26/10/2009 - 20:27

Những nữ công nhân vượt khó

Mỗi đêm, khi nhiều người đã ngon giấc thì các chị công nhân vệ sinh lại bắt đầu công việc quét rác trên đường phố như con ong cần mẫn làm đẹp cho phố thị. Ở TP Cần Thơ có gần 100 nữ công nhân quét rác, trong đó, có những chị có cuộc đời riêng đầy bất hạnh, nhưng kiên cường vượt qua khó khăn, nuôi con thành người hữu dụng cho xã hội như chị Bùi Thị Thuận và chị Nguyễn Thị Lài, công nhân Xí nghiệp Môi trường thuộc Công ty Công trình đô thị thành phố.

Niềm vui của chị Thuận là thành tích học tập của cô con gái Nguyễn Thị Tiện

1. Là con gái út trong gia đình, chị Bùi Thị Thuận (SN 1963) đã phải trụ lại quê nhà (xã Hỏa Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) để làm ruộng phụ giúp cha mẹ cho 6 anh, chị vào TP Cần Thơ lập nghiệp.

Năm 24 tuổi chị Thuận kết hôn với anh Nguyễn Đình Thuật, bộ đội phục viên ở cùng xã. Vì anh Thuật là con trai cả, chị Thuận phải sang nhà chồng làm dâu. Cuộc sống gia đình chỉ nhờ vào 5 sào ruộng của cha mẹ cho. Năm năm sau ngày cưới, chị sinh được con gái đầu lòng Nguyễn Thị Tiện (SN 1992), hai năm sau nữa Nguyễn Thị Toan (SN 1994) ra đời, gia đình đầy ắp tiếng cười con trẻ. Anh Thuật ra sức lao động nuôi gia đình, nhưng khi Toan đầy thôi nôi thì anh Thuật ngã bệnh. Trong thời gian tham gia đi bộ đội anh Thuật đã mắc bệnh sốt rét ác tính, thời gian đó do lao lực quá sức anh đã nằm liệt giường. Chị Thuận nói: “Chồng tôi bệnh nặng mê man suốt cả tháng, tôi dốc hết tiền đưa anh đi khắp nơi chữa trị, mong anh phục hồi sức khỏe, nhưng sau khi khỏi bệnh anh không nhận biết được người thân. Bác sĩ nói chồng tôi bị bệnh tâm thần phân liệt. Thế là chị Thuận phải làm việc bất kể ngày đêm để kiếm tiền thuốc thang cho anh Thuật và nuôi hai con. Chị Thuận kể: “Cuộc sống của tôi luôn ngập chìm trong cảnh mượn nợ. Mỗi năm, tôi trông nhờ vào mùa lúa đông xuân để trả nợ, như vay ngân hàng đáo hạn vậy, vì thời tiết ở miền Bắc lạnh cắt da, cắt thịt ai cũng sợ ra đồng cắt lúa đông xuân, nên mùa này đi cắt lúa là dễ kiếm tiền nhất. Tôi cố chịu lạnh, cắt hết lúa ở ruộng nhà thì nhận cắt thuê hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác. Khi có người thuê mướn ở những xã khác, cách nhà hàng chục cây số, tôi phải đi làm từ 3 giờ sáng đến 22 giờ đêm mới về nhà. Con gái lớn gởi ông bà nội trông giùm, con gái nhỏ thì quấn mền ôm theo, bà con thương cảnh tôi đơn chiếc nên thay nhau giữ giùm con tôi”. Anh Tô Trọng Khanh (em rể của chị Thuận), nói: “Chị Thuận vất vả suốt năm năm liền, người ốm còn da bọc xương nhưng bệnh tình của anh Thuật vẫn không thuyên giảm. Gia đình chồng đồng ý cho chị Thuận đưa 2 con gái vào Cần Thơ sống nhờ nhà chị ruột là Bùi Thị Luyến, (ở đường Tầm Vu, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều), vì trong mấy chị em, chị Luyến có thu nhập ổn định, có khả năng giúp cho hai con của chị Thuận được ăn học đàng hoàng.

Năm 2000, chị Bùi Thị Thuận được Xí nghiệp Môi trường nhận vào làm công nhân quét rác trên tuyến đường 91B - đoạn từ siêu thị Metro Hưng Lợi đến cầu Bà Bộ. Mỗi ngày, chị đạp xe đến gởi tại Bến xe khách Cần thơ, lấy chổi tre và xe kéo rác để quét, gom rác đổ lên xe. Sau đó, kéo xe rác đến chợ 3 Tháng 2 để đưa lên xe ép rác mang về bãi đổ rác Tân Long (Phụng Hiệp, Hậu Giang). Công việc nói nghe như đơn giản nhưng chị Thuận phải làm từ 21 giờ đêm đến 5 giờ sáng mới xong. Tan ca chị đạp xe về nhà tắm gội nghỉ ngơi một chút rồi xách giỏ đi chợ lo bữa cơm cho ba mẹ con chị và bốn người nhà chị Bùi Thị Luyến. Chị Thuận bộc bạch: “Có được việc làm và cuộc sống ổn định, tôi mừng như được tái sinh. Sống với gia đình chị Luyến tôi không phải lo cái ăn, phần tiền lương gần 2 triệu đồng/tháng, tôi dành phân nửa để gởi về quê lo thuốc men cho chồng tôi, cầu mong anh ấy khỏi bệnh”.

Đáp lại sự nhọc nhằn của chị Bùi Thị Thuận, hai cô con gái của chị đều là con ngoan, trò giỏi. Con gái lớn Nguyễn Thị Tiện đang học lớp 12 B1 Trường THPT Châu Văn Liêm có đôi mắt sáng và nụ cười phúc hậu rất giống chị Thuận. Em là học sinh giỏi 11 năm liền, 2 năm lớp 10 và 11 Tiện là Lớp phó học tập, được học bổng học sinh học giỏi vượt khó do nhà trường trao tặng. Cô Phan Ngọc Nhanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 B1, nói: “Hiếm có trường hợp nào được như Nguyễn Thị Tiện, em không đi học thêm nhưng học giỏi đều các môn. Tính tình Tiện sâu sắc hơn độ tuổi của em, năm lớp 12 này em báo với nhà trường là em được người bác nuôi ăn học, gia đình em đã vượt qua khó khăn, em xin nhường phần hỗ trợ của nhà trường để giúp cho các bạn khác đang gặp khó khăn được học tốt”.


Sau giờ tan ca chị Lài xắn tay cùng thợ
xây nhà mới.

2. Chị Nguyễn Thị Lài (SN 1960), quê ở xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, năm 1987 cùng chồng đưa hai con gái là Nguyễn Thanh Lam (SN 1983) và Nguyễn Thanh Hiền (SN 1986) vào Cần Thơ sinh sống. Chồng chị Lài là bộ đội được đơn vị phân cho căn nhà tập thể bằng cây tôn tại Khu tập thể Trần Khánh Dư thuộc phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều. Lúc đó, sau nhà chị Lài có chiếc ao khá lớn, chị tranh thủ trồng rau muống, nuôi heo phụ thêm kinh tế gia đình. Nhưng khi đứa con gái út bập bẹ gọi ba thì chồng chị đã rời bỏ mẹ con chị đi theo người phụ nữ khác. Chị Lài đã âm thầm cảnh thân cò vất vả nuôi con, không than vãn nỗi niềm riêng với ai. Trò chuyện với tôi, khi nhắc đến người chồng phụ bạc, chị nói nhẹ nhàng: “Vợ chồng là duyên nợ. Thôi thì, tôi cố xem như anh ấy đã đi xa, giờ tôi đã quen sống một mình, niềm vui là 2 đứa con hiếu thảo”. Và gương mặt của chị ánh luôn lên niềm vui khi nhắc đến những sự kiện làm cuộc sống ba mẹ con chị dần thoát khỏi khó khăn, như: chị được Công ty Công trình đô thị nhận vào làm công nhân quét rác, việc Nguyễn Thanh Lam thi đậu vào Trường ĐH Cần Thơ, Nguyễn Thanh Hiền thi đậu vào Trường Cao đẳng Cần Thơ,...

Khi tôi tìm nhà chị Nguyễn Thị Lài, nhiều bà con trong xóm hỏi ngay: “Phải nhà của bé Lam, bé Hiền kéo rác?”. Bởi bà con đã quen với hình ảnh đêm đêm Thanh Lam và Thanh Hiền thay nhau phụ tiếp đẩy xe rác cho chị Lài. Hỏi về việc này, Thanh Lam buồn buồn, nói: “Lúc đó ban ngày mẹ phải ngồi suốt để đan bím lác cho hợp tác xã; ban đêm đường này đá lởm chởm, thấy mẹ làm việc một mình vất vả tội quá nên chị em tôi thay nhau phụ mẹ. May mắn, khi chúng tôi lên trung học thì đường được nâng cấp mở rộng, công việc đẩy xe bớt nhọc nhằn, mẹ tôi tự làm để chị em tôi được ở nhà tập trung học hành”. Giờ đây, Nguyễn Thanh Lam đã là giáo viên môn Hóa của một trường THPT ở quận Cái Răng, còn Nguyễn Thanh Hiền làm nhân viên một công ty tư nhân, có mức lương khá cao. Thanh Lam và Thanh Hiền đã góp vốn cùng mẹ xây căn nhà 1 trệt, 1 lầu khang trang thay cho căn nhà cây tôn ọp ẹp. Cất nhà là việc của đàn ông, nhưng để đỡ tốn kém, chị Lài xắn tay phụ tiếp cùng cánh thợ. Tôi hỏi chị có ước mơ gì, chị cười thật hiền, nói: “Tôi chỉ mong được khỏe mạnh để lao động và sống hạnh phúc bên các con”.

Anh Nguyễn Hữu Kim Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Công trình đô thị, cho biết: “Việc quét rác và kéo xe rác trên đường phố là lao động nặng nhọc và độc hại. Trên thực tế xã hội vẫn còn nhiều người có cái nhìn thiếu trân trọng đối với công nhân vệ sinh, chị Bùi Thị Thuận và Nguyễn Thị Lài vừa là tấm gương sáng về thành tích lao động, vừa là điển hình vượt khó nuôi dạy con hiếu thảo, học giỏi nên người. Hai chị là niềm tự hào của tập thể anh, em công nhân Công ty Công trình đô thị”.

Bài, ảnh: Đ.Khôi

Chia sẻ bài viết