28/07/2009 - 08:00

Những "thủ lĩnh" của công nhân

Thời gian qua, tại nhiều cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp… xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ công đoàn tâm huyết với hoạt động công đoàn, mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp và hết lòng chăm lo nâng cao đời sống cho công nhân lao động (CNLĐ). Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu một số gương mặt “thủ lĩnh”, trong số rất nhiều cán bộ công đoàn cơ sở tiêu biểu.

 

Đến Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành (Khu Công nghiệp - Tiểu thủ Công nghiệp Cái Sơn Hàng Bàng) hỏi về anh Huỳnh Việt Quang, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty, nhiều người đều có chung một nhận xét: Anh Quang luôn gần gũi, hết lòng vì lợi ích của CNLĐ và vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Quang bộc bạch: “Làm Chủ tịch Công đoàn của một doanh nghiệp có gần 400 CNLĐ là một vinh dự, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề, phải làm sao để không phụ lòng tin của mọi người”. Với suy nghĩ đó, từ năm 2002 đến nay, trên cương vị là Chủ tịch CĐCS Công ty, anh Quang xây dựng chương trình hoạt động của công đoàn cụ thể, thiết thực, hướng tới lợi ích của CNLĐ và của doanh nghiệp. Hàng năm, Ban chấp hành (BCH) CĐCS Công ty xây dựng thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản quy định trách nhiệm của CNLĐ đối với chủ doanh nghiệp và các chế độ, chính sách chủ doanh nghiệp phải thực hiện với CNLĐ rồi đại diện cho CNLĐ ký kết với chủ doanh nghiệp. Đưa bản thỏa ước lao động tập thể dày gần 10 trang cho tôi xem, anh Quang ví von: “Đây là “bộ luật con” của công ty. Chúng tôi dựa vào những điều khoản đã cam kết trong đây để giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách của chủ doanh nghiệp với CNLĐ”.

Theo nhiều CNLĐ tại các phân xưởng sản xuất của Công ty May Xuất khẩu Việt Thành, anh Quang không chỉ mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp, mà còn biết đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn của CNLĐ. Chị Lê Thị Loan, công nhân Chuyền may số 1, nói: “Nhờ anh Quang và các cán bộ công đoàn công ty tham mưu, đề xuất, thời gian qua chúng tôi được công ty quan tâm hỗ trợ mỗi ngày 2 bữa ăn miễn phí, công ty cũng choàng gánh cho CNLĐ 6% bảo hiểm xã hội phần CNLĐ phải đóng. Khi gặp khó khăn, công đoàn tín chấp bảo lãnh cho chúng tôi vay vốn...”. Từ đầu năm 2008 đến nay, giá cả các mặt hàng tăng mạnh, để nâng cao thu nhập cho CNLĐ, anh Quang đề xuất với Ban Giám đốc (BGĐ) Công ty phát động phong trào thi đua tăng năng suất lao động. Theo đó, mỗi dây chuyền sản xuất có doanh thu trong tháng vượt 7.000 USD sẽ được thưởng 500 ngàn đồng, vượt doanh thu 8.000 USD được thưởng 1 triệu đồng, cứ thế mức thưởng tăng dần theo tỷ lệ tăng của doanh thu. Nhờ vậy, thu nhập của CNLĐ tăng hơn 300 ngàn đồng/tháng so với trước khi phát động thi đua. Anh Quang còn có sáng kiến mở cho mỗi CNLĐ một sổ tiết kiệm tại ngân hàng, hàng tháng vận động CNLĐ đóng vào 50 ngàn đồng, đề nghị BGĐ trích một khoản lợi nhuận đóng góp thêm vào sổ tiết kiệm cho CNLĐ. Nếu CNLĐ nào đăng ký gắn bó với công ty trong 3 năm thì sẽ được nhận 5 triệu đồng, nếu đăng ký gắn bó với công ty 5 năm thì sẽ được nhận 10 triệu đồng. Với sáng kiến này, anh Quang không chỉ giúp CNLĐ có thêm khoản tích lũy cho tương lai, mà còn giúp doanh nghiệp giữ được CNLĐ để ổn định sản xuất.

Nói về “bí quyết” trong hoạt động Công đoàn, anh Quang bộc bạch: “Tôi luôn xác định, Chủ tịch Công đoàn chính là “cầu nối” giữa chủ doanh nghiệp với CNLĐ. Do vậy, mọi kiến nghị đề xuất tôi đều phải tính toán đến quyền lợi của cả hai bên. Khi lợi ích của hai bên được dung hòa thì CNLĐ sẽ an tâm gắn bó, ra sức cống hiến, từ đó mà doanh nghiệp cũng phát triển vững chắc”.

***

 

Với vai trò Chủ tịch CĐCS Công ty Công trình đô thị Cần Thơ, thời gian qua, anh Nguyễn Hữu Kim Sơn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm tổ chức tốt các đợt phát động thi đua, động viên, khuyến khích CNLĐ hăng hái lao động sản xuất, góp phần giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Do đặc thù của đơn vị, CNLĐ chủ yếu lao động chân tay nặng nhọc, trình độ học vấn thấp, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, anh Sơn cùng các thành viên BCH CĐCS đề xuất với BGĐ lãnh đạo các bộ phận thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khám sức khỏe định kỳ cho CNLĐ; thăm, tặng quà cho những trường hợp ốm đau hoặc trợ cấp cho những trường hợp khó khăn. CĐCS Công ty còn đứng ra bảo lãnh cho CNLĐ vay, mượn tiền sửa chữa nhà, mua sắm dụng cụ gia đình... Đặc biệt, những năm qua, với tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, CĐCS Công ty Công trình Đô thị đã vận động công đoàn viên ủng hộ ngày công lao động và đóng góp thành lập quỹ tương trợ, hàng năm đã giúp cho trung bình khoảng 15 gia đình CNLĐ trong công ty sửa chữa nhà.

Bên cạnh quan tâm chăm lo đời sống cho CNLĐ, Công đoàn Công ty Công trình đô thị còn vận động CNLĐ tham gia phong trào học tập nâng cao trình độ và phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Anh Sơn kể: Những năm đầu, ở đơn vị anh có khoảng 100 người chưa biết chữ, được sự ủng hộ của lãnh đạo, anh đã phát động phong trào xóa dốt trong toàn đơn vị. Anh cùng lãnh đạo đơn vị phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Cần Thơ (cũ) và có lúc mời thầy về tận đơn vị tổ chức mở các lớp, dần dần xóa nạn mù chữ trong CNLĐ. Từ phong trào đã tạo nên ý thức tự học trong anh em, nếu như lúc mới thành lập công ty chỉ có 2 cán bộ, CNLĐ có trình độ đại học thì đến nay đơn vị có trên 40 CBCNV lao động đã và đang theo học các lớp đại học. Bản thân anh Sơn cũng là một tấm gương về ý thức tự học tập nâng cao trình độ. Khi vào làm việc tại công ty anh chỉ mới học lớp 11, giờ đã tốt nghiệp đại học ngành Quản trị Kinh doanh. Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm cán bộ, CNLĐ của Công ty thực hiện trên 20 công trình sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho đơn vị hàng tỉ đồng. Đơn vị được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tặng 6 Bằng Lao động sáng tạo. Anh Kim Sơn nói: “Lãnh đạo Công ty luôn quan tâm, tạo điều kiện để CNLĐ của đơn vị phát huy tài năng trong lao động. Tất cả những ý tưởng mang tính khả thi đều được Công ty khen thưởng, khích lệ”.

Nhiều năm gắn bó với công tác Công đoàn, anh Kim Sơn chia sẻ: “Để hoạt động công đoàn có hiệu quả thiết thực, ngoài năng lực, nhiệt tình, gương mẫu, tâm huyết, người cán bộ làm công tác này còn phải biết phát huy sức mạnh tập thể. Mọi chế độ chính sách liên quan đến CNLĐ đều phải công khai, dân chủ, nêu cao tinh thần đoàn kết, khen thưởng kịp thời những sáng kiến; mạnh dạn bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Làm được như thế sẽ chăm lo tốt cho CNLĐ và phát huy được khí thế lao động sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty”.

***

 

Công đoàn Nhà máy sản xuất thức ăn gia súc gia cầm, thủy hải sản Proconco Cần Thơ (Nhà máy Proconco), được Công đoàn Khu chế xuất Cần Thơ đánh giá là một trong những đơn vị vững mạnh với nhiều hoạt động chăm lo thiết thực cho người lao động. Đó là thành quả lớn của BCH Công đoàn, nổi bật là vai trò “đầu tàu” của chị Trần Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Thanh Thủy phấn khởi cho biết: Trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất và kinh doanh của đơn vị ngày càng phát triển nên lực lượng CNLĐ cũng liên tục gia tăng. Để đảm bảo điều kiện làm việc công nhân, BCH Công đoàn đề xuất lãnh đạo nhà máy quan tâm cải tiến kỹ thuật các dây chuyền sản xuất thức ăn thủy sản, đồng thời tham mưu, đề xuất với BGĐ trang bị đầy đủ các trang thiết bị lao động cho các bộ phận. “Để đảm bảo phục vụ tốt theo nhu cầu của khách hàng, có lúc nhà máy phải tăng ca sản xuất. Bên cạnh việc vận động anh em tích cực hưởng ứng, Công đoàn tham mưu với lãnh đạo đơn vị chấm công, trả lương đúng theo quy định, nên anh em rất phấn khởi, ra sức lao động, tạo ra nhiều sản phẩm”- Chị Thủy nói.

Theo nhiều CNLĐ của Nhà máy Proconco, trong suốt 3 năm làm Chủ tịch công đoàn, chị Thủy và các thành viên BCH Công đoàn đã thực hiện tốt vai trò đại diện cho người lao động. Công đoàn giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khám sức khỏe định kỳ cho CNLĐ đúng theo quy định. Hàng năm, lãnh đạo Công đoàn phối hợp với BGĐ, và lãnh đạo các bộ phận tổ chức nhiều đợt tham quan nghỉ mát. Ngoài ra, công đoàn còn vận động CNLĐ đóng góp quỹ tương trợ nhằm kịp thời giúp đỡ những anh em trong đơn vị có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Những CNLĐ bị bệnh, tai nạn lao động đều được công đoàn tổ chức thăm hỏi, tặng quà. Ngày Quốc tế thiếu nhi, Trung thu đều tổ chức cho con em CNLĐ của đơn vị vui chơi... Tạo không khí vui tươi, thư giãn sau những giờ làm việc mệt nhọc, BGĐ và Công đoàn bố trí phòng karaoke để anh em giải trí. Hay những dịp lễ, tết, công đoàn tổ chức hội thao với các môn bóng chuyền, bóng đá, thi hát karaoke... để nâng cao tinh thần đoàn kết, giao lưu giữa các bộ phận trong nhà máy... Nhằm tạo điều kiện cho CNLĐ nâng cao trình độ, Công đoàn đề xuất lãnh đạo nhà máy sắp xếp công việc hợp lý để mọi người có điều kiện thuận lợi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn theo từng chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời khuyến khích mọi người học các lớp đại học. Hiện nay, trong đơn vị có 6 người học các lớp đại học chuyên ngành khác nhau.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chị Thanh Thủy phải sắp xếp thời gian để vừa đảm bảo công việc chuyên môn (chị Thủy là Trưởng Phòng Kế toán), vừa làm tròn trách nhiệm của Chủ tịch Công đoàn. Chị Thủy tâm sự: “Nhiệm vụ chuyên môn của tôi là công tác văn phòng, trong khi anh em CNLĐ làm việc theo ca nên thời gian gặp mặt rất hạn chế. Để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của CNLĐ để tham mưu với lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt các chế độ chính sách, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ trong đơn vị, tôi thường xuyên trao đổi thông tin với trưởng các bộ phận hoặc thông qua các buổi hội họp. Trong các đợt Công đoàn và lãnh đạo Công ty tổ chức sinh hoạt và hoạt động vui chơi, giải trí... cho anh em, tôi đều dành thời gian tham gia, qua đó trò chuyện lắng nghe ý kiến của công đoàn viên”.

Trong những năm qua, hoạt động công đoàn của Nhà máy Proconco luôn được Công đoàn Khu chế xuất Cần Thơ đánh giá vững mạnh. Chị Thủy nói: “Thành quả đó là của tập thể, của sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo và sự nhiệt tình ủng hộ của anh em. Tôi nguyện luôn phấn đấu học tập, nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của anh em CNLĐ”.

***

 

Đến Công ty Kwong Lung – Meko (100% vốn đầu tư của Đài Loan, ở Khu Công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) chúng tôi ngồi chờ trong phòng làm việc của anh Lê Thành Dũng, Trưởng phòng sản xuất, kiêm Chủ tịch công đoàn Công ty. Trên bàn làm việc của anh bày dở dang quyển “Nâng cao nghiệp vụ công tác của cán bộ công đoàn các cấp năm 2009”. Chị Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng ban Nữ công CĐCS công ty, cho biết: “Anh Dũng rất chịu khó nghiên cứu các tài liệu, văn bản và vận dụng linh hoạt, tham mưu với BGĐ thực hiện tốt các chế độ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nên luôn được sự ủng hộ của CNLĐ và đồng tình của BGĐ”.

“Thẳng thắn, trung thực, dám đấu tranh, dám ăn nói”... là nhận xét của nhiều người ở đây về anh. Anh Dũng cho rằng cá tính của mình được hình thành và trui rèn trong thời gian tại ngũ. Năm 1978, vừa học xong năm thứ 2, Đại học Bách Khoa, TP Hồ Chí Minh, hưởng ứng phong trào vận động sinh viên lên đường bảo vệ Tổ quốc do Đoàn trường phát động, anh cùng nhiều bạn bè trang lứa bảo lưu kết quả học tập, hăng hái đăng ký lên đường nhập ngũ. Năm 1982, anh xuất ngũ, tiếp tục theo học chương trình dở dang với nguyện vọng được làm đúng chuyên ngành của mình. Năm 1984, anh ra trường về làm nhân viên kỹ thuật, Sở Công nghiệp Hậu Giang (cũ). Trải qua nhiều lĩnh vực công tác, năm 1989, anh chuyển về làm Trưởng phòng sản xuất, Xí nghiệp Liên doanh Lông vũ Meko (từ năm 2004 trở thành Công ty Kwong Lung – Meko). Năm 1995, anh được CNLĐ bầu giữ chức Chủ tịch công đoàn.

Công ty hoạt động dưới sự điều hành của BGĐ người Đài Loan và Việt Nam. Số lượng công nhân từ 300 người tăng lên khoảng 1.600 người. Ngoài công tác chuyên môn, thực hiện các chế độ, chính sách cho CNLĐ theo luật định, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc... Anh Dũng còn quan tâm theo dõi diễn biến việc làm, đời sống của CNLĐ, ghi nhận tình hình thông qua trên 20 tổ trưởng Công đoàn để kịp thời có kế hoạch giúp đỡ. Theo anh Dũng, người nước ngoài làm việc nghiêm túc, chặt chẽ, vấn đề phải ngắn gọn, dễ hiểu và thuyết phục cao thì công việc được giải quyết trôi chảy. Chính vì vậy, trước khi muốn đề đạt kiến nghị của tập thể CNLĐ về vấn đề, sự việc gì, anh Dũng phải tập hợp và chọn lọc các ý kiến tập trung, nghiên cứu thêm tài liệu, các văn bản chủ trương các cấp để vấn đề được trình bày đầy đủ, ngắn gọn, không mất nhiều thời gian và phải chính xác, thiết thực.

Trước năm 2007, BGĐ Công ty không giải quyết chi cho công nhân tiền cơm trưa, tiền xe, chỉ hỗ trợ 2.000 đồng/người/ngày vì cho rằng khoản này đã tính vào lương hàng tháng. Trước những bức xúc đó, anh Dũng nghiên cứu chủ trương, cách làm của nhiều doanh nghiệp khác trong Khu công nghiệp và trình bày, thuyết phục BGĐ Công ty. Đến đầu năm 2008, BGĐ đồng ý chi tiền ăn 5.000 đồng và tiền xe 5.000 đồng người/ngày. Anh Dũng nhớ mãi “sự cố” năm 2005, công nhân đình công do thắc mắc về cách trả lương của công ty. Lúc đó, anh đang nghỉ phép nên sự việc không được xử lý kịp thời, phải nhờ sự can thiệp giải quyết của công đoàn cấp trên. Từ đó, anh Dũng có thêm kinh nghiệm: Mọi thắc mắc của CNLĐ phải được tìm hiểu và giải quyết nhanh chóng, kịp thời ngay từ gốc, phải làm cho lãnh đạo và CNLĐ hiểu, thông cảm và chia sẻ khó khăn, quyền lợi và nghĩa vụ phải song hành. Chị Huỳnh Thị Kim Loan, Tổ trưởng tổ 10, nói: “Các ý kiến của CNLĐ luôn được anh Dũng lắng nghe và tiếp thu với sự cởi mở, chân tình. Những vấn đề không giải quyết ngay được, anh giải thích cho mọi người hiểu và hứa sẽ tiếp tục đề đạt, thuyết phục cấp trên...”.

Với bề dày và kinh nghiệm công tác, anh Dũng vinh dự nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” của Tổng LĐLĐ Việt Nam và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành chức năng. Đối với anh Dũng, vinh dự lớn nhất là năm 2008 được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

***

 

Tính đến nay, anh Huỳnh Thiện Tâm, Chủ tịch CĐCS, Công ty cổ phần Cơ khí Điện máy Cần Thơ, đã có thâm niên 30 năm làm công tác công đoàn. Theo anh Tâm, làm công tác Công đoàn cần có sự đồng cảm, chia sẻ của lãnh đạo Công ty, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là người “đứng mũi chịu sào” phải biết kiên trì lắng nghe những nguyện vọng của công nhân và trình bày lại với BGĐ. Có lẽ nhờ có sự hội tụ của cả hai yếu tố trên nên từ khi thành lập cho đến khi Công ty đã cổ phần hóa toàn diện vẫn chưa có vụ việc khiếu nại nào của công nhân mà Công ty không giải quyết được. Một trong những hoạt động tiêu biểu của tổ chức Công đoàn Công ty cổ phần Cơ khí Điện máy Cần Thơ là việc thành lập tổ hùn vốn, giúp nhau cùng phát triển. Qua đó, còn tạo môi trường gần gũi, hòa đồng giữa các công nhân viên, thắt chặt thêm tình đoàn kết.

Với tâm niệm cải thiện đời sống công nhân, mới đây, anh Tâm trở lại đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Cơ khí Điện máy Cần Thơ, bên cạnh nhiệm vụ Phó giám đốc kiêm Trưởng Ban quản lý các dự án của Công ty. Công tác Công đoàn đối với anh Tâm “khó mà không khó”. Anh cho rằng: “Công tác công đoàn chủ yếu xuất phát từ những nhu cầu thực tế của công nhân, bên cạnh đó, các công đoàn viên cũng phải hiểu rõ về pháp luật và các chính sách của Nhà nước. Có như vậy, mới đảm bảo sự vững mạnh của tổ công đoàn”.

Người cán bộ Công đoàn phải hài hòa mối quan hệ giữa BGĐ và công nhân, để có thể là một điểm tựa tin cậy của công nhân vừa là một kênh thông tin chính xác, kịp thời đối với BGĐ. Tuy vậy, có đôi khi người làm công tác công đoàn vẫn gặp phải vướng mắc. Anh Tâm tâm sự: “Có đôi lúc những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của công nhân được tôi truyền tải đến BGĐ nhưng vẫn không nhận được sự đồng tình. Những lúc ấy, tôi kiên trì thuyết phục vì quyền lợi chung, chính đáng của các thành viên Công ty”. Phương pháp làm việc hòa nhã, tôn trọng ý kiến tập thể, các hoạt động phải phù hợp với chính sách của Nhà nước và mục tiêu chung mà Công ty đã đề ra là bí quyết đem lại thành công cho công tác Công đoàn của anh Tâm.

Anh Phan Thông Huấn, Trưởng Ban Chính sách - Xã hội, LĐLĐ TP Cần Thơ nhận xét: “Anh Tâm có thâm niên trong hoạt động công đoàn. Do anh trưởng thành từ công nhân nên anh dễ dàng nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng của công nhân. Đó cũng là một trong những nguyên nhân giúp anh thành công trong nhiều lĩnh vực hoạt động”.

***

Những thành tích của hôm qua và hôm nay chính là thước đo nhiệt huyết, trách nhiệm của những cán bộ công đoàn mà chúng tôi đã gặp. Và còn nhiều nữa những cán bộ công đoàn nhiệt thành chăm lo quyền lợi của CNLĐ, đồng hành với sự phát triển của đơn vị, doanh nghiệp. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, những cán bộ công đoàn này cũng hết lòng với công tác, xứng đáng với niềm tin yêu của lực lượng CNLĐ.

AN - THY - TÚ - PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết