24/01/2023 - 15:03

Niềm lạc quan trên đường đua xanh 

THIÊN QUỐC

Bị tật nguyền đôi chân, họ chinh phục đường đua xanh đấu trường Đông Nam Á, châu Á và cả Paralympic. Hai kình ngư Nguyễn Thành Trung và Võ Thanh Tùng của đội bơi người khuyết tật Cần Thơ là hình ảnh đẹp về tình bạn, tình đồng đội cùng vươn lên trong gian khó.

Thanh Tùng (phải) và Thành Trung (ngồi xe) được Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường tặng thưởng tại lễ mừng công đoàn VĐV người khuyết tật Cần Thơ. Ảnh: Nguyễn Minh

Thanh Tùng (phải) và Thành Trung (ngồi xe) được Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường tặng thưởng tại lễ mừng công đoàn VĐV người khuyết tật Cần Thơ. Ảnh: Nguyễn Minh

Đầu những năm 2000 khi phong trào hip-hop lan rộng trong giới trẻ ở Cần Thơ, Nguyễn Thành Trung làm chủ nhiệm một CLB hip-hop thường xuyên tập luyện tại sân Nhà văn hóa quận Ninh Kiều. 

Gặp lại Thành Trung vào một ngày cuối năm 2022 khi chuẩn bị nhận thưởng của thành phố với thành tích 2 HCV, 1 HCB tại Para Games 2022 ở Indonesia và 4 HCV, 1 HCB tại Giải vô địch bơi và điền kinh quốc gia 2022, Thành Trung nhắc về niềm yêu thích âm nhạc, cùng hơn 10 năm gắn bó với bơi lội. Cả bơi lội và âm nhạc đã mang lại cho Thành Trung nhiều hành trang quý giá trong cuộc sống, nhưng quan trọng nhất là sự tự tin, hòa nhập, không mặc cảm. Thành Trung nhớ khoảng năm 2010, khi đang sinh hoạt ở CLB hip-hop thì Võ Thanh Tùng, khi đó đã là tay bơi cừ khôi của đội tuyển bơi người khuyết tật Việt Nam, rủ tham gia đội bơi ở TP Hồ Chí Minh. Thanh Tùng thì kể: Sau khi đoạt HCV châu Á năm 2009, Tùng ghi lại thành tích của mình và thấy ở ĐBSCL có nhiều người khuyết tật bơi giỏi lắm. Nghĩ một hồi thì nhớ tới Trung, người bạn quen biết từ năm 2005, giỏi nhảy hip-hop trên đôi tay rất có lực, nên có lẽ phù hợp với bơi ếch. Vậy là Tùng rủ Trung đi bơi, dù phải thuyết phục rất nhiều lần...

Sau gần 8 giờ trên chiếc xe gắn máy 3 bánh, Trung mới chở Tùng lên tới TP Hồ Chí Minh thử sức ở lĩnh vực mới - thể thao. Nhưng đó cũng là quãng thời gian cực nhọc của hai người bạn khi cùng nhau ở thuê trong căn nhà nhỏ mà chuột chạy tứ tung. Không có nhiều tiền để bồi bổ dinh dưỡng, Tùng và Trung có sự may mắn riêng. Ấy là có một người bạn đi làm thêm ở một quán lẩu, cứ tối là mang về mớ “xà bần” ngon. Nhờ vậy mà hai VĐV có đủ sức khỏe để tập luyện và Thành Trung vượt qua những bài kiểm tra cam go.

Sau khoảng 20 ngày tập và sửa kỹ thuật bơi, Trung tham gia giải toàn quốc và đạt 2 HCV, được tuyển thẳng vào đội tuyển quốc gia, tham dự các giải quốc tế. Trong khi trước đó, Thanh Tùng phải mất 5 năm dự giải quốc gia mới có suất đi quốc tế. Kể từ đó, kình ngư sinh năm 1985 Thành Trung và kình ngư sinh năm 1987 Thanh Tùng cùng nhau chinh phục đấu trường Đông Nam Á, châu Á và góp mặt tại Paralympic Luân Đôn 2012, Paralympic Rio 2016. Cũng tại Brazil năm 2016, Thanh Tùng giành được chiếc HCB lịch sử của bơi lội khuyết tật Việt Nam. Anh đặt tên cho con trai để kỷ niệm là Rio. Còn với Thành Trung, thành tích tốt nhất là tốp 4 và tốp 5 tại hai kỳ Paralympic trên, nhưng những kinh nghiệm có được giúp kình ngư này vô đối ở giải trong nước, khu vực Đông Nam Á và châu Á. 

Sau 10 năm gắn bó tuyển quốc gia ở TP Hồ Chí Minh, xa gia đình, hai VĐV quyết định trở về thi đấu cho quê hương Cần Thơ vào năm 2019. “Về để được gần nhà, vừa thi đấu vừa làm trong 3-4 năm nữa để có nghề cho tương lai”, Thanh Tùng tâm sự. Bởi với Tùng và Trung, gia đình rất trân quý. Thành Trung kể lúc mới có bạn gái, gia đình bạn gái phản đối. Trung càng nỗ lực tập luyện để đạt thành tích trong thi đấu và tích cóp tiền để đầu tư dàn âm thanh cho thuê. Lối sống tích cực và chí thú làm ăn giúp Trung thuyết phục được gia đình vợ. Với những giải thưởng từ bơi lội, thu nhập từ cho thuê dàn âm thanh, Thành Trung đủ sức chăm lo gia đình nhỏ nay có thêm con gái đã lên 3 trong căn nhà tươm tất ở quận Cái Răng. Còn với Thanh Tùng, hàng ngày vừa nhận dạy bơi vừa phụ vợ trông coi cửa hàng quần áo ở chợ Ô Môn và đưa đón hai con đi học. Tổ ấm ở khu dân cư An Khánh của Tùng luôn hạnh phúc.

Chia sẻ bài viết