20/04/2013 - 20:28

Những nét sinh hoạt xã hội văn hóa nghệ thuật kiến trúc, luật tục thời Hùng Vương dựng nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Hồng bàng là tổ nước ta, nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang”, “Các vua Hùng đã có công dựng nước Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Quốc sơ Văn Lang tồn tại gần 2 thiên niên kỷ, đã có những nét sinh hoạt xã hội độc đáo, nền nghệ thuật kiến trúc đặc trưng của 1 quốc gia đang trong thời kỳ xây dựng, có cả chữ viết, thầy đồ dạy chữ, học nghề - trong Hoàng cung và xã hội bên ngoài.

Dâng hương tại Đền thờ Đức Quốc Tổ (Phú Thọ) sáng 15-4.
Ảnh: baophutho.vn

Ngay từ năm 1923  thời Pháp thuộc, tại hội nghị quốc tế về thời tiền sử ở Viễn Đông họp tại Hà Nội, nhà nghiên cứu Madelel Colani đã phát hiện và xác định “Văn hóa Hòa bình (Việt Nam) phát triển trước cả Lưỡng Hà 3000 năm, tức 10.000 năm (sau 7000 năm Lưỡng Hà là đến Trung Hoa, Ấn Độ) các dấu tích về đĩa gốm, xương động vật, đồ đá phát hiện tại Lamgan (Hòa Bình) còn khắc chữ Việt cổ, đo được tuổi đời (C.14) là l0.000 năm.

Sau 1000 năm Bắc thuộc, kẻ thù phương Bắc đã thực hiện chính sách đồng hóa, hủy hoại tiêu diệt mọi giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc ta, tên Thái thú Sỹ Nhiếp đã ra lệnh triệt hạ chữ Việt cổ thay bằng chữ Hán, song chữ viết tinh hoa văn hóa dân tộc là bất diệt, các văn bản viết chữ Việt cổ, các dấu tích còn trên khắp nước, trong các hang động trong nhân dân, trong các Viện Bảo tàng, Thư viện ở Anh, Pháp, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Đây không chỉ là vấn đề thuộc văn từ, ngôn ngữ, mà còn là 1 di sản văn hóa đặc biệt, 1 bài học lịch sử dựng nước của các vua Hùng, lịch sử đấu tranh giữ nước của các thế hệ người Việt Nam chống phong kiến phương Bắc trong 10 thế kỷ.

Hiện nay ở làng Hương Lan thuộc xã Trưng Vương thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đang hiện diện 1 ngôi miếu cổ: “Thiên cổ miếu” (miếu có từ ngàn xưa) viết trên bức hoành phi, hai bên có đôi câu đối:

“Hùng lĩnh Trung chi thắng tích,
Nam thiên chứng khí linh từ”

Tạm dịch là: “Di tích ở Hùng lĩnh (Đền Hùng) là Trung tâm của cả nước không đâu sánh nổi, chính miếu này là khí thiêng của trời Nam. Trên bệ thờ cao đặt 2 pho tượng sơn son thiếp vàng, là tượng thầy giáo Vũ Thế Lang và vợ là Nguyễn Thị Thục, dưới là 2 pho tượng nhỏ hơn, là công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung con gái vua Hùng thứ 18 (học trò của Thầy Lang) được tạc vào thời Lý, dưới nữa là pho tượng Tiên đồng, Ngọc Nữ theo hầu, có 3 bát hương cổ bằng đất nung, hoa văn đẹp giống hoa văn khắc trên trống đồng.

Theo Ngọc Phả ghi rõ: Thân phụ của Vũ Thế Lang là Vũ Công, quê ở Mộ Trạch (Hải Dương) dòng dõi thi thư, nguyên văn là “Thi thư sử thế hiếu đễ trì gia, cầu dĩ giáo đồng vi hồ khẩu chi kế” , Vũ Công đã tìm đến Phong Châu kiếm kế sinh nhai, ông đến Hương Lan làm nghề dạy học - “Nhật đĩ giáo tiểu tập đồng vi nghiệp”, và đã sinh ra Vũ Thế Lang, lớn lên lấy Nguyễn Thị Thục quê ở Đông Ngàn (Bắc Kinh) làm vợ, 2 người vẫn ở lại Hương Lan để nối nghiệp cha. Chồng dạy học, vợ làm ruộng trồng dâu, nuôi tằm, sinh được ba con, lớn lên được vua Hùng Duệ Vương trọng dụng, phong làm Đô Sỹ, bảo vệ vua, vì đều văn võ song toàn. Năm 288 trước Công nguyên, vợ chồng thầy giáo quy tiên sau nhiều năm dạy học cho cả con vua và con dân. Bà Thục dạy 2 công chúa và dân làng biết nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, chồng dạy chữ, vợ dạy nghề, làm điều nhân nghĩa: “Lực hành nhân nghĩa, gia tự phong hậu”, nêu gương sáng cho thiên hạ đương thời và hậu thế hôm nay.

Thiên Cổ miếu ở làng Hương Lan thể hiện nền văn hiến thời Hùng Vương dựng nước đã có cả chữ viết, người dạy học, người đi học - 1 bằng chứng lịch sử của dân tộc ta từ 2 thiên niên kỷ trước đây.

Thời các vua Hùng dựng nước cai quản đất Văn Lang còn có cả 1 nền nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Con người đã tiến ra ở các miền đất rộng lớn từ đồi núi trung du ra ở các vùng đất rộng bằng làm nghề trồng lúa, đánh bắt cá, đã phải làm nhà để che nắng, che mưa, phòng chống thú dữ.

Thủa ấy ở vùng ngã ba sông tại Việt Trì đã có bước phát triển nổi trội, so vùng khác, nơi đây không chỉ là kinh đô nước Văn Lang mà còn là Trung tâm của các nghề thủ công, đan lát, đúc đồng, chạm khắc, chế tác đồ trang sức, xây cất nhà cửa cho dân cư, cung thất cho các vua, các Lạc hầu, Lạc Tướng ở Lâu thượng, Lâu hạ. Cẩm đội là nơi đóng binh, Hồng Đà huyện Tam Nông chế tác đồ trang sức ngày càng tiến bộ, đông vui.

Văn Lang thủa ấy nắng lắm, mưa nhiều, lũ lụt bất thường xảy ra, có nhiều thú dữ, nên nhà ở của cư dân phổ biến là nhà sàn...

“Buổi đầu dựng nước, đồ ăn chưa đủ, lấy vỏ cây làm áo, lấy cuống cỏ bện chiếu, lấy nước cây làm rượu, dùng bột quang lang (cây báng) làm cơm, lấy thịt chim muông, cá tôm làm mắm, lấy gừng làm muối... đất cấy nhiều lúa nếp, lấy ống tre để thổi nấu cơm, gác gỗ làm nhà sàn để tránh khỏi hổ lang ăn thịt” (Sách Lĩnh Nam Chích Quái).

Mỗi làng xóm thủa ấy thường có 1 ngôi nhà công cộng khá lớn, được trang trí, chạm khắc công phu, là nơi tụ hội sinh hoạt văn hóa, tiến hành các nghi lễ tín ngưỡng, làm tiền đề cho nền nghệ thuật kiến trúc là Thành cổ Loa do An Dương Vương - người kế nghiệp các vua Hùng (300 năm trước Công nguyên) là 1 công trình kiến trúc quân sự độc đáo, chứng tỏ tổ tiên ta đã có 1 trình độ thẩm mỹ, nghệ thuật kiến trúc khá cao từ thời dựng nước.

Từ buổi đầu sơ khai dựng nước tồn tại và ngày càng phát triển, xã hội chưa có sự phân hóa sâu sắc. Qua nghiên cứu các cứ liệu lịch sử, các nhà khoa học đã phác họa được 1 cấu trúc Nhà nước thời Hùng Vương theo hệ thống ba cấp. Đứng đầu là vua Hùng có vai trò chỉ huy quân lính, chủ trì các nghi lễ tôn giáo, dưới đó là các Lạc hầu, Lạc Tướng, cai quản các bộ lạc là các Lạc Tướng. Dưới các bộ lạc là các công xã nông nghiệp do các “Bồ chính” đứng đầu quản lý theo quy định chung cho cả cộng đồng diễn ra vào thế kỷ 7 trước Công nguyên.

Do thời điểm “quốc sơ” ấy chữ viết chưa phổ biến và đầy đủ nên chưa thể viết nên luật pháp thành văn, bởi thế pháp luật đương đại bấy giờ được hình thành trên cơ sở tập quán, tập tục có trước và được điều chỉnh dần theo đà phát triển của đất nước, song luật tục này vẫn có tác dụng chi phối cả cộng đồng.

Theo Hậu Hán thư, thư tịch cổ nhất tuy có ghi chép sơ sài, nhưng đã nói rõ “Luật của người Việt hơn 10 điều so với nhà Hán”, có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội đương thời và đã được truyền miệng phản ánh lại.

Qua chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh đã thấy hôn nhân gia đình khá tiến bộ - 1 vợ, 1 chồng, có sinh lễ dẫn cưới, tổ chức hôn lễ, quyền bình đẳng con người, sự tôn trọng phụ nữ cũng được xã hội thừa nhận qua câu chuyện Tiên Dung chủ động kết hôn với Chử Đồng Tử, hoặc cô gái họ Lưu chủ động chọn chồng giữa anh em Tân Lang trong chuyện Trầu cau. Cũng trong thời điểm này, chế độ “thế tập”, (cha truyền con nối) đã được áp dụng, nhưng quyền con người vẫn được đề cao, tôn trọng khi cần huy động người tài giỏi ra gánh việc nước (chuyện bánh chưng, bánh dày) hoặc chống lũ giặc xâm lăng (chuyện Thánh Gióng).

Có thể nói, dù chưa có bộ luật hoàn chỉnh như các triều đại phong kiến ở thiên niên kỷ 2, nhưng các tập tục buổi sơ khai của Nhà nước Văn Lang cũng vẫn mang ý nghĩa to lớn trong việc hình thành thể chế xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho sự sinh tồn và phát triển của đất nước được như hiện nay, xã hội Văn Lang xa xưa là xã hội của các công xã nông thôn, của văn minh lúa nước, xã hội chuyển “từ kinh tế chiếm đoạt của thiên nhiên” sang kinh tế sản xuất, khai thác thiên nhiên như Ăng-ghen từng phân tích về tiến trình lịch sử nhân loại. Đây là bước phát triển quan trọng của loài người.

Một năm sau khi UNESCO công nhận “Hát Xoan” vùng quê đất Tổ là “di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”, ngày 6-12-2012, Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) lại vừa công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là “di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

GIÀNG A XÊNH

 

Chia sẻ bài viết