05/02/2020 - 09:22

Nỗ lực phát triển sản xuất nông nghiệp 

Năm qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh và giá nông sản bất ổn nhưng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Phát huy kết quả đạt được, năm 2020 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ đề ra mục tiêu đạt tốc độ tăng 1% đối với tổng sản phẩm (GRDP) khu vực nông nghiệp và thủy sản. Nỗ lực xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng...

Thời gian qua, nhiều nông dân tại xã Giai Xuân, huyện Phong Điền đã có thu nhập khá tốt nhờ trồng cây vú sữa.

►Linh động chuyển đổi cơ cấu sản xuất

Với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp chính quyền, phối hợp chặt chẽ của toàn ngành nông nghiệp và sự sáng tạo, nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp và nông dân, các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại thành phố được duy trì và phát triển khá tốt, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thành phố đã tập trung thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Linh động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, với hơn 2.292ha đất sản xuất lúa và các loại cây trồng vật nuôi kém hiệu quả được chuyển đổi sang các loại cây trồng vật nuôi khác có hiệu quả cao và thích ứng biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh nhân rộng các mô hình hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, nhất là các mô hình kinh tế tập thể và liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản theo chuỗi giá trị.

Tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm 2019 đạt 225.142ha, vượt 4,2% kế hoạch, với sản lượng lúa đạt 1,36 triệu tấn, vượt 3,87% so kế hoạch. Diện tích gieo trồng rau màu, đậu các loại đạt 14.874ha, vượt 18,52% kế hoạch, với sản lượng 175.738 tấn, vượt 39,25% kế hoạch. Diện tích cây ăn trái đạt 20.125ha, vượt 5,09% kế hoạch, với sản lượng 132.240 tấn, vượt 32,24% kế hoạch.

Xu hướng phát triển sản xuất theo quy mô lớn, hợp tác theo chuỗi giá trị tiếp tục được nhân rộng và phát triển, nhất là mô hình "cánh đồng lớn" trong sản xuất lúa. Đến nay, thành phố cũng đã hình thành được các vùng sản xuất rau màu và trồng cây ăn trái tập trung quy mô lớn, sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn và đạt các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới và các quy trình sản xuất an toàn trong chăn nuôi gia súc gia cầm và thủy sản cũng được quan tâm tăng cường nên năng suất, chất lượng các sản phẩm chăn nuôi được nâng cao và tiết kiệm được chi phí sản xuất. Trước tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi gây khó cho việc phát triển đàn heo, ngành NN&PTNT cũng đã kịp thời vận động, khuyến khích người dân chuyển sang các loại vật nuôi thay thế khác: gia cầm, thủy sản… để có thu nhập và góp phần tăng cường nguồn cung thực phẩm cho thành phố. Theo đó, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trong năm 2019 đạt 9.954ha, vượt 18,5% so với kế hoạch, với tổng sản lượng thủy sản đạt 228.342 tấn, vượt 13,04% kế hoạch, tăng 5,33% so với năm trước. Đàn bò đạt 4.818 con, vượt 10,5% so với kế hoạch. Đàn gia cầm trên 2 triệu con, vượt 5,32% so với kế hoạch. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 39.082 tấn, vượt 4,22% kế hoạch, trứng gia cầm 95.909 quả, vượt 6,57% so với kế hoạch.

Theo số liệu của Cục Thống kê, tổng sản phẩm (GRDP) khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản (giá so sánh 2010) 5.880,747 tỉ đồng, với tốc độ tăng 0,5% so với năm 2028. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong năm 2019 đạt 13.610.971 tỉ đồng, tăng 1,02% so với năm trước.

►Tiếp tục thắng lợi

Sở NN&PTNT, các quận, huyện trên địa TP Cần Thơ đã và đang triển khai thực hiện khá hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030. Bà Nguyễn Thị Mãi, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cho biết: "Việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương đã đạt được những kết quả rất tích cực. Nhiều nông dân có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trước nhờ chuyển đổi các diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và nuôi thủy sản. Song, hiện các cơ sở hạ tầng, thủy lợi và nguồn vốn phục vụ sản xuất và tiêu thụ trái cây và thủy sản tại nhiều nơi vẫn chưa đảm bảo, rất cần sự quân tâm hỗ trợ thêm từ thành phố. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản cũng chưa ổn định do còn ít doanh nghiệp bao tiêu. Sở NN&PTNT cùng các sở, ngành thành phố hỗ trợ mời gọi, giới thiệu doanh nghiệp có tiềm năng để tổ chức ký kết hợp đồng thu mua nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng tại những vùng sản xuất tập trung, ổn định đầu ra, giúp nông dân an tâm sản xuất".

Theo ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, hiện nay các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi nông dân không chỉ tiếp tục phải đối mặt với nhiều yếu tố thời tiết, sâu bệnh bất lợi mà còn bị ảnh hưởng bởi các chi phí đầu vào tăng. Trong khi giá cả nhiều sản phẩm đầu ra: lúa, rau màu… tiếp tục có biến động bất lợi cho nông dân. Đặc biệt, lúa đông xuân 2019-2020 sắp thu hoạch nhưng giá lúa có chiều hướng giảm và hiện chưa có nhiều thương lái và doanh nghiệp tham gia bao tiêu lúa cho nông dân. Các ngành chức năng cần quan tâm có các giải pháp kịp thời, giúp nông dân sớm kết nối được với các nhà tiêu thụ. Qua đó, chủ động ngày giờ thu hoạch và tránh giá lúa bị giảm thấp khi thu hoạch rộ vào sau Tết Nguyên đán 2020 tới đây.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành NN&PTNT thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng yêu cầu, toàn ngành cần tiếp tục có giải pháp hiệu quả để tập trung tổ chức thực hiện đạt và vượt các nhiệm vụ và chỉ tiêu, kế hoạch năm 2020. Chú ý, tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững TP Cần Thơ. Quan tâm chỉ đạo sản xuất thắng lợi lúa, rau màu, hoa kiểng, cây ăn trái và các loại vật nuôi. Tích cực chủ động phòng, chống thiên tai và dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi.  Đẩy mạnh công tác khuyến nông, hỗ trợ nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chất lượng và giá cả các loại vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, các mô hình nông nghiệp đô thị, phát triển vùng sản xuất tập trung có giá trị kinh tế cao và mang đặc trưng của vùng. Tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế tập thể để xây dựng vùng sản xuất tập trung, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa, tạo cơ sở vững chắc cho sản xuất có kế hoạch và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết