24/09/2012 - 21:15

Những chiếc cầu nối nhịp đạo - đời

* Ký: ĐĂNG HUỲNH

Đọc lại những câu thơ của cố thi sĩ Trần Hòa Bình: "Thêm một chiếc lá rụng. Thế là thành mùa thu…", tôi chợt nhớ đến những công việc thiện nguyện của Hòa thượng Trần Nhiếp, trụ trì chùa Thanh Gia (còn gọi là chùa Đường Xuồng Mới, ngụ xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang). Thêm một chiếc cầu, một căn nhà tình thương hay thêm một đoạn đường tráng bê tông, Hòa thượng Trần Nhiếp đã nối nhịp đạo - đời, thắp lên bao niềm tin yêu, hoan hỉ.

Hòa thượng Trần Nhiếp (đứng) cùng các vị sư sãi chuẩn bị vỉ sắt để đổ bê tông làm đường. Ảnh: DUY KHÔI

Tôi đã hẹn gặp sư cả Trần Nhiếp nhiều lần mà không được. Lúc thì sư đang ở huyện Hòn Đất, huyện Vĩnh Thuận, thậm chí tận U Minh Thượng, Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) để xây cầu. Nghe tin sư mới về chùa sau hơn chục ngày xây cầu Kênh KH1 ở xã Dục Tượng, huyện Châu Thành, tôi liền tìm đến. Gương mặt của vị sư đã 83 tuổi vẫn hiện nét mệt nhọc sau những ngày dầm nắng, đội mưa chỉ huy xây cầu, nhưng trên môi nở nụ cười thỏa nguyện: "Có cầu đi lại, bà con ai cũng mừng, tụi nhỏ đi học dễ dàng hơn!". Hơn 40 năm bắt tay vào chuyện xóa cầu khỉ, cầu ván chông chênh, sư cả đã bao lần tận hưởng niềm vui như thế. Một niềm vui ý nhị, giản đơn mà ẩn chứa bao đạo lý của một bậc chân tu.

Đường Xuồng Mới là ngôi chùa Phật giáo Nam Tông, nằm khuất ở một vùng nông thôn nghèo của xã Định Hòa. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, sư cả Trần Nhiếp thấu hiểu nỗi khó khăn, nhọc nhằn của bà con. Đây là vùng đất trũng phèn nên năng suất cây lúa, hoa màu rất thấp, lại thêm chịu hậu quả nặng nề sau hai cuộc chiến tranh, người dân Định Hòa dẫu cần mẫn làm ăn nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám. Nơi chốn thiền môn, sư cả Trần Nhiếp đau theo cái khổ của dân nghèo. 15 công đất thuộc tài sản của nhà chùa, sư vận động các sư sãi làm lụng bằng mười, mong sao cho năng suất lúa cao nhất, làm ra hạt gạo dẻo thơm nhất, góp phần cứu khổ bà con. Hình ảnh vị sư già lặn lội cấy lúa, làm cỏ trên cánh đồng vẫn là một minh chứng cho đạo lý: đến với đời, cứu khổ cho đời để đạt chân tu.

Cũng như bao vùng quê khác trên quê hương châu thổ Cửu Long, xã Định Hòa có hệ thống kinh rạch chằng chịt. Bắc ngang đó là những chiếc cầu khỉ cheo leo. Không biết bao lần vị sư cả đã đi qua, đã chứng kiến con em trong phum sóc trượt chân té sông, người lớn tuổi không qua lại được vì đò giang cách trở. "Thấy bà con còn khổ quá nên sư ráng làm. Được cây cầu nào thì đỡ cây cầu đó" - sư cả Trần Nhiếp trần tình như vậy. Và từ năm 1972 đến nay, sư cả đã nối nhịp trên 200 chiếc cầu lớn nhỏ. Có cây trị giá hơn 200 triệu đồng, có cây chỉ hơn 10 triệu. Không chỉ ở Định Hòa quê sư mà cả những huyện khác như: U Minh Thượng, Giồng Riềng, Châu Thành, Hòn Đất, Vĩnh Thuận… Sư cả luôn là người chủ trì, vẽ phần thiết kế cầu và kiêm luôn việc vận động tiền, nhân công. Những lúc bà con trong xã bận ruộng nương không đủ nhân công, sư cả lặn lội đến nhiều địa phương khác để vận động bà con bổn sóc sang giúp. Nhờ vậy mà những công trình luôn hoàn thành trước thời gian, tiết kiệm được công sức và tiền của. Năm nay tròn 40 năm sư bắt tay làm cầu. "Từ cây cầu đầu tiên bắc ngang con kinh nhỏ thuộc ấp Hòa Thanh, xã Định Hòa hoàn thành từ năm 1972 đến nay vẫn còn tốt, đến cây cầu mới hoàn thành ở huyện Châu Thành, tính ra đã hơn 200 cây" - người ta tạm tổng kết như vậy. Nhưng sư cả thì chẳng thể nhớ. Không phải vì tuổi cao hay thời gian đã lâu mà bởi làm việc thiện nào ai toan tính công lao.

Vẫn kiến trúc đặc trưng riêng của Phật giáo Nam Tông nhưng chùa Đường Xuồng Mới có lẽ "lạ" hơn so với các ngôi chùa khác. Ngoài tiếng kinh kệ, chùa luôn rộn ràng tiếng các vị sư bẻ sắt, uốn sắt, buộc vỉ hay xả ván cốp-pha. Không gian thiền môn nghiêm trang đã nhường chỗ cho những thanh âm lao động cật lực. Khi hoàn thành, tất cả sắt, khuôn được chuẩn bị sẵn để chở đến địa điểm cần làm. Vị sư già tỉ mẩn uốn từng cây sắt, ngoáy từng cọng thép bằng đôi tay sần sùi, chai sạn qua tháng năm. Với sư cả, hy sinh một chút không gian yên tĩnh để làm việc có ích cho đời thì nên lắm.

"Tiếng lành đồn xa", nhiều người thiện nguyện, những tấm lòng nhân ái nghe sư cả làm từ thiện thì tìm đến, mong góp chút lòng thành để giúp đỡ dân nghèo. Thực tiễn từ những nhịp cầu do nhà sư kiêm "kỹ sư không bằng cấp" này thực hiện đã minh chứng hiệu quả. Theo thống kê của chính quyền xã Định Hòa, toàn xã hiện có 200 cây cầu, tất cả đều được bê tông hóa, trong đó đã có hơn 100 cây cầu do sư cả Trần Nhiếp vận động xây dựng.

* * *

Ngồi nghỉ ở một quán cóc ven đường của ấp Hòa Thanh, xã Định Hòa, tôi nghe hai người phụ nữ Khmer kháo nhau rằng, từ hồi tuyến lộ từ ấp đến bến đò Thủy Liễu được tráng bê tông, chuyện đi lại, buôn bán rất dễ dàng. Một phụ nữ nói: "Cũng nhờ ông sư xin tiền tráng xi măng cho mình đi". Hỏi ra mới biết tuyến đường này trước đây sình lầy, không xe cộ gì qua lại được. Sư cả Trần Nhiếp đã vận động mạnh thường quân góp tiền làm đường. Tuyến đường dài gần 1.300m, rộng 1,2m hoàn thành trong sự vui mừng của bà con bổn sóc. Còn sư cả Trần Nhiếp thì dường như chưa lúc nào ông cho phép mình nghỉ ngơi bởi theo sư: "Bà con còn chịu cái khó, cái nghèo thì mình nghỉ không yên". Tuyến đường chạy dọc ấp Hòa Thanh dài gần 2.000m lại sắp hoàn thành cũng do sư vận động. Có lẽ đây là con đường "kỳ lạ" nhất mà tôi từng gặp: có đoạn ngang 1,5m nhưng có đoạn 1,2m, thậm chí 1m. Sư cả giải thích: "Tiền không có nhiều nên tôi ráng thu nhỏ lại để con đường dài ra, bà con đi lại được nhiều hơn". Nhìn con đường lớn nhỏ uốn quanh đường làng sao nghe lòng dâng lên niềm cảm phục. Chỉ hơn 5 năm bắt tay vào chuyện bê tông hóa đường làng, đến nay sư cả đã hoàn thành gần 15km đường, kết nối đường làng với đường phố, nối bà con phum sóc với các thị trấn phố chợ khác.

Cầu đường đã tạm ổn nhưng cơ khổ thay những mùa mưa đi qua, những ngôi nhà lá xập xệ yếu ớt cứ xiêu vẹo dần. Cám cảnh, sư cả lại vận động các mạnh thường quân cất nhà tình thương. Ông Danh Thọ, một lão nông ở ấp Hòa Thanh, xã Định Hòa, năm nay đã gần 80 tuổi, làm lụng cả đời chẳng có mái nhà lành lặn. Các con ông ai cũng khó khăn nên chẳng giúp được cha. Sư cả đã vận động được gần 30 triệu đồng cất căn nhà khang trang. Vốn tính trầm lặng, ít nói nhưng khi chúng tôi hỏi về căn nhà mới, ông Danh Thọ vui vẻ nói: "Biết ơn ông sư cả biết chừng nào!". Cùng chung niềm vui với ông Danh Thọ còn rất nhiều bà con nghèo khác như bà Thị Nhợ, Thị Ánh… Đến nay đã có hơn 30 căn nhà được dựng lên bằng tấm lòng bác ái của nhiều mạnh thường quân, mà sư cả là người nối kết. Từ đấy, bao phận người bớt đi sự khốn khó, tìm lại niềm vui trong cuộc sống.

* * *

Hòa thượng Trần Nhiếp hiện là Chi hội trưởng Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo xã Định Hòa, Ủy viên BCH Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang. Với những công lao trong từ thiện xã hội, hòa thượng Trần Nhiếp đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba năm 2008.

Nhắc đến một nhà tu hành, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh y - bát, bước chân nhẹ nhàng, thanh thoát. Nhưng người dân Định Hòa lại quen với hình ảnh một vị sư già lúc ngồi xe ôm, lúc ngồi đò, xuồng đi đến những vùng sâu để đến những đoạn đường sình lầy, những mái nhà nghèo khổ dột nát mà tìm cách giúp đỡ. Lo cho người sống thì người chết cũng phải lo- suy nghĩ đó đã khiến sư cả bắt tay vào công việc đóng quan tài từ thiện. Chẳng ai nhớ có bao nhiêu người đã yên nghỉ trong những chiếc quan tài từ thiện như thế, bằng sự che chở và tấm lòng của một vị sư, nhưng người ta chỉ biết rằng: Tới chết vẫn nhờ ơn sư cả!

Trên con đường hành thiện ấy, sư cả Trần Nhiếp cũng đã mang bao dòng nước mát đến cho người nghèo trong các phum sóc bằng chương trình "Nước ngọt cho nông thôn". Nhờ những cây nước mà bà con thoát cảnh múc nước dưới kinh rạch lóng phèn sử dụng hay đi đổi nước xa hàng chục cây số. Đến nay, hàng trăm cây nước đã được khoan nhờ tiền vận động của sư cả.

Những việc làm của sư cả Trần Nhiếp như mật ngọt dâng đời, như bài ca cuộc sống về một nhà sư nhập thế cứu đời. Xong việc cầu đường, nhà cửa cho chúng sanh, sư cả lại trở về với công việc của một nhà tu hành, tụng kinh niệm Phật. Tôi hỏi sư rằng: "Trong những lời nguyện cầu cùng đức Phật, có lời nào sư nguyện ước cho riêng mình?". Sư cười đáp: "Mình có khổ ải gì mà phải cầu. Có cầu xin chăng là cho sư có sức khỏe để tiếp tục giúp bà con trong các phum sóc". Giọng nói đã run, đôi chân đã chậm và đôi mắt đã mờ nhưng tôi nghe được trái tim của sư cả vẫn còn nhiệt huyết, hăng say với đời nhiều lắm.

Bà Ngô Huyền Trang, Phó Chủ tịch UNBD xã Định Hòa, nhận xét: "Hòa thượng Trần Nhiếp rất có uy tín ở địa phương, nhất là đồng bào dân tộc Khmer. Trong các cuộc vận động hay tuyên truyền chủ trương, chính sách cho phum sóc, xã đều kết hợp với hòa thượng. Đặc biệt, công tác từ thiện của hòa thượng mấy chục năm qua đã thực sự làm thay đổi diện mạo của xã Định Hòa".

* * *

Chứng kiến những hành động thiện nguyện, đến với người nghèo bằng cả lòng từ tâm của sư cả Trần Nhiếp, tôi chợt nghĩ đến lời dạy của Bác Hồ: "Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm…". Và sư cả Trần Nhiếp đã dành trọn cuộc đời của mình để làm điều đó…

Chia sẻ bài viết