còn phun thuốc bảo vệ thực vật và cả vụ chỉ phun 4-5 đợt thuốc, giảm khoảng 3 đợt so với trước… Nhờ áp dụng "3 giảm, 3 tăng" giảm chi phí nên ông Đạm đã sản xuất lúa hàng hóa ngày càng hiệu quả hơn. Vụ hè thu 2016, 2,6 ha lúa của ông thu hoạch được 18 tấn, bán với giá 4.400 đồng/kg, ông thu được hơn 79 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 39 triệu đồng…

Nhiều nông dân TP Cần Thơ còn áp dụng sạ hàng để có thể giảm lượng giống gieo sạ đến mức thấp nhất, sản xuất lúa hàng hóa đạt hiệu quả cao. Ông Nguyễn Văn Thành (ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh), canh tác 4,2 ha lúa, cho biết: Tôi áp dụng sạ hàng từ năm 2009. Đến nay, sử dụng dụng cụ sạ hàng chỉ gieo sạ với lượng giống 70-80 kg/ha. Sạ hàng có ưu điểm hơn sạ lan là có thể giảm lượng giống gieo sạ xuống mức thấp nhất, kéo hàng có khoảng trống cho cây lúa phát triển, thông thoáng nên lúa đỡ sâu bệnh hơn, hạt lúa khi thu hoạch đạt chuẩn và đồng đều, dễ bán hơn… Áp dụng sạ hàng còn giúp nông dân giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nên giúp giảm chi phí sản xuất, có thể tiết kiệm chi phí từ 3,5-5 triệu đồng/ha. Vụ đông xuân 2015-2016, với 4,2 ha lúa ông thu hoạch được khoảng 38 tấn, bán giá 5.100 đồng/kg được hơn 190 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 120 triệu đồng. Phương pháp sạ hàng hiệu quả, đến vụ lúa đông xuân 2016-2017 có khoảng 300 ha ở ấp Thầy Ký nông dân đều áp dụng sạ hàng…

Bà Trần Thị Yến Phượng, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Đến nay, toàn huyện có khoảng 2% diện tích (khoảng 500 ha) nông dân áp dụng sạ hàng. Thời gian qua, ngành nông nghiệp, trồng trọt và bảo vệ thực vật tích cực vận động nông dân sạ hàng, áp dụng "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm" vào sản xuất. Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) cũng đã đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân tham gia dự án về kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm", đến nay được 69 lớp, có 3.450 lượt nông dân tham gia. Sạ hàng cho hiệu quả cao hơn sạ lan, nhưng do còn một số khó khăn khách quan như: đất không bằng phẳng, nông dân xuống giống đồng loạt không đủ nhân công kéo hàng… nên tỷ lệ sạ hàng trên địa bàn huyện còn thấp...

Vụ đông xuân 2016-2017, nông dân Nguyễn Văn Dùng (ở ấp Thới Hòa C, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ) còn áp dụng phương pháp cấy lúa cùng với vùi phân tan chậm. Đây được xem là phương pháp sản xuất lúa theo hướng an toàn, lúa sạch và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Ông Dùng cho biết: Trước đây, tôi đã làm thử 2 vụ lúa cấy bằng tay, cho hiệu quả không thua gì so với gieo sạ. Trong vụ đông xuân năm nay tôi dành riêng ra 1,2 ha thử nghiệm phương pháp cấy lúa bằng máy kết hợp với vùi phân tan chậm, được doanh nghiệp tài trợ cấy và phân bón. Đến nay, lúa đã được trên 40 ngày tuổi, nhìn chung lúa đang phát triển tốt, tình hình sâu bệnh cũng ổn định, chưa phải phun xịt đợt nào. Hơn 1 ha làm thử nghiệm ông cấy giống nguyên chủng OM 4218, được doanh nghiệp bao tiêu 5.300 đồng/kg.

Theo ông Dùng, phương pháp cấy lúa bằng máy kết hợp với vùi phân tan chậm giúp nông dân đỡ tốn công chăm sóc lúa hơn do chỉ bón phân một lần lúc cấy lúa, sâu bệnh ít xảy ra. Lượng phân sử dụng cũng giảm lại thấy rõ, ông chỉ sử dụng phân tan chậm (còn gọi là phân bón thông minh) 30 kg/công tầm lớn, trong khi sử dụng phân thường phải 50 kg/công… Nếu vụ đông xuân này hiệu quả, vụ tới ông sẽ áp dụng phương pháp cấy lúa bằng máy kết hợp với vùi phân tan chậm trên toàn bộ diện tích 5,3 ha.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết