31/03/2017 - 20:48

Những thiết bị chữa cháy phải có trong nhà

Tại các hộ gia đình, để bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC), hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra, việc trang bị những thiết bị PCCC rất quan trọng. Ngày càng nhiều gia đình tìm hiểu, mua sắm các thiết bị PCCC.

 Khách hàng chọn mua thiết bị PCCC tại cửa hàng Mười Đức, đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Ninh Kiều.

Theo các điểm chuyên kinh doanh mặt hàng PCCC, trên thị trường hiện nay bình khí CO2 và bình bột đều có công năng chữa cháy đối với các loại xăng, dầu, nệm mút, máy móc, chất lỏng, hóa chất, cháy thiết bị điện... Những hộ gia đình nên chọn mua loại bình 4kg, giá từ 250.000 – 450.000 đồng/bình; ưu điểm của loại bình này là nhỏ, nhẹ, sử dụng phù hợp trong gia đình. Ngoài ra, còn có loại bình bọt AB, bình Foam (phun bọt như bọt xà bông) chủ yếu chữa cháy xăng dầu. Loại bình này phần lớn nhập khẩu, giá 90.000 đồng/bình 1 lít. Bình chữa cháy bằng khí CO2 có rất nhiều loại khác nhau về dung tích và hình dáng (do nhiều nước sản xuất, nhưng đều có đặc tính cấu trúc tác dụng, bảo quản giống nhau), nhưng điểm chung là đều có 3 bộ phận chính: vỏ bình, hệ thống van nạp khí xả (cấu tạo tay vặn hoặc mỏ vịt) van an toàn và vòi loa phun. Sản phẩm sử dụng khá đơn giản, chỉ cần rút chốt an toàn hoặc bỏ kẹp chì cầm loa phun vào đám cháy cho tới khi đám cháy tắt. Đối với bình bọt Foam cũng sử dụng tương tự, đó là lắc xốc vài lần, giật chốt hãm kẹp chì và cầm loa phun vào đám cháy.

Cùng với các loại bình chữa cháy, đối với những nhà cao tầng, một chiếc thang dây là vật dụng cần thiết. Tùy vào độ cao của căn hộ mà có sự lựa chọn phù hợp, giá từ 220.000- 250.000 đồng/m. Ngoài ra, trang bị hệ thống báo cháy tự động cũng được xem là rất cần thiết. Khách hàng có thể chọn mua các sản phẩm như: đầu báo cháy, đầu báo dò nhiệt, báo gas, báo khói, còi báo tự động điện tử… Mặt hàng này khá đa dạng với đủ nhãn mác nội địa và nhập khẩu, giá cả tùy theo loại. Sử dụng phù hợp trong gia đình là các thiết bị dùng pin báo cháy tại chỗ (không đấu nối hệ thống), giá khoảng 650.000 đồng/chiếc.

Mặt nạ phòng độc cũng được xem là cần thiết bởi rất nhiều trường hợp tử vong trong đám cháy không phải do lửa mà là do thiếu khí hay hít phải các loại khí độc. Dùng mặt nạ sẽ giúp mỗi người thở được tối thiểu 30 phút. Sản phẩm được làm bằng vật liệu chống cháy có phần trong suốt trước mặt, giúp người sử dụng dễ quan sát. Sản phẩm thường có màu nổi bật để dễ nhận biết khi xảy ra cháy… Giá mặt nạ chống cháy khoảng 650.000 đồng/chiếc.

Mền chống cháy chịu nhiệt làm từ sợi thủy tinh, không sử dụng amiang độc hại, có khả năng cách nhiệt, chống cháy, chống axit và kiềm. Đặc biệt, sản phẩm này có thể chịu được nhiệt độ tới 7000C mà không bị chảy, không co rút. Khi xảy ra hỏa hoạn, mền được sử dụng bao phủ người, cách ly được ngọn lửa để thoát ra khỏi vùng cháy một cách an toàn. Tùy theo kích thước (1,2m x 1,2m; 1,2m x 1,8m và 1,8m x 1,8m), giá mền chống cháy từ 280.000 – 520.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, trên thị trường còn có bình oxy, bình dưỡng khí... nhưng theo các chuyên gia PCCC, do chứa oxy nên đây là chất dễ gây cháy nổ, không nên tùy tiện sử dụng.

Ông Phí Đức Mười, Giám đốc Công ty cổ phần Mười Đức (chuyên kinh doanh các thiết bị PCCC), cho biết: "Ở nhiều trường hợp, khi xảy ra cháy, nếu xử lý nhanh có thể ngăn chặn việc cháy lan và bùng phát mạnh. Hiện nay, việc mua sắm trang thiết bị PCCC phần lớn là các hộ kinh doanh và doanh nghiệp, rất ít hộ gia đình đến mua thiết bị". Thực tế, nhiều trường hợp khi xảy ra sự cố cháy nổ, mặc dù có các thiết bị chữa cháy tại chỗ nhưng nhiều người không biết dùng bình chữa cháy để khống chế ngọn lửa. Do đó, rất cần thiết tuyên truyền PCCC, tập huấn, hướng dẫn cho đối tượng là các hộ gia đình sử dụng các thiết bị chữa cháy tại chỗ để hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ. 

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Các chuyên gia PCCC khuyến cáo các biện pháp PCCC, thoát nạn đối với nhà ở, các hộ gia đình là: Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu. Ôtô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà phải cách xa bếp đun nấu; nguồn sinh nhiệt, thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu... phải kín. Không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan. Phải lắp thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà. Khi sử dụng các thiết bị điện như: bàn ủi, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi. Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ, phải kiểm tra và tắt các thiết bị điện không cần thiết. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn… Đặc biệt phải tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh và Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã, phường gần nhất.

Chia sẻ bài viết