28/03/2012 - 21:10

ÔNG NGUYỄN ĐỨC HIỂN, GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍ TÂY NAM BỘ:

Nỗ lực góp phần bình ổn thị trường phân bón trong nước

Đầu năm 2012, phân đạm hạt đục của Nhà máy đạm Cà Mau chính thức có mặt và nhanh chóng tạo uy tín trên thị trường bằng chất lượng và giá cả ổn định. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về sự có mặt của sản phẩm này trên thị trường, ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ (PVFCCo-SW), cho biết:

- Trong thời điểm thử nghiệm sản phẩm mới (phân đạm hạt đục), từ tháng 11- 2011, công ty phối hợp với Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, các đơn vị có liên quan liên tục thực hiện nhiều hội thảo trình diễn trực tiếp sản phẩm mới trên đồng ruộng. Qua đó, sản phẩm đã dần tạo được niềm tin đối với người nông dân. Đặc biệt, so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu, giá thành phân đạm hạt đục thấp hơn khoảng 300 đồng/kg. Vì thế, trong năm 2012, PVFCCo-SW dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 230.000 tấn phân đạm hạt đục.

* Từ những thành công bước đầu này, chiến lược phát triển sản phẩm phân đạm hạt đục của PVFCCo-SW trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

- Trong chiến lược phát triển, công ty tiếp tục củng cố, tăng cường, mở rộng ra các khu vực khác, tăng khả năng bao phủ thị trường sản phẩm này. Ngoài ra, công ty tiếp tục mở thêm các chi nhánh, kết hợp kho tồn trữ, bán hàng tại khu vực ĐBSCL nhằm kiểm soát thị trường. Song song đó, công ty tăng cường tạo lập kênh phân phối bằng cách tiếp cận trực tiếp đến tay người tiêu dùng, bằng chiến lược marketing sâu rộng và mang tính chọn lọc. Điển hình như: phối hợp thực hiện cánh đồng mẫu lớn; tăng cường quảng bá sản phẩm qua các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị đầu bờ nhằm đưa sản phẩm trực tiếp đến người nông dân để cùng nhận định đánh giá chất lượng sản phẩm... Với vùng tiêu thụ từ Đồng Tháp, Tiền Giang về Cà Mau, công ty sẽ tiếp tục phát triển hệ thống đại lý, cửa hàng phủ đều khắp các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt tại các vùng trọng điểm như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ...

* Với sự cạnh tranh trên thị trường phân bón hiện nay, nhất là mặt hàng phân bón giá rẻ từ Trung Quốc, PVFCCo-SW có những kế hoạch gì để góp phần bình ổn thị trường phân bón trong nước, thưa ông?

- Việc thắt chặt tín dụng, lãi suất ngân hàng cao, tỷ giá liên tục biến động... gây không ít khó khăn cho hoạt động của hầu hết doanh nghiệp. Trong kinh doanh phân bón hóa chất, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với sự cạnh tranh của mặt hàng phân bón Trung Quốc giá rẻ, làm cho giá phân bón hóa học trong nước khá lộn xộn... Năm 2012, thị trường sẽ đối mặt thêm với tình trạng cung vượt cầu. Trước thực trạng này, PVFCCo-SW đã xây dựng giải pháp chiến lược phát triển bằng chính sự nỗ lực của tập thể nhân viên và đặc biệt giữ vững độ tin cậy của sản phẩm trên thị trường.

Trong kế hoạch phát triển, thị trường ĐBSCL vẫn được PVFCCo-SW đánh giá là thị trường mạnh và tiềm năng. Xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2015, ngoài sản phẩm chủ lực là Đạm Cà Mau, công ty sẽ đa dạng mặt hàng với các sản phẩm phân bón khác theo quy trình khép kín từ khâu đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Trong thời gian tới, công ty sẽ triển khai nghiên cứu thêm các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, như: các sản phẩm về nông dược, các dự án về xay xát, tồn trữ và kinh doanh lúa gạo nhằm cung cấp cho doanh nghiệp, bà con nông dân các giải pháp dịch vụ trọn gói. Việc làm này, nhằm từng bước hỗ trợ bà con nông dân sử dụng được sản phẩm với giá cả hợp lý cùng các giải pháp sử dụng hiệu quả, góp phần phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp ĐBSCL.

* Trong thời gian tới bên cạnh những lợi ích kinh doanh, PVFCCo-SW làm gì để hỗ trợ cũng như mang lại lợi ích thiết thực như: tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng hạt lúa... cho người nông dân, thưa ông?

- Ngoài những mục đích về hiệu quả kinh doanh, PVFCCo-SW cũng như toàn hệ thống các đơn vị thuộc Tổng Công ty PVFCCo luôn chú trọng đến chia sẻ trách nhiệm cùng xã hội, đồng hành cùng bà con nông dân. Đó là việc đảm bảo cung ứng về chất lượng sản phẩm và dịch vụ; đồng thời phát triển các dịch vụ hỗ trợ khác như: hướng dẫn bà con trong sử dụng phân bón, kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp, cung cấp thông tin nông nghiệp cho nông dân như dự báo về thời tiết, sâu bệnh, giá cả nông sản... Qua đó góp phần giúp bà con vừa giảm chi phí trong sản xuất vừa bảo vệ môi trường sống...

* Xin cảm ơn ông!

TUYẾT NHUNG (thực hiện)

Nhà máy đạm Cà Mau khi hoạt động đạt 100% công suất sẽ sản xuất khoảng 800.000 tấn/năm, cùng với sản lượng của nhà máy Đạm Phú Mỹ là 800.000 tấn/năm. Hy vọng với sản phẩm mới (phân đạm hạt đục) sẽ góp phần giảm áp lực nhập khẩu phân bón, góp phần bình ổn thị trường, nông dân sẽ yên tâm hơn trong việc canh tác khi vào vụ. ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước với mức tiêu thụ bình quân khoảng 2,2 - 2,5 triệu tấn phân các loại (Urê, DAP, Kali). Đây là tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm. Chính vì vậy, khu vực Tây Nam bộ được xem là khu vực trọng điểm để phát triển sản phẩm của PVFCCo-SW.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ


Chia sẻ bài viết