29/07/2010 - 21:42

Những tấm lòng nhân ái

Kinh tế phát triển, nhưng trong xã hội vẫn có không ít những hoàn cảnh thương tâm đang từng ngày, từng giờ vật lộn với số phận kém may mắn của mình. Trong đó, có những gia đình mất ăn mất ngủ vì con cái mắc bệnh hiểm nghèo hay có những đứa trẻ đang đứng bên lề nguy cơ bỏ học, bơ vơ trong cuộc sống vì cha mẹ mắc bệnh hiểm nghèo hoặc gia đình quá khốn khó... Để san sẻ phần nào khó khăn của những hoàn cảnh ấy, nhiều nhà hảo tâm (có những người không phải giàu có) luôn sẵn sàng tiếp thêm niềm hy vọng bằng sự ủng hộ về tinh thần, vật chất, giúp những mảnh đời bất hạnh vượt qua khó khăn. Đáng trân trọng lắm thay!

* Tình thương... không biên giới

Có những bạn đọc từ những nơi xa xôi, cách nửa vòng trái đất như Úc, Canada, Mỹ... gửi email hoặc điện thoại về cho chúng tôi hỏi cách giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm đăng trên Báo Cần Thơ. Trong đó, có chị Phan My (Việt kiều Mỹ), người đã giúp đỡ chi phí điều trị bệnh cho bé Lê Thị Kiều Duyên (ở quận Ô Môn).

Căn bệnh não úng thủy bé Duyên đã mang trong người từ khi còn là bào thai 7 tháng tuổi. Khi sinh ra bé Duyên, chị Yến (mẹ bé Duyên) đau khổ khi thấy đầu con mình to hơn những đứa trẻ bình thường khác. Gia đình tìm cách chạy chữa cho bé nhưng lực bất tòng tâm vì số tiền dành dụm bấy lâu từ việc làm thuê làm mướn đã cạn. Có khi nhà không có gạo để ăn, anh Tùng (cha bé Duyên) phải chạy vạy khắp nơi để đắp đổi qua ngày. Sau khi Báo Cần Thơ đăng bài viết về hoàn cảnh đáng thương của bé Duyên, có rất nhiều người gởi tiền đến giúp đỡ, trong đó có chị My. “Làm việc từ sáng đến tối, mỗi khi vừa chợp mắt tôi lại thấy hình ảnh của bé Duyên ngày đêm phải chống chọi với bệnh tật là tôi ngủ không được. Tôi mong sao giúp được bé chiến thắng bệnh tật có một tuổi thơ êm đềm như bao đứa trẻ khác, vì vậy tìm cách giúp bé chữa bệnh” - chị My tâm sự. Với suy nghĩ đó, chị My đã gởi tiền về cho gia đình anh Tùng - chị Yến chạy chữa cho bé. Mặc dù ở xa nhưng chị My thường xuyên gọi điện thoại về hỏi thăm tình hình sức khỏe của bé. Không những thế, chị còn nhờ người thân ở Việt Nam tìm thầy thuốc chữa bệnh cho bé Duyên, kể cả việc lo chỗ ăn nghỉ trong suốt quá trình bé trị bệnh ở TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng chẳng may bệnh quá nặng, bé Duyên đã qua đời cách đây hơn một năm.

Mẹ bị bệnh tim, gia đình khó khăn, nhờ các nhà hảo tâm giúp đỡ nên 2 chị em Trần Thị Thu Giàu và Trần Lê Ngọc Huệ  tiếp tục được đến trường. Ảnh: M.Tú 

Kể sao cho hết những tấm lòng nhân ái! Đó là những tấm lòng thể hiện tình thương không biên giới, không ngại sự xa xôi cách trở, không màng chuyện xướng danh trên mặt báo. Các nhà hảo tâm này xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau. Có người là tiểu thương, người lao động, cán bộ-viên chức, người nghỉ hưu... thậm chí không phải giàu có khá giả. Có trường hợp là những em học sinh tiểu học, sau khi đọc báo thấy hoàn cảnh của bạn đồng lứa đang gặp khó khăn, liền trút ống heo, nhờ cha mẹ đem tiền dành dụm gởi đến Tòa soạn Báo Cần Thơ nhờ chuyển giúp đỡ cho các hoàn cảnh thương tâm. Có bạn đọc sau khi đọc báo, từ nơi xa lặn lội đến tận nhà hỏi thăm, động viên và giúp đỡ các hoàn cảnh thương tâm nhưng yêu cầu không nêu tên. Và còn rất nhiều những nhà hảo tâm ẩn danh khác luôn sẵn lòng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Như trường hợp chị L. ở quận Bình Thủy qua đọc trên Báo Cần Thơ điện tử, biết được hoàn cảnh của bé Võ Thị Ngọc Trinh, ở ấp Trường Ninh A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, mồ côi mẹ khi mới lên 5 tuổi, chị em bé Trinh ở với ông bà ngoại đã già yếu. Hàng tháng, chị đều đặn trích tiền lương của mình gởi giúp. Thậm chí chị L. còn tìm mua sách vở, quần áo, đến kẹp tóc và những vật dụng sinh hoạt cá nhân để chuyển đến tay gia đình bé Trinh một cách kịp thời... Chị L. hay gọi điện thoại hỏi thăm bé Trinh, ân cần dặn dò nhắc nhở bé như con gái nhỏ của chị. Năm học 2010-2011, bé Trinh vào lớp 1, nhờ sự trợ sức của chị L. mà gia đình bé nhẹ bớt lo toan. Bà Nguyễn Thị Ảnh, bà ngoại của bé Trinh xúc động nói: “Thông qua Báo Cần Thơ, gia đình chúng tôi gởi lời cảm ơn đến các nhà hảo tâm (đặc biệt là cô L.) đã nhiệt tình giúp đỡ bà cháu tôi vượt qua cơn khốn khó. Tôi nguyện nuôi dạy cháu thật tốt để không phụ lòng của các nhà hảo tâm”.

Có những mạnh thường quân sau khi biết được những hoàn cảnh thương tâm vận động cả người thân trong gia đình chung tay giúp đỡ. Cô Trần Liêng Hương, ở phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, dù năm nay đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe yếu nhưng vẫn lặn lội đến nhà bé Lê Thị Kiều Duyên, ở Ô Môn (bị bệnh não úng thủy) tìm cách giúp đỡ. Không những thế, cô còn vận động người thân cùng tiếp sức lo cho gia đình bé trong cơn khốn khó. Mỗi dịp Tết, cô còn chu đáo dành tiền mua phần quà cho gia đình bé Duyên để họ có một cái Tết ấm cúng hơn. Không chỉ trường hợp bé Duyên, mà cô Liêng Hương còn ủng hộ các hoàn cảnh thương tâm khác đăng trên Báo Cần Thơ. Cô Hương tâm sự: Mỗi khi đọc Báo Cần Thơ thấy có hoàn cảnh đáng thương, bản thân tôi và những người thân luôn tìm cách giúp đỡ, muốn san sẻ những khốn khó cho những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Đó cũng là tâm niệm và là niềm hạnh phúc của chúng tôi...”.

* Hạnh phúc được chia sẻ...

Đầu năm 2010, qua thông tin từ Báo Cần Thơ điện tử, anh Túc (tự Võ Kim Khanh) ở TP Hồ Chí Minh, biết được một số hoàn cảnh thương tâm đang cần giúp đỡ. Vậy là, anh dành thời gian đến Cần Thơ, nhờ phóng viên chỉ đường đến gặp các gia đình đang gặp khó khăn. Trong lúc anh trao tặng quà cho một gia đình khó khăn ở quận Cái Răng (TP Cần Thơ), tôi đề nghị được chụp bức ảnh để đăng tin trên báo, anh xua tay nói: “Thôi em à, anh giúp như vậy chưa phải là nhiều. Hơn nữa, giúp được người khác chính là mang đến hạnh phúc cho mình. Anh không muốn đăng hình lên báo!”. Sau vài lần cùng anh đến thăm các hoàn cảnh thương tâm, tôi vô cùng cảm phục tấm lòng nhân ái và sự quan tâm hết sức chân tình của anh đối với người nghèo.

Qua trò chuyện, tôi được biết anh sinh ra trong gia đình có 8 anh em, hoàn cảnh khó khăn, có lúc tưởng chừng không vượt qua được. Nhưng nhờ nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của nhiều người, hiện nay, anh Túc đã thành đạt, có điều kiện giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh thương tâm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trước đây, dù rất ham học nhưng ngoài anh Túc, các anh chị của anh không ai được đi học đến nơi đến chốn, phải nghỉ học sớm, phụ mẹ kiếm sống. Khi các anh chị đã trưởng thành, điều kiện kinh tế gia đình tương đối ổn định, anh Túc là con út nên may mắn được cả nhà động viên, ủng hộ việc học hành. Từ bậc cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ, anh đều được đào tạo từ các trường ở Úc. Những năm tháng du học ở xứ người, anh phải tự kiếm tiền bằng nhiều công việc khác nhau để nuôi sống bản thân. Nhớ về những ngày tháng ấy, anh tâm sự: “Trải qua rất nhiều việc, từ công nhân lọc, rửa lông cừu ở xưởng sản xuất áo lông thú cho đến giáo viên dạy học, tôi vừa kiếm tiền, vừa tích lũy cho mình nhiều kỹ năng sống quý báu. Và có lẽ nhờ vậy mà tôi thấu hiểu hơn hoàn cảnh khó khăn của người khác”. Năm 1994, anh có thời gian trở về thăm Việt Nam và bén duyên với công tác từ thiện tại quê nhà, nhờ cầu nối từ người chị ruột. Anh kể: “Lúc về thăm gia đình, tôi thấy chị Năm lui cui nấu nồi cari thật to. Hỏi ra mới biết chị Năm nấu đem cho Nhà Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi ở Bình Dương. Chị rủ tôi theo và từ đó, tôi bắt đầu tìm cách giúp đỡ cho những hoàn cảnh thương tâm trong nước, nhất là đối với trẻ nhỏ”. Từ sau năm 1998, anh Túc về Việt Nam thường xuyên hơn. Hiện tại, anh đang công tác tại Trường Đại học Trà Vinh và nhận tư vấn cho các công ty giáo dục nước ngoài. Từng có thời gian làm việc tại nhiều tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lúc rảnh rỗi, anh tranh thủ đi nhiều nơi, thông qua bạn bè, các kênh truyền thông để tìm đến các hoàn cảnh thương tâm ở vùng đất này. Anh làm công tác từ thiện đơn giản vì bản thân trước đây từng được nhiều người giúp đỡ và thấy mình may mắn hơn nhiều người khác. Trong các dịp thăm hỏi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, anh đặc biệt chú ý đến trẻ em, vì theo anh đây là đối tượng rất dễ bị lạm dụng và tổn thương, nên cần được quan tâm phát triển đúng cách. Đến với các hoàn cảnh thương tâm, anh không chỉ giúp đỡ bằng tiền mà còn tìm hiểu các nhu cầu thiết thực trong cuộc sống hàng ngày của các gia đình để có sự giúp đỡ chu đáo hơn. Có lần, tôi cùng anh đến thăm một phụ nữ bị bệnh tim, gia đình rất túng bấn. Sau khi hỗ trợ tiền cho người phụ nữ này, anh đi bộ ra chợ gần đó, mua về cả chục bịt sữa đậu nành tiệt trùng và mì gói, nước khoáng để chị dễ sử dụng mỗi khi lên cơn mệt mà không có người kề cận chăm sóc. Không chỉ giúp đỡ trực tiếp, anh còn là nhịp cầu nối giữa các nhà hảo tâm khác với hoàn cảnh thương tâm mà không chút đắn đo. Hầu hết thời gian anh Túc dành cho việc chuyên môn và công tác xã hội nhưng gia đình anh hiểu và ủng hộ việc làm từ thiện của anh. Đó cũng chính là một trong những động lực giúp anh gắn bó với xã hội nhiều hơn.

* * *

Trong cuộc sống có những thứ quý hơn tiền bạc, đó là sự cảm thông và lòng nhân ái. Xin cảm ơn những bạn đọc hảo tâm gần xa của Báo Cần Thơ đã tiếp thêm sức mạnh cho những mảnh đời bất hạnh để họ có thêm niềm tin và nghị lực phấn đấu vươn lên. Những nghĩa cử cao đẹp này như ngọn lửa làm bừng sáng truyền thống lá lành đùm lá rách của dân tộc ta và chúng tôi hy vọng các nhà hảo tâm tiếp nối nhau chung tay gìn giữ và thổi bùng lên ngọn lửa nhân ái trong lòng mỗi người, hướng tới những hoàn cảnh cơ nhỡ kém may mắn đang cần tiếp sức...

HOÀNG-SƠN

Chia sẻ bài viết