07/08/2022 - 10:33

Nói thẳng và nói giản dị - đặc trưng trong giao tiếp ở Nam Bộ

Trước khi được khai phá, Nam Bộ là vùng rừng rậm hoang vu, đầy thú dữ, bốn bề hiu quạnh. Thiên nhiên còn hoang sơ với đầy rẫy những hiểm nguy, bất trắc khiến những người đi khai phá vùng đất càng liên kết chặt chẽ với nhau, để tạo nên sức mạnh cộng đồng trên nền tảng tình cảm gắn bó. Từ đó, hình thành những nét tính cách đặc trưng trong giao tiếp để có sự cố kết vững chắc. Trong đó có tính nói thẳng và nói giản dị.

Không gian sông nước mênh mông, ruộng đồng bát ngát cũng góp phần hình thành cách giao tiếp "ăn to nói lớn", "nói thẳng nói thiệt" của người Nam Bộ. Ảnh: DUY KHÔI

Cuộc sống của người dân Nam Bộ buổi đầu khai phá chủ yếu dựa vào nông nghiệp, với nền văn hóa luôn đề cao tính cộng đồng. Cho nên, mối quan hệ trong cộng đồng luôn được người dân Nam Bộ vun vén và giữ gìn. Trong cuộc sống hằng ngày, người ta luôn có nhu cầu giao tiếp với nhau. Từ đó dẫn đến thái độ thích giao tiếp. Những lúc nông nhàn, những khi rảnh rỗi, người ta có thói quen thăm viếng, đến nhà trò chuyện. Và từ thái độ thích giao tiếp này mà người Nam Bộ hình thành nên một nét đẹp trong tính cách, đó là tính hiếu khách. Sự hiếu khách của người Nam Bộ không chỉ thể hiện ở thân bằng quyến thuộc mà ở cả những người xa lạ. Ngày trước, khách lỡ đường có thể ghé vào bất kỳ nhà nào để xin ngủ nhờ, hay đi nhờ ghe từ nơi này đến nơi khác. Trong trường hợp này, đôi khi khách còn được chủ nhà mời cơm, tiếp đãi rất ân cần. Ðiều này cũng được Trịnh Hoài Ðức ghi lại trong “Gia Ðịnh thành thông chí”: “Ở Gia Ðịnh có người khách đến nhà đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, sau dâng tiếp cơm bánh, tiếp đãi trọng hậu, không kể người thân sơ quen lạ tông tích ở đâu, ắt đều thâu nạp khoản đãi”(1).

Và trong quá trình giao tiếp, người dân vùng này thích nói thẳng, nói thật chứ không thích vòng vo, nổi bật với quan niệm dân gian “Nói gần nói xa không qua nói thật”. “Trong lời ăn tiếng nói, người Nam Bộ thích diễn đạt cụ thể, với đường nét rõ ràng, hình ảnh sống động, thẳng tuột, không quanh co úp mở, gây ấn tượng sâu, chân chất và khỏe khoắn”(2). Có yêu cầu gì, muốn nói gì thì họ nói thẳng ra chứ không thích nói năng ẩn ý, nhiều tầng nhiều nghĩa.

Cách nói thẳng này ảnh hưởng đến văn học dân gian và cả văn chương Nam Bộ. Nếu như người dân các vùng khác chuộng lời lẽ bóng bẩy, mang tính bác học, nói ý phụ rồi mới đi vào chủ đề chính thì người Nam Bộ lại thích cách nói thẳng, bình dân với những hình ảnh rất bình dị, đời thường nhưng cũng không kém phần thiết tha, chân tình.

Ví dụ như ở Bắc Bộ nói:

“Ðến đây mận mới hỏi đào,

Vườn hồng đã có ai vào

hay chưa.

Mận hỏi thì đào xin thưa,

Vườn hồng có lối nhưng

chưa ai vào”.

thì tại Nam Bộ sẽ nói:

“Dao phay kề cổ, máu đổ

không màng,

Chết tôi chịu, buông nàng

không buông”.

Ngoài ra, trong quá trình giao tiếp, người Nam Bộ “không thích dùng nhiều ngữ nghĩa trừu tượng, khó hiểu, không thích nói vòng vo Tam quốc, úp úp mở mở, không ưa những lời lẽ nhàn nhạt, thiếu khí sắc và cũng không quá giữ kẽ trong khi nói năng, trao đổi ý kiến. Phong cách diễn đạt Nam Bộ có gốc rễ từ cuộc sống trong ngót 3 thế kỷ qua của cộng đồng người Việt trên vùng đất này. Dân tứ chiếng gặp nhau, nói bằng thứ ngôn ngữ cụ thể không bị nguy cơ hiểu lầm, làm tổn hại đến tình đoàn kết. Người Nam Bộ ít sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong khi chuyện trò. Ðó cũng là lý do tại sao thành ngữ, tục ngữ ở đây ít về số lượng và nếu có thì biểu thị toàn những điều cụ thể về nội dung. Chẳng hạn: “Ăn như xáng múc, làm như lục bình trôi”, “Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo, làm như mèo mửa”, “Tới đâu là nhà, ngả đâu là giường”… Thực tế cuộc sống vừa khắc nghiệt vừa rộng mở và luôn luôn sôi động, biến đổi nhanh chóng đã khích lệ mọi người sống với nhau chân thành, giản dị, độ lượng, xuề xòa. Ðó là cơ sở xã hội của tâm lý lạc quan, yêu đời, thích bông đùa ở người dân Nam Bộ”(3).

Chính vì lẽ đó mà “cách nói của người Việt vùng Nam Bộ không phân chia đẳng cấp sang hèn, nó hòa đồng chung trong mọi tầng lớp nhân dân, lấy lời ăn tiếng nói của người lao động chân chất, luôn chuộng thực tế, không hay phù phiếm chải chuốt làm gốc. Kẻ có học, người thất học, kẻ giàu, người nghèo, khác nhau ở tri thức, tiền của, không khác nhau ở cách nói. Lời nói hằng ngày, văn chương trên giấy không cách nhau xa, không phải không biết mà không quen chải chuốt bóng bẩy văn hoa. Cốt cách vẫn là tính bình dân, giản dị, mộc mạc từ trong cuộc sống, tình cảm đến ngôn ngữ. Gọt giũa là nhằm làm cho câu văn mạch lạc, trong sáng, không gọt giũa bằng cách loại bỏ cuộc sống muôn màu muôn vẻ của các từ. Lời nói của người lao động có sức diễn đạt mạnh mẽ, nó đơn giản về cấu trúc, song đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung, không gò bó, khuôn sáo, mà được tự do bộc lộ, phát triển đến tận cùng.

“Anh về em nắm vạt áo em la làng

Phải bỏ chữ thương chữ nhớ giữa đàng cho em”(4).

Tóm lại, trong nếp sống, cách suy nghĩ và nói năng, người Nam Bộ thích bộc trực, thẳng thắn, có gì thì nói thẳng ra. Thêm vào đó là tính tình thường cởi mở, xuề xòa, trọng tấm lòng chân thực chứ không câu nệ câu chữ khách sáo.l

 

------------

(1) Trịnh Hoài Đức (1972), “Gia Định thành thông chí”, Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, tập hạ, Nha Văn Hóa, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản, tr.11-12.

(2) Thạch Phương - Hồ Lê - Huỳnh Lứa - Nguyễn Quảng Vinh (1992), “Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.246.

(3) Thạch Phương - Hồ Lê - Huỳnh Lứa - Nguyễn Quảng Vinh, Sđd, tr.246.

(4) Nguyễn Văn Ái (Chủ biên) (1994), “Từ điển phương ngữ Nam Bộ”, NXB TP Hồ Chí Minh, tr.32.

Chia sẻ bài viết